Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Phi Long tặng bằng khen và hoa cho các thầy, cô giáo - Ảnh: HÀ THANH |
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tri ân, động viên, chia sẻ với 42 thầy, cô giáo đang công tác tại các huyện, xã đảo của Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng đến các thầy, cô giáo đã đạt nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy, là tấm gương phi thường để các em học sinh và phụ huynh hướng đến. Nhân dịp này bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đến gần 800 giáo viên ở các huyện, xã đảo nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp tới.
Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các thầy, cô giáo luôn phát huy các thành tích trong thời gian qua, tiếp tục có những hoạt động đổi mới trong phương pháp dạy, có các giải pháp thiết thực để triển khai thành công phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016 - 2020”, xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tâm tư từ đảo xa gửi Bộ trưởng
Vượt sóng gió từ đảo xa đến thủ đô, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, công tác hơn 29 năm tại Trường tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), mong muốn bộ quan tâm nhiều hơn nữa để các em học sinh có thể tiếp cận phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, phòng dạy ngoại ngữ…
Cô giáo Nguyễn Thị Hợi - đại diện các giáo viên Trường PTCS Bản Sen, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - bộ có các chính sách, chế độ hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên huyện, xã đảo yên tâm công tác.
Đặc biệt câu chuyện của thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết (Trường tiểu học Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về giấc mơ bánh mì của cô học trò Nguyễn Hà Bảo Châu khiến nhiều người trăn trở.
Ổ bánh mì đối với người dân là bình thường, nhưng đối với học sinh ở đảo là đồ xa xỉ. Thầy Quyết cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo bộ tạo điều kiện cho giáo viên ở đảo được thường xuyên cập nhật thông tin mạng để nghiên cứu tài liệu, bồi dưỡng kiến thức.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, công tác hơn 29 năm tại Trường tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), gửi tâm tư đến bộ trưởng - Ảnh: HÀ THANH |
Thoát nghèo bền vững phải bắt đầu từ học hành
Lắng nghe những tâm tư, câu chuyện tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ niềm xúc động khi các thầy, cô giáo không gửi đến kiến nghị cho bản thân mà hầu hết đều kiến nghị cho các học trò.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề khó khăn tại những vùng này, căn cơ gốc rễ để thoát nghèo bền vững phải bắt đầu từ chuyện học hành.
“Những vùng xã đảo nói riêng, vùng khó khăn nói chung, biện pháp có tính chất gốc rễ nhất là để cho các cháu thế hệ trẻ được nghiên cứu, được học thì họ sẽ phát triển bền vững. Rất nhiều tiêu chuẩn thoát nghèo đa chiều, nhưng tôi cho rằng thoát nghèo bền vững là phải bắt đầu từ học hành. Giàu có thể khó nhưng để thoát nghèo không khó đối với người có học” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của thầy, cô ở huyện, xã đảo trong buổi gặp mặt ngày 13-11 - Ảnh: HÀ THANH |
Bộ trưởng đưa ra các giải pháp cụ thể như sau:
Trước hết, bộ sẽ chỉ đạo Sở giáo dục - đào tạo các tỉnh, các dự án, các nhà tài trợ cùng nhiều nguồn cố gắng đầu tư đồng bộ, có chất lượng trang thiết bị tốt.
Thứ hai, với các cháu ham học nhưng do điều kiện khó khăn không có điều kiện theo học phải theo cha mẹ đi biển, Bộ trưởng đánh giá đây là những hạt giống năng lực ở các huyện, xã đảo. Nếu những hạt giống này được về đất liền học sẽ phát triển, đó là lợi kép vì khi học xong họ có thể trở về phục vụ biển đảo. Trước mắt sẽ gây quỹ học bổng toàn phần cho các cháu học giỏi, làm việc với các hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng miễn học phí cho các cháu.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các sở, ban, ngành để hỗ trợ về cải thiện phương pháp học hành, giúp các giáo viên huyện, xã đảo tiếp cận với các dự án nâng cao chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gửi lời kêu gọi đến các doanh nghiệp cần chung tay với Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để nhân rộng hoạt động chung, làm sao cho đối tượng học sinh, sinh viên, người trẻ cảm nhận được chính sách hỗ trợ cụ thể.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng, TS Võ Văn Thành Nghĩa, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, khẳng định sẽ đồng hành với các hoạt động xã hội thiết thực của Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để giấc mơ bánh mì của cô bé Bảo Châu ở Trường Sa là có thật và cải thiện đời sống vật chất của các thầy, cô giáo nơi huyện, xã đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận