04/07/2017 08:56 GMT+7

Để doanh nghiệp đỡ 'chết yểu'

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - NGỌC AN ghi
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - NGỌC AN ghi

TTO - Cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là vấn đề đã được nói nhiều, bàn nhiều nhưng quá trình ấy vẫn chưa làm được một cách hiệu quả và thực chất.

Nhiều doanh nghiệp Việt không lớn nổi do phải chịu quá nhiều chi phí không tên và thủ tục phức tạp - Ảnh: T.V.N.

Chính phủ đã và đang nỗ lực lớn để cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra những thông điệp và hành động xây dựng Nhà nước kiến tạo. 

Thế nhưng ở cấp bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, nơi mà doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp tiếp xúc thì những bất cập trong triển khai hoạt động, những rào cản, nhũng nhiễu vẫn còn.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy bên cạnh con số trên 61.000 doanh nghiệp được thành lập mới cũng có tới 43.000 doanh nghiệp phải làm thủ tục giải thể, tạm dừng hoạt động và phá sản trong 6 tháng đầu năm 2017. Dù không phải “tăng đột biến”, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì số doanh nghiệp rơi vào diện “chết lâm sàng” đang có xu hướng tăng lên.

Sinh ra doanh nghiệp, quan trọng là phải nuôi được doanh nghiệp lớn lên và phát triển. Thế nhưng có tới trên 92% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tức là chưa kịp lớn thì đã phải “khai tử”, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn được và sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và một môi trường chưa có nhiều cải thiện.

Cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là vấn đề đã được nói nhiều, bàn nhiều nhưng quá trình ấy vẫn chưa làm được một cách hiệu quả và thực chất. Và chắc chắn, nếu những vấn đề này không giải quyết thì sẽ không thể giúp doanh nghiệp phát triển, cũng như tình trạng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn tiếp tục gia tăng.

Một con số kỷ lục được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố khi rà soát 243 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, là có tới trên 5.700 điều kiện được các bộ, ngành đặt ra.

Thậm chí có những ngành nghề dù không thuộc diện “có điều kiện” nhưng các quy định đặt ra lại “biến tướng” thành những giấy phép, thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp đuối sức, quyết tâm đạt tăng trưởng là 6,7% của Chính phủ cũng sẽ càng gian nan hơn. Do đó, thay vì giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể, cần yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ những nút thắt trong thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Tốt nhất nên đặt ra mục tiêu gián tiếp nhưng đi vào chất lượng, tức là để đạt mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, thì mỗi bộ phải đặt ra mục tiêu cải cách những gì, giảm được bao nhiêu thủ tục, giúp doanh nghiệp đầu tư vào đâu cho hiệu quả?

Nếu không làm được thì chế tài, như vậy sẽ tốt hơn là việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng mà rất khó để đánh giá cho hiệu quả.

Gắn với đó, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất, nhằm tạo môi trường và không gian bình đẳng, thực chất hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực.

Chính phủ cũng cần thực hiện tốt tuyên ngôn về giảm chi phí cho doanh nghiệp, cả chính thức lẫn không chính thức trên cơ sở giải tỏa các nút thắt đầu tư hạ tầng, nợ xấu, tiếp cận vốn...

Những việc này cần được tiến hành đồng bộ, đưa ra mục tiêu, cam kết rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện thì mới thực sự là giúp doanh nghiệp đỡ “chết yểu”.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) - NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên