15/06/2019 10:04 GMT+7

Để đại học tự chủ toàn diện - Kỳ 3: Cần nhiều quy định rõ ràng hơn

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Theo các chuyên gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) sắp có hiệu lực được đánh giá cởi mở hơn trong vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường.

Để đại học tự chủ toàn diện -  Kỳ 3: Cần nhiều quy định rõ ràng hơn - Ảnh 1.

Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - một trong ba trường ĐH vừa được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng tự chủ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhưng đi vào thực thi nhiều khả năng sẽ bộc lộ bất cập nếu không có những quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn.

TS HOÀNG NGỌC VINH (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT):

Xác định mối quan hệ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản

Cần làm rõ mối quan hệ, phạm vi trách nhiệm của cơ quan chủ quản, kể cả trách nhiệm giải trình, nhiệm vụ được Chính phủ giao và cách giải quyết xung đột giữa cơ quan chủ quản và nhà trường trong giai đoạn quá độ đi đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. 

Đồng thời hình thành cơ chế mới vừa phát huy khả năng tự chủ của nhà trường vừa không vi phạm luật pháp. 

Trong cách xây dựng cơ chế mới cần lấy lợi ích của sinh viên làm trục để chính sách hay cơ chế xoay xung quanh đó.

Hơn nữa, lúc này việc áp dụng mô hình của nước ngoài vào ĐH trong nước khó có thể thành công ngay do điều kiện vận hành cũng như cơ chế lạc hậu, thiếu đồng bộ chưa bị gỡ bỏ. 

Cần thiết phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động tự chủ của các trường để thực hiện đúng tinh thần của Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) và nghị quyết 19 của Trung ương về việc thu gọn đầu mối quản lý, tinh giản biên chế. 

Việc có thêm bộ ngành chủ quản thực chất chỉ thêm một tầng nấc trung gian với rất nhiều thủ tục hành chính khiến chi phí giao dịch gia tăng, mất thời gian và hiệu quả thấp.

Việc còn duy trì bộ chủ quản sẽ phải mất thêm một số vị trí công chức để quản lý các mặt của nhà trường như kế hoạch tài chính, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, công đoàn, thanh tra đào tạo...

GS.TS TRẦN HỒNG QUÂN (chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN):

Tự chủ phải là thuộc tính của ĐH

Hiện có hai quan niệm về tự chủ ĐH: tự chủ là thuộc tính của trường ĐH và tự chủ ĐH phải có điều kiện. Phải quan niệm tự chủ ĐH là thuộc tính của trường ĐH. Khi cho phép trường hoạt động thì mặc nhiên nó đủ điều kiện để tự chủ.

Trong quá trình hoạt động, có những điều kiện thay đổi không còn bảo đảm được tự chủ thì hạn chế lại phạm vi, thời gian nhất định, có giám sát và biện pháp chế tài, chứ không cần phải cho phép được tự chủ cỡ nào. 

Ngược lại, nếu chúng ta quan niệm tự chủ phải có điều kiện, lúc đó phải xem xét trường nào thiếu điều kiện gì cho tự chủ đến đâu. Trong trường hợp này sẽ trở lại cơ chế "xin - cho".

TS NGUYỄN THIÊN TUẾ (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Đảm bảo hội đồng trường có thực quyền

Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) quy định hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. 

Nếu sau này không còn bộ chủ quản, hội đồng trường có quyền quyết định luôn nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Mặc dù hiện trường chúng tôi vẫn còn bộ chủ quản (Bộ Công thương) nhưng đã được trao quyền tự chủ rất mạnh, từ tài chính đến nhân sự. 

Bộ chỉ tham gia quyết định nhân sự ban giám hiệu, còn cán bộ cấp dưới trường được toàn quyền và báo cáo bộ. Trước đây, thứ trưởng, bộ trưởng Bộ Công thương tham gia hội đồng trường, nhưng sau đó lãnh đạo bộ cho rằng việc này không cần thiết và không có thời gian nên cử một lãnh đạo cấp vụ tham gia thành viên hội đồng trường.

Xu thế hiện nay cho phép các trường ĐH tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là điều tốt. Trước đây, bộ chủ quản quyết định tầm vĩ mô của nhà trường, nếu bỏ cơ quan chủ quản thay vào đó hội đồng trường sẽ có vai trò thay cơ quan này thì phải xác định rõ cơ cấu của hội đồng trường, tăng cường vai trò của hội đồng trường và đảm bảo phải có thực quyền. 

Ở trường tư, hội đồng quản trị có vai trò quyết định, là chủ sở hữu nên họ có toàn quyền, còn trường công lại khác.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế tài chính cho hội đồng trường nên nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật mới cần làm rõ việc này. Ngoài ra, cần có khái niệm rõ ràng hơn về tự chủ và quy định tự chủ nhiều cấp độ. 

Cần phải có những trường đặc thù được hưởng ngân sách nhà nước và có những trường chỉ được hưởng một phần ngân sách, nên cần phân loại tự chủ. Nếu trường tự chủ 100%, xem như một doanh nghiệp thì cho phép trường được hưởng cơ chế khác.

PGS.TS NGUYỄN HỮU HUY NHỰT (phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM):

Quy định rõ cơ chế giám sát của hội đồng trường

Khi Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) có hiệu lực, điều quan trọng phải quy định rõ là cơ chế giám sát của hội đồng trường. 

Tuy nhiên, đặt giả thiết nếu sau này không còn bộ chủ quản, trong một số mảng hoạt động của nhà trường còn liên quan đến các bộ ngành khác: Bộ Nội vụ về vấn đề chức danh viên chức, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư về cơ sở vật chất...

Trong đề án mở rộng tự chủ đã trình Bộ GD-ĐT, chúng tôi đề xuất theo hướng nhà trường mong muốn được tự chủ hết những vấn đề này theo đúng luật. Vì vậy, cần có văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn ai được quyền can thiệp vào hoạt động của nhà trường.

TS LÊ TRƯỜNG TÙNG (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT):

Tự chủ không phải là không ai quản lý

Tới đây các trường phải cơ cấu và bầu lại hội đồng trường theo quy định mới. Trong đó, một số thành viên trường tự bầu, nhưng trong thành phần hội đồng trường vẫn có các thành viên do cơ quan chủ quản của trường chỉ định.

Để thực hiện theo đúng cơ chế tự chủ về mặt nhân sự, luật đã giao nhiều quyền cho hội đồng trường, không còn cơ chế áp đặt từ trên xuống.

Cần hiểu chính xác nội hàm "tự chủ" là thế nào. Hiện nay trường nào cũng phải có cơ quan "mẹ" bên trên, không có chuyện trường không thuộc bất cứ tổ chức nào. Trường công lập thuộc sở hữu Nhà nước, nên Nhà nước sẽ ủy quyền cho cơ quan nào đó quản lý trường, đó sẽ là cơ quan chủ quản của trường.

Theo luật mới, các cơ quan chủ quản không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của trường mà thông qua hội đồng trường.

Hội đồng trường đã có quyền quyết định những việc về chiến lược, học thuật, tài chính, nhân sự trước đây do cơ quan chủ quản quyết định.

Trường hợp thành viên ngoài trường ĐH trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường ĐH. Hoạt động của hội đồng trường theo cơ chế tập thể, chủ tịch không có quyền quyết.

Như vậy, vai trò của hội đồng trường cực kỳ quan trọng, không có hội đồng trường ĐH không thể tự chủ hoạt động được.

Luật mới cũng quy định các trường dựa vào hành lang pháp lý để thực hiện quyền tự chủ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm, nếu trường làm sai sẽ bị xử phạt. Như vậy, tự chủ không phải không có ai quản lý, trường muốn làm gì thì làm.

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản

TTO - Xung đột giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa bùng nổ làm nóng trở lại vấn đề tự chủ đại học, trong đó nổi lên câu chuyện vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên