14/06/2019 10:02 GMT+7

Tự chủ đại học: Hào hứng lẫn băn khoăn chờ luật mới

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Nhiều chuyên gia đánh giá luật Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) sẽ 'cởi trói' cho các trường ĐH vốn đang rất bức bối hiện nay. Tuy nhiên theo lãnh đạo nhiều trường, việc thực hiện tự chủ là các trường tự làm chứ chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tự chủ đại học: Hào hứng lẫn băn khoăn chờ luật mới - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - một trong các trường được thí điểm cơ chế tự chủ - trong giờ học thực hành - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 sẽ "cởi trói" và giao quyền tự chủ cho các trường đến mức nào, nhận được những câu trả lời hào hứng lẫn băn khoăn từ chính các trường ĐH.

Ngay cả những trường đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện vẫn cảm thấy bức bối bởi một số ràng buộc và cũng không biết tự chủ tới mức độ nào. Cần có nghị định hướng dẫn chi tiết tự chủ tới đâu, thang tự chủ dựa trên yếu tố nào..."

PGS.TS Trần Diệp Tuấn (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM)

Trong khi đó, hiện các trường đang ráo riết thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị áp dụng thực thi Luật giáo dục ĐH (sửa đổi), có việc phải kiện toàn lại hội đồng trường, sửa đổi các chiến lược phát triển, quy chế tổ chức cho phù hợp với quy định của luật mới.

Hội đồng trường đã có thực quyền

Xuyên suốt các điều của Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) là tính tự chủ cho các trường ĐH, trong đó nổi lên ba vấn đề: chuyên môn, nhân sự, tài chính. Nhiều chuyên gia đánh giá luật mới này sẽ "cởi trói" cho các trường ĐH vốn đang rất bức bối hiện nay.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) là cơ sở rất tốt để tạo điều kiện cho giáo dục ĐH phát triển.

"Đặc biệt, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm là những điểm nổi bật nhất được nêu trong luật sẽ giúp các trường phát huy tính tự chủ. Khi tự chủ các trường mới phát huy và có điều kiện để phát triển về mọi mặt" - ông Bình nhận định.

Theo luật này, trường ĐH được tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của trường.

Đồng thời có trách nhiệm giải trình, báo cáo, minh bạch thông tin cho người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của trường.

Hội đồng trường có thực quyền hơn khi được quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, các chức danh quản lý...; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường.

Hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận...

Đặc biệt, luật này quy định nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường. Như vậy, quy định của luật cũ trước đây là hiệu trưởng trường ĐH chỉ được giữ chức vụ này tối đa hai nhiệm kỳ đã bị bãi bỏ.

Nhưng vẫn còn chồng chéo

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, việc thực hiện tự chủ là các trường tự làm chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về tự chủ. Dù là tự chủ nhưng vẫn còn vướng rất nhiều quy định khác.

"Khi Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) có hiệu lực, để các trường thực thi các quyền tự chủ như luật định thì các luật khác, quy định khác của các bộ ngành phải điều chỉnh theo. Các trường cũng cảm thấy băn khoăn vì sự thay đổi và điều chỉnh của các luật khác rất chậm" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết.

Hiệu trưởng một trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đang thực hiện thí điểm tự chủ cho biết thêm trong đề án tự chủ ghi rõ hiệu trưởng, hiệu phó do hội đồng trường bầu và đề xuất bộ trưởng ra quyết định.

"Nhưng ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT nói không được do vướng quy định lãnh đạo phải thông qua ban cán sự Đảng nên chồng chéo với vai trò của hội đồng trường. Tôi đề nghị nhanh chóng đưa vào luật quy định bỏ bộ chủ quản" - vị hiệu trưởng này kiến nghị.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định dù Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) đã trao quyền tự chủ rất nhiều cho các trường nhưng khi thực thi sẽ vướng những quy định khác của pháp luật.

"Ví dụ như việc luật mới không quy định số lượng nhiệm kỳ hiệu trưởng cho một cá nhân theo tôi là bước đột phá, nhưng quy định về độ tuổi lần đầu làm hiệu trưởng vẫn được quy định trong các văn bản khác" - ông Hồng nói.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng quy định này của luật sẽ "vướng nặng" khi thực hiện vì theo quy định của Ban Tổ chức trung ương, mọi chức danh đều phải quy hoạch qua một số bước... Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) dường như bỏ qua khía cạnh này.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - chủ tịch hội đồng tư vấn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một trong số các trường đang thực hiện thí điểm việc tự chủ - đã nêu ra hàng loạt khó khăn trong quá trình thí điểm tự chủ: việc huy động nguồn lực cho các hoạt động của trường đang bị vướng rất nhiều bởi các luật như Luật ngân sách, Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài, Luật đầu tư công...

Trong các hoạt động của trường khi trình các cơ quan, ban ngành đều vướng vì cho rằng cơ chế thí điểm này không nằm trong luật.

Cụ thể, Luật đầu tư công chưa đề cập đến quyền của trường tự chủ sẽ được thực thi thế nào, có cần sự chi phối của bộ chủ quản hay không. Liên quan đến Luật ngân sách, về chính sách thuế chưa hoàn toàn rõ ràng để làm sao các trường có thể huy động nguồn lực xã hội trên tinh thần ưu đãi cho giáo dục.

Nhà trường vẫn chịu chi phối rất chặt bởi các loại thuế, các hoạt động dịch vụ. Các nhà tài trợ muốn đầu tư vào các trường nhưng chưa được miễn thuế. Vì vậy việc thu hút nguồn tài trợ cho nhà trường rất khó.

"Hiện trường chúng tôi vừa được Chính phủ cho phép thí điểm mở rộng tự chủ nên đã được thuận lợi rất nhiều. Tuy nhiên, đối với các trường khác đều rất muốn được cụ thể hóa hơn, rõ ràng hơn để các trường tự chủ khi thực thi nhiệm vụ của mình không bị một câu: những điều này luật chưa quy định" - bà Nguyệt nói.

Khó thực hiện vi chưa có nghị định, thông tư

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) sắp có hiệu lực nhưng trước mắt chưa thể thực hiện ngay vì cần có các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. "Nếu không có nghị định của Chính phủ thì các luật khác, quy định của các bộ ngành cũng sẽ khó điều chỉnh theo.

Đơn cử như vấn đề học phí, các trường hiện nay phải tuân theo khung của nghị định 86, nếu áp dụng mới này thì sẽ thu thế nào? Riêng với các trường thí điểm tự chủ đến nay đã hết hạn, nếu muốn tự chủ hoàn toàn thì lộ trình và trình tự sẽ thực hiện như thế nào?" - ông Tuấn băn khoăn.

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản

TTO - Xung đột giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa bùng nổ làm nóng trở lại vấn đề tự chủ đại học, trong đó nổi lên câu chuyện vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên