Tôi lên Đà Lạt lần đầu năm 1981, ngỡ ngàng nhận ra "Đà Lạt có đủ bốn mùa. Mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tối. Ai đến một lần nhớ mãi…" và bị Đà Lạt hớp hồn ngay lần đầu, cứ như tiếng sét ái tình. Từ đó đến nay, tôi đã lên Đà Lạt hàng trăm lần, nhưng vẫn bị mê hoặc.
Hình như, khi yêu, người ta cố tìm ra những nét dễ thương nhất của người tình, dù thật lòng Đà Lạt ngày càng kém sắc. Không phải vì tuổi tác mà bởi những tác động của con người.
Dù không còn giữ được vẻ ban đầu nhưng Đà Lạt vẫn có thừa những hấp lực của hoa hậu các đô thị Việt Nam. Phải chặn ngay bàn tay con người, cả vô tình lẫn cố ý, hủy hoại nhan sắc Đà Lạt. Nếu biết trang điểm, Đà Lạt vẫn kiêu sa.
Để Đà Lạt phát triển bền vững và ngày càng xuân sắc, tôi xin mạo muội đề xuất một số kiến giải chủ quan.
Phải thay đổi tư duy
Chúng ta không thể giải quyết những tồn tại hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng với những tồn tại đó - như Albert Einstein từng nói. Dám nghĩ mới để có cách làm mới, hiệu quả hơn. Bảo tồn và phát triển là cặp đôi hoàn hảo, gắn bó và thúc đẩy lẫn nhau. Hầu như khách châu Âu ít ghé vì Đà Lạt bị Việt hóa và Tây hóa nửa vời.
Chuẩn hóa các dịch vụ
Từ lễ tân, thực đơn, nước chấm riêng, đũa muỗng chung để sớt thức ăn riêng đến việc ăn uống, các điểm tham quan, lưu trú, mua sắm, trải nghiệm, nhà vệ sinh… đều cần chuẩn hóa.
Khách đến ở Đà Lạt cần có welcome drink như các homestay CBT ở Tây Bắc. Lấy nụ cười thân thiện và thái độ hiếu khách làm cuộc cách mạng, kéo khách đến, ở lâu hơn và trở lại. Xử phạt kịch khung các vi phạm: lần đầu - cảnh cáo, tái phạm - rút giấy phép, cấm kinh doanh.
Xác định thế mạnh của du lịch Đà Lạt
Thế mạnh của du lịch Đà Lạt là sinh thái rừng, trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao và các hoạt động ngoài trời. Xây dựng các gardenstay, farmstay chuẩn quốc gia. Hình thành Viet Training Center để các công ty huấn luyện team leader, team building. Mở rộng các loại hình du lịch thể thao cảm giác mạnh chuyên nghiệp.
Thân thiện hơn với môi trường và cảnh quan
Hạn chế xây mới khách sạn cao tầng và nhà bê tông. Khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện, giảm dần nhà kinh trồng rau. Nông nghiệp VietGap đồng bộ và tiến tới GlobalGAP.
Lập bản đồ tài nguyên du lịch, các bảng chỉ đường và thời khóa biểu du lịch năm với các thông tin về thời tiết, sự kiện, hoa, trái, đặc sản… từng tháng, từng mùa để các công ty lữ hành thiết kế và du khách chọn tour.
Đà Lạt cần có linh vật du lịch như Chú Bé Sen Đồng Tháp..
Tạo sản phẩm khác biệt cho du lịch Đà Lạt
Tập trung tạo sản phẩm khác biệt như bí sợi mì của Hợp tác xã Nhà Đà Lạt, lưu trú kiểu Rừng Thông Mơ Reatreat và các mô hình mới. Có chính sách khuyến mại đồng bộ, hấp dẫn; tặng sản phẩm thay vì giảm giá. Lập giải thưởng hàng năm top các công ty đưa khách nhiều nhất, chi tiêu lớn nhất; khách ở lâu ngày nhất; trở lại nhiều lần nhất…
Định kỳ, tổ chức các cuộc thi khu phố ấn tượng nhất; trang trí đường phố và đường làng đẹp nhất… cùng festival hoa. Có thêm những quán cà phê cổ vật và không gian xưa Đà Lạt.
Liên kết phát triển du lịch
Liên kết, hỗ trợ các huyện cùng phát triển; nối kết các tỉnh thành phụ cận và cả nước. Ưu tiên thị phần khách trung bình cao trở lên. Từng mảng cần có đơn vị tư vấn thực chiến, có mô hình kiểm chứng, dám đồng hành, bảo hành dự án, hỗ trợ tìm nguồn khách.
Lập tổ tư vấn và phản biện du lịch Đà Lạt. Mọi việc phải có kế hoạch, có lộ trình và người chịu trách nhiệm. Tận dụng chất xám và nguồn lực người Đà Lạt xa quê và những người yêu quý Đà Lạt.
Rất nhiều việc phải làm. Nếu thật tâm, đồng lòng và quyết chí thì khó mấy cũng làm được.
Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững nhận bài tới ngày 20-11-2023
Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".
Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
- Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 20-11-2023 (thay vì tới ngày 8-11 như kế hoạch ban đầu)
- Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
- Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…
HÌNH THỨC:
- Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
- Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
- Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
- Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
- Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
- Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:
- 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận