Một sứ mệnh không gian được thực hiện tại Trung tâm John F. Kennedy ở bang Florida - Ảnh: NASA
"Chúng ta sẽ phải là quốc gia đầu tiên đưa người trở lại Mặt trăng trong thế kỉ 21 này" - ông Pence nhấn mạnh trong cuộc họp của Hội đồng vũ trụ quốc gia Mỹ ngày 26-3.
"Ngày hôm nay, chúng ta đang trong một cuộc đua không gian, giống như điều chúng ta đã từng trải qua trong thập niên 1960. Các chính sách đã tuyên bố của chính quyền tổng thống Trump và của nước Mỹ là phải đưa cho được các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng trong vòng 5 năm tới" - ông Pence đặt ra mục tiêu.
Yêu cầu gấp rút đó đã được chấp nhận bởi các quan chức hàng đầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Cơ quan này trước đó dự tính sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2028 sau khi phóng trạm không gian Gateway lên quỹ đạo chị Hằng năm 2024. Nhưng nay kế hoạch này sẽ phải điều chỉnh.
Tuyên bố của ông Pence ngày 26-3 thoạt đầu gây hiểu lầm, bởi người ta không hiểu ý của ông khi nói đưa con người trở lại Mặt trăng là gì. Nó nghĩa là đưa các tàu đổ bộ có người lái hạ cánh xuống Mặt trăng hay đơn giản chỉ là đưa họ lên trạm không gian quanh quỹ đạo Mặt trăng.
Các quan chức NASA khẳng định không hề có sự nhầm lẫn bởi các phi hành gia Mỹ sẽ đặt chân xuống Mặt trăng trong vòng 5 năm nữa.
"Thách thức đã được chấp nhận. Bắt tay vào việc thôi!" - người đứng đầu NASA, ông Jim Bridenstine viết trên Twitter.
Chương trình Apollo của Mỹ trong thế kỷ 20 đã tiến hành sáu sứ mệnh không gian có người lái lên Mặt trăng giai đoạn 1969-1972. Cho đến nay chỉ có hai quốc gia khác ngoài Mỹ thực hiện các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng là Liên Xô cũ và Trung Quốc, song cả hai đều sử dụng tàu thăm dò không người lái, theo Hãng tin Reuters.
Bắc Kinh đang cho thấy họ là một đối thủ khó chịu của Washington trong cuộc đua lên Mặt trăng. Chính quyền Trung Quốc đã dành nhiều nguồn lực cho các sứ mệnh không gian mang tên Hằng Nga và Thỏ Ngọc.
Hồi tháng 1, tàu thăm dò của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối Mặt trăng, điều chưa từng quốc gia nào tiến hành trước đó.
Bản thân Trung Quốc không giấu diếm việc có thể bắt tay với Cơ quan Không gian châu Âu nhằm xây dựng các tiền đồn có người trên Mặt trăng.
NASA đặt mục tiêu sẽ hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, một khu vực được cho là chứa đủ nước đá để sử dụng trong việc tổng hợp nhiên liệu tên lửa bổ sung. Mặt trăng được NASA xem là bước đệm quan trọng trên đường tiến tới sứ mệnh có người lái cuối cùng đến Sao Hỏa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận