29/05/2011 06:12 GMT+7

Đế chế FIFA - Kỳ 4: Quyền đăng cai World Cup: có bán có mua?

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Có nhiều nghi vấn, lại có cả bằng chứng, nhất là những bằng chứng thuộc loại “chuẩn bị công bố”. Quyền đăng cai World Cup trở thành một lĩnh vực “bom đạn” trong bóng đá. Nghĩa là có nổ và có sát thương. Và bom đạn chính là tiền bạc.

TT - Có nhiều nghi vấn, lại có cả bằng chứng, nhất là những bằng chứng thuộc loại “chuẩn bị công bố”. Quyền đăng cai World Cup trở thành một lĩnh vực “bom đạn” trong bóng đá. Nghĩa là có nổ và có sát thương. Và bom đạn chính là tiền bạc.

Kỳ 1:

Cú sốc

Ngày 2-12-2010 là một ngày sẽ được nhớ mãi trong bóng đá. Đó là ngày mà FIFA công bố quyền đăng cai cả hai World Cup (2018 và 2022) gần như cùng một lúc, chính xác là cách nhau bảy phút. Diễn giả duy nhất: chủ tịch FIFA Sepp Blatter và nội dung ông nói khá đơn giản. Blatter về cơ bản chỉ rút hai mảnh giấy ra từ hai phong bì, rồi đọc to hai cái tên: “Russland” và” Qatar”. Tổng cộng chỉ có 13 chữ cái.

Trong phòng Trung tâm hội chợ ở Zurich có sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia, các nhà tài phiệt, các nhân vật lỗi lạc nhất của bóng đá... Có hơn 1.000 phóng viên báo chí và 70 đài truyền hình. Khác với tất cả các buổi công bố tên nước chủ nhà trước đó đơn thuần chỉ có sự hân hoan, lần này niềm vui của người thắng trận phần nào bị che lấp bởi sự bất ngờ, nỗi thất vọng và những câu hỏi đầy nghi hoặc.

Các quan chức cao cấp của FIFA bị tố cáo dính đến tham nhũng

1. Trước ngày 2-12-2010: R. Temarii (Tahiti), A. Adamu (Nigeria) - cả hai bị loại khỏi UBTV FIFA.

2. Sau ngày 2-12-2010: N.Leos (Paraguay, chủ tịch CONMEBOL): yêu cầu phong tước hiệp sĩ. J. Wacner (Trinidad & Tobago, phó chủ tịch FIFA, chủ tịch CONCACAF): đòi 2,5 triệu bảng xây trung tâm huấn luyện. R. Texeira (chủ tịch LĐBĐ Brazil): gợi ý quyền lợi trắng trợn. W. Makudi (tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan): đòi trận giao hữu miễn phí Anh - Thái.

3. Ngoài ra, Qatar bị tố cáo đã hối lộ 1,5 triệu USD cho: I. Hayatou (Cameroon, phó chủ tịch FIFA, chủ tịch CAF), J. Anouma (chủ tịch LĐBĐ Bờ Biển Ngà).

4. Trước đây, cũng đã có bốn UVTV FIFA bị sa thải: I. Bhamjee (Botswana), A. Fushimaloni (Tonga), A. Diakite (Mali) và S. Aloulou (Tunisia).

Ngày 2-12-2010 ở Zurich bắt đầu một cuộc chiến mà đến bây giờ chưa có hồi kết.

Chúng ta đều biết khá chi tiết những cáo buộc tham nhũng liên quan đến sự cố nghiêm trọng này. Người tố cáo tham nhũng: cựu chủ tịch LĐBĐ Anh D. Triesman, nghị sĩ Anh D. Colins. Nơi tố cáo: Diễn đàn quốc hội Anh.

Các cơ quan truyền thông tố cáo: báo Sunday Times, Đài BBC Sports. Người bị tố cáo: các quan chức cấp cao của FIFA, nhiều người đứng đầu bóng đá các khu vực. Hành động tham nhũng: đòi hưởng lợi với những giá trị cao (xem bảng kèm theo). Đây thật sự là chuyện rất nghiêm túc, được phát biểu bởi những người và ở những nơi có thẩm quyền.

Mặc dù đều giữ những cương vị cao, có quyền sinh quyền sát trong FIFA, nhưng đa số trong danh sách này đều không thuộc các nền bóng đá lớn và không trưởng thành trong những khu vực đủ sức chống đỡ trước những dụ dỗ tiền bạc.

Người ta cũng không hài lòng với FIFA vì cách xử sự kiểu “hai chân lý”: không hiểu vì sao cho đến nay Texeira vẫn an toàn, mặc dù sự cáo buộc với ông là khá cụ thể (9,5 triệu USD) và rất dai dẳng.

Thật ra Anh thất bại trước Nga trong cuộc đối đầu đăng cai vừa qua. Nhưng những quả đại bác bắn ra từ Anh không ảnh hưởng gì nhiều đến Nga, mà có hiệu ứng sát thương lớn đối với Qatar, đất nước của Bin Hammam, người đối đầu trực tiếp với Blatter trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA ngày 1-6-2011.

Nếu thắng lợi của Nga được xem là một quyết định có tính chính trị và tính kinh tế thì quyền đăng cai của Qatar đã bị dư luận nghi ngờ ngay từ khi quyết định được công bố. Đấy là “một cú sốc“, một điều “nghe mãi rồi mà vẫn không tin được“.

Ngay cả yếu tố thời gian cũng dễ đặt thành dấu hỏi: World Cup diễn ra vào năm 2022, sao phải trao quyết định ngay từ năm 2010, Blatter vội vã vì lý do gì? Người ta nhớ lại những cuộc bầu cử khó khăn nhất của Blatter, khi phải đương đầu Johansson (1998) và Hayatou (2002), khi chính Bin Hammam đã dùng chuyên cơ và tiền bạc của mình cùng Blatter đi khắp nơi để quyên phiếu ở những LĐBĐ châu Phi, châu Nam Mỹ.

Qatar chỉ có 1,7 triệu dân. Diện tích: 11.437 km2. Nhỏ đến nỗi 11 sân vận động xây trong bảy thành phố chỉ nằm cách nhau 30km. Qatar không có truyền thống gì về bóng đá: chưa một lần có mặt ở vòng chung kết World Cup, thứ 113 trong bảng xếp hạng FIFA. Qatar không có bia, không cho phụ nữ vào sân. Qatar săn đuổi những người đồng tính. Nhiều tờ báo đồng loạt giật tít: FIFA đã bán World Cup cho những ông hoàng dầu mỏ! Ngay cả khi chưa có những bằng chứng cụ thể, theo cách hiểu đơn giản của mỗi người dân bình thường, chắc chắn phi vụ Qatar phải dính tới tiền bạc, rất nhiều tiền bạc.

Tuy nhiên, trên quan điểm pháp luật, chúng ta phải chờ bằng chứng và sự phán xét của cơ quan thẩm quyền. Bằng chứng sẽ quyết định tất cả, như cuốn băng ghi hình của phóng viên Sunday Times đã buộc FIFA ngay lập tức phải kỷ luật Timarii và Amadu. Còn hiện nay, tất cả đối tượng bị cáo buộc vẫn đang tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ và dứt khoát.

Nỗ lực Qatar

Chúng ta cũng phải có chút công bằng: đăng cai World Cup là một việc làm công phu và nghiêm túc. FIFA không phải vô cớ chọn Nga và Qatar; đó là những vùng đất mới rất hứa hẹn. Ngay cả khi thất bại, các nước đều để vào dự án của mình những hi vọng cao cả. Như đoàn Hàn Quốc từng nói: “Bóng đá là sứ giả hòa bình và không nơi nào cần hòa bình như bán đảo Triều Tiên“.

Vùng đất Ả Rập đã bỏ nhiều công sức vào bóng đá. Họ mua các đội bóng ở châu Âu. Họ mời các cầu thủ, các HLV nổi tiếng (dù đã hết thời) về đất nước mình. Và bây giờ họ tìm cách đưa World Cup về vùng cát bỏng. FIFA nhận định: “Chưa bao giờ có một hồ sơ đăng ký World Cup nào được làm tốt như của Qatar“.

Đó là một cuốn sách khổ rộng, rất dày, nặng 4,1kg. Toàn bộ 70 cuốn sách gồm 52.000 trang, không có bất cứ một lỗi nhỏ nào. Người chủ trì dự án là Mohamed bin Hamad al-Thani, một người đàn ông 25 tuổi, có thể nói trôi chảy nhiều thứ tiếng. Khi dư luận lo rằng Qatar quá nóng, họ trả lời: “Chúng tôi sẽ có hệ thống điều hòa để cầu thủ chơi ở 27OC”. Có lẽ không nên nghi ngờ gì: khi nhận được quyền đăng cai, Qatar sẽ tổ chức một World Cup thành công.

Về thu nhập tính theo đầu người, Qatar là nước đứng đầu thế giới (90.148 USD), và vị trí này khó bị đe dọa trong vòng 100 năm tới. Qatar sẽ bỏ ra 4 tỉ USD xây dựng sân vận động mới, trong đó có những sân vận động vươn ra biển, có những sân vận động hướng lên trời. 20 tỉ USD dành cho mạng lưới giao thông, 17 tỉ USD cho khách sạn và hạ tầng du lịch.

Năm 2017 mỗi giờ sẽ có 6.400 khách quốc tế hạ cánh ở Doha. Một lời chào mời rất thuyết phục: “Năm 1950 chỉ có 50.000 người sống trên các quốc gia sa mạc. Năm 2022, con số đó là 500 triệu, với hơn 50% dưới 25 tuổi. World Cup phục vụ sự phát triển ở khu vực đặc biệt này của thế giới“.

Khi Qatar được chọn đăng cai, có thể có những nghi ngờ về hình thức bỏ phiếu, nhưng dù sao chúng ta nên ghi nhận quyết tâm và khát vọng của nước chủ nhà.

VŨ CÔNG LẬP

__________

Đầu tháng 5-2011, Interpol đã bắt giữ và lấy khẩu cung của một công dân Singapore với cáo buộc tham gia dàn xếp tỉ số hơn 300 trận bóng đá. Bóng đen của chuyện bán mua vẫn tiếp tục che mờ những góc khuất của môn thể thao vua này.

Kỳ tới: Mua một trận đấu

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên