02/01/2024 12:36 GMT+7

Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình

Tôi chọn cách sửa mình trước khi sửa con như ông bà xưa đã dạy để cho dù có phạt con thì cả mẹ và con vẫn không thấy nặng nề.

Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình- Ảnh 1.

Nhìn hàng xóm, giật mình nhớ chuyện nhà mình

Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 hàng xóm của tôi. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.

Một hôm mẹ đi vắng giao cho cậu ở nhà chơi với em. Khi em gái không nghe lời, cậu cũng đã trách phạt em bằng cách dùng cây roi mẹ vẫn thường phạt cậu để phạt em.

Khi tôi hỏi "Vì sao con đánh em?" thì cậu bé vô tư trả lời: "Làm sai thì phải bị phạt thôi, mỗi lần con sai, mẹ con cũng đánh con thế mà, có sao đâu!".

Nhìn hai anh em cậu bé, tôi giật mình nhớ đến chuyện nhà mình. Con trai tôi 6 tuổi, anh chàng rất thích nước nên thường lấy cớ rửa tay, chạy vào nhà tắm xả nước để nghịch, khi mẹ gọi thì chạy ra giải thích là "con rửa tay". 

Mỗi lần đi tắm cu cậu thường nghịch nước rất lâu, mẹ gọi mãi vẫn không chịu ra, cho đến khi mẹ tắt hết điện phòng tắm, sợ bóng tối con mới chịu ra khỏi phòng tắm.

Có lần có chút áp lực từ công việc tôi trở về nhà với tâm thế không mấy thoải mái. Tôi gọi đến mấy lần mà con vẫn không chịu rời khỏi nhà tắm, sẵn cảm xúc bực tức, tôi đã nổi giận chạy xộc vào nhà tắm và quát lớn: "Bây giờ con muốn ra khỏi nhà tắm hay muốn ăn roi".

Con biến sắc, nhìn mẹ sợ sệt, né sang một bên rồi từ từ bước ra khỏi nhà tắm. Vừa đi con vừa lấm lét quay lại dò xét sắc mặt của mẹ. Buổi tối hôm đó, con chỉ lặng lẽ ăn cơm rồi thui thủi vào phòng chơi đồ chơi, con không dám líu lo kể đủ thứ chuyện như mọi hôm.

Tôi đã nghĩ sau lần này chắc con sẽ thay đổi, nhưng rồi được hai hôm, tình trạng đó vẫn tái diễn, cứ mỗi lần đi tắm con không bao giờ tự giác đi vào cho đến khi mẹ gọi và dọa cho ăn roi.

Tôi cũng đã từng nghĩ, với con trẻ thương cho roi cho vọt là chuyện bình thường. Nhưng kỳ thật, đòn roi và đe nẹt không làm cho đứa trẻ nhớ để thay đổi và tốt lên.

Bài học của mẹ

Mỗi khi lên thăm cháu, mẹ tôi vẫn thường dặn dò tôi: "Trẻ con ham chơi ham nghịch là chuyện bình thường, đừng đánh đừng mắng chúng!". Tôi rưng rưng nước mắt khi mẹ nhắc: "Ngày xưa, mẹ khó khăn hơn các con bây giờ nhiều nhưng mẹ chưa bao giờ đánh mắng các con!".

Đúng vậy, tuổi thơ tôi chưa một lần bị mẹ đánh, những lúc chị em tôi mắc lỗi mẹ từ tốn, rồi nhỏ to căn dặn để chị em tôi nhận ra cái sai của mình.

Có lần mẹ buồn khi tôi nói dối mẹ đi học nhưng lại đi tìm tổ chim với bọn con trai trong xóm, khi bị mẹ phát hiện tôi đã rất sợ. Nhưng hôm đó mẹ không nói gì, chỉ im lặng, rồi mẹ khóc mẹ kể rằng buổi chiều đi bán ve chai, mẹ đã bị gió thổi và ngã xe, chân mẹ rất đau.

Mẹ nói mẹ chỉ muốn kiếm thêm ít tiền mua thêm bộ áo quần mới cho tôi đi học. Thương mẹ, tôi cũng khóc theo. Từ đó, tôi không bao giờ nói dối mẹ thêm một lần nào nữa.

Tôi cũng đã từng nghĩ với con trẻ "thương cho roi cho vọt, phạt con là chuyện bình thường. Nhưng kỳ thật, đòn roi và đe nẹt không làm cho đứa trẻ nhớ để thay đổi và tốt lên.

Học mẹ, buổi tối trước khi đi ngủ, tôi đã bịa ra một câu chuyện có tên "bạn Bống bị ốm" và kể cho con nghe. Trong câu chuyện "bạn Bống bị ốm" của tôi, bạn Bống đã phải bỏ lỡ kỳ thi và phải học lại sau các bạn một năm. Nguyên nhân bị ốm là do bạn Bống mỗi lần đi tắm thường nán lại nhà tắm để nghịch nước và ngâm nước rất lâu cho nên bạn Bống bị cảm lạnh và sốt. Rồi sau đó là muôn vàn câu hỏi của con: "Tại sao nghịch nước lâu lại bị sốt? Tại sao đó là thói quen không tốt hở mẹ?".

Rủ rỉ với con suốt buổi tối, cuối cùng con cũng hiểu ra và chịu hứa với mẹ sẽ không nghịch nước nữa.

Kiên nhẫn đồng hành cùng con

"Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Mỗi phụ huynh sẽ chọn nhiều cách khác nhau để nuôi dạy và bảo vệ con cái của mình, sẽ không có một đáp số chung nào cho toàn thể gia đình trong xã hội, chỉ có bản thân mỗi người mới biết mình nên bắt đầu từ đâu, chọn cách nào là tốt hơn.

Sau bài học thay đổi thói quen nghịch nước của con, tôi chọn cách sửa mình trước khi sửa con như ông bà xưa đã dạy "nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình", kiên nhẫn đồng hành cùng con để cho dù có phạt con thì cả mẹ và con vẫn không thấy nặng nề.

6 điều dạy con trẻ trong kỳ nghỉ Tết6 điều dạy con trẻ trong kỳ nghỉ Tết

Tết là dịp mọi người du xuân, đến nhà thăm hỏi nhau, cũng là cơ hội giúp con học cách ứng xử và gắn kết tình cảm gia đình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên