Em Chu Tiến Minh, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM), đang học trực tuyến bằng điện thoại - Ảnh: MỸ THƯƠNG
Nếu mọi thứ chưa ổn mà ta vẫn duy trì phương pháp trực tuyến thì cũng sẽ không ổn.
TS giáo dục học Lê Vinh Quốc - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Phụ thuộc hai yếu tố
Tiến sĩ giáo dục học Lê Vinh Quốc - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng dừng hay tiếp tục là vấn đề lớn, nó phụ thuộc vào hai yếu tố tiên quyết.
"Đó là xem lại cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ của học sinh có đầy đủ, có đảm bảo không; phương pháp dạy học của thầy cô giáo có phù hợp với học sinh không, vì không phải giáo viên nào cũng dạy hay, dạy có sức hút để học sinh ngồi máy, cũng như đủ kinh nghiệm khi dạy online.
Nếu mọi thứ chưa ổn mà ta vẫn duy trì phương pháp trực tuyến thì cũng sẽ không ổn. Theo tôi, nếu như thế thì nên dừng để bảo toàn tinh thần học tập dài lâu cho học sinh", ông Quốc nhấn mạnh.
Chị Mỹ Thương - có con học lớp 2 Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM) - chia sẻ việc học online cho trẻ tiểu học rất khó khăn và tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Gia đình nào không có điều kiện để kèm con học thì việc học rất khó.
"Nên việc dừng hay tiếp tục phụ thuộc vào cơ sở vật chất, chất lượng dạy học. Tỉnh Cà Mau khác với TP.HCM vì mỗi nơi có đặc thù riêng.
Nhưng học mà thấy không hiệu quả, là áp lực cho học trò, nỗi lo của phụ huynh, sự trăn trở và lúng túng của giáo viên thì tôi nghĩ nên dừng, nếu cứ tiếp tục duy trì khiến học sinh sợ học online, ảnh hưởng sau này" - chị Mỹ Thương ý kiến.
Chưa ổn thì nên tính phương án khác
Trong khi đó, giáo viên một trường tiểu học ở quận 11, TP.HCM cho rằng nếu điều kiện khó khăn, mọi thứ chưa ổn được thì nên tính đến phương án khác, hoặc dừng học online cho học sinh tiểu học.
Cô giáo này bày tỏ quan điểm: "Không phải địa phương nào khi vận dụng học online cũng hiệu quả, nhất là tiểu học. Ngay ở TP.HCM thì việc học online của học sinh quận 1, 3 sẽ khác với quận 11, Bình Tân, huyện Hóc Môn. Do cơ sở vật chất, do đời sống dân trí kéo theo sự hỗ trợ của phụ huynh cũng sẽ khác nhau.
Còn với giáo viên như tôi khi dạy lớp 2 vẫn theo dõi từng em, liên lạc với từng phụ huynh để có những cách hỗ trợ và nhấn trọng tâm cho em đó như thế nào, vì trình độ các em khác nhau. Nếu thấy không ổn về cơ sở vật chất, hạ tầng, tôi sẽ báo ngay cho hiệu trưởng".
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bản tin "Cà Mau dừng học trực tuyến cấp tiểu học" ngày 17-9, nhiều bạn đọc đã có ý kiến về việc này:
Đỗ Quang: Cho trẻ nhỏ cấp I học bằng máy tính và điện thoại lợi bất cập hại nhãn tiền. Mối lo lớn nhất là cả thế hệ hỏng mắt và đeo kính hết.
Dương Văn Tuấn: Hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau. Không hiệu quả thì dừng. Các địa phương khác cũng nên nghiên cứu làm theo.
Các cháu học sinh cấp I rất khó phù hợp với phong trào học trực tuyến. Lý do trình độ giáo viên, trang thiết bị phục vụ học tập (máy và mạng) và ý thức học tập độc lập của các em.
Thiện Ái: Tôi đã từng dạy năm cuối đại học qua Zoom, thực sự các bạn sinh viên rất cố gắng (Dược hệ chính quy). Nhưng đường truyền Internet khá yếu..., tương tác với tất cả các bạn sinh viên là khá khó.
Do kiến thức mới truyền đạt nên các bạn sẽ bỡ ngỡ, thụ động hơn học tại lớp. Dù tôi thuộc típ người trẻ tuổi mê công nghệ, nhưng việc học trực tuyến đối với tiểu học là hiệu quả kém, không đảm bảo chất lượng, hạ tầng viễn thông bị quá tải.
Các gia đình sẽ tăng kinh phí đầu tư máy tính, điện thoại, WiFi, tiền điện trong khi dịch mọi người đều làm việc qua mạng nên khả năng các em tiểu học sẽ dễ chán và khó tập trung...
Thăm dò ý kiến
Ngày 17-9, Cà Mau đã tạm dừng học online cấp tiểu học, thay vào đó là hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, qua chuyên đề, câu hỏi ôn tập, chuyển cho phụ huynh hướng dẫn... qua Zoom, Zalo, Gmail, Facebook... Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận