08/02/2018 18:30 GMT+7

Dạy trẻ ra sao về xâm hại?

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Theo số liệu thống kê, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. Cha mẹ, thầy cô nên dạy trẻ thế nào để bảo vệ các em?

Dạy trẻ ra sao về xâm hại? - Ảnh 1.

ThS Lê Minh Huân hướng dẫn một cách để tự vệ khi có người xâm hại - Ảnh: NGUYỄN LÂM

ThS Lê Minh Huân - chuyên viên tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM), gắn bó với công việc tư vấn phòng tránh xâm hại trẻ em 3 năm nay - cho biết bất kỳ ai cũng có thể là đối tượng xâm hại trẻ.

ThS Lê Minh Huân bày tỏ xâm hại trẻ là thực trạng đau lòng, với những con số dễ gây sốc như cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại (thống kê của Hiệp hội Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em - NSPCC). Mỗi năm số trẻ bị xâm hại có thể khoảng 2.000-2.500... (Bộ LĐ-TB&XH).

Theo ThS Lê Minh Huân, điều khiến anh trăn trở hơn cả là nhận thức chung của trẻ em về vấn nạn này còn khá thấp. Và người lớn xung quanh các em - cả giáo viên, phụ huynh... - còn e ngại nói về vấn đề này, đặc biệt là ở những vùng xa xôi. 

"Nhìn cách họ ngại khi chỉ vào các bộ phận nhạy cảm trên hình ảnh, cách họ đỏ mặt tía tai khi nghe mình nói về những đụng chạm có nguy cơ xâm hại của kẻ xấu mà thấy thương!" - anh Huân nói.

Và theo anh Huân, nhận thức chung của mọi người về vấn nạn xâm hại trẻ em còn thấp, nhất là những nơi ở vùng xa. Vì vậy, động lực tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền kiến thức phòng tránh xâm hại cho trẻ em không cao; ở gia đình thì xem chuyện này chưa cần thiết, không quan trọng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ThS Huân nêu con số do Hiệp hội Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em đưa ra: có đến hơn 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người thân trong gia đình nạn nhân. 

Vì vậy, khi dạy về phòng tránh xâm hại, cần nhấn mạnh với trẻ rằng người xâm hại trẻ có thể là bất kỳ ai trong số người quen, họ có vẻ ngoài, lời nói bình thường như bao người.

Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô cần giải thích khái niệm "có thể xâm hại" khác hẳn với "chắc chắn/là người xâm hại" để trẻ không có hành vi tiêu cực, bất lịch sự hoặc nghi ngờ tất cả những người xung quanh mình. 

Nếu không giáo dục kỹ điều trên, trẻ sẽ lo sợ, ám ảnh và sống khép kín, dễ dẫn đến những tổn thương tâm lý không đáng có.

Khi đứng lớp, ThS Lê Minh Huân thường dạy trẻ phân biệt khá kỹ hai loại đụng chạm: an toàn (được cha mẹ và con đồng ý, khiến con dễ chịu, vui vẻ) và không an toàn (cha mẹ và con không đồng ý, khiến con cảm thấy khó chịu, khó hiểu, sợ, đau...). 

Với đụng chạm không an toàn, trẻ cần phản ứng để phòng vệ, vì đây là con đường ngắn nhất có nguy cơ dẫn đến nạn xâm hại.

Học sinh THCS gặp nhiều rắc rối với tình yêu tuổi mới lớn

Năm học 2016-2017, ThS Lê Minh Huân và các cộng sự có làm cuộc khảo sát nhỏ cho học sinh Trường THCS Lý Phong. Kết quả cho thấy: với học sinh tuổi mới lớn có 3 vấn đề nổi trội chi phối tâm lý của các em. Đó là mối quan hệ với người lớn; tình bạn, tình yêu tuổi học trò; học tập. Trong đó, rắc rối liên quan đến tình yêu tuổi mới lớn là nhiều nhất.

Để giúp trẻ vượt qua những rắc rối này, ThS Lê Minh Huân cho rằng người lớn cần hiểu rõ trẻ đang ở giai đoạn tuổi dậy thì, cơ quan sinh sản đang hoàn thiện, có thể đảm nhận vai trò làm cha, làm mẹ; đồng thời xuất hiện cảm xúc giới tính, dẫn đến việc bắt đầu biết rung động trước bạn khác giới (thậm chí là cùng giới, với học sinh đồng tính).

"Chúng ta không thể cấm đoán vì đó là cảm xúc tự nhiên. Thay vào đó hãy cập nhật kiến thức về tâm lý lứa tuổi này, rồi "làm bạn cùng trẻ", để định hướng con trẻ lấy tình yêu học trò ấy làm động lực để phát triển, hoàn thiện chính mình qua học tập, hoạt động thể thao, thiện nguyện và vui chơi lành mạnh" - anh Huân nói.

Tuy nhiên, nếu người lớn phát hiện trẻ dính dáng đến vấn đề tình dục? "Hãy dạy trẻ cách bảo vệ bản thân, gìn giữ an toàn cho cả mình và đối phương. Chiến lược "nhu mà cương" lúc này khá quan trọng. Hãy để trẻ yêu, nhưng người lớn cần nghiêm túc dạy trẻ yêu trong sáng, lành mạnh" - ThS Huân chia sẻ.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên