15/06/2016 09:55 GMT+7

​Dạy thêm và chuyện cơ chế

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TTO - Trong môi trường không lành mạnh, có những cơ chế kỳ dị được tạo ra chỉ để đáp ứng những nhu cầu hết sức bình thường nhưng lại gây ra sự kém hiệu quả và băng hoại đạo đức xã hội.

Dạy thêm - học thêm là một vấn đề như vậy.

Con người ai cũng mưu cầu hạnh phúc, mà hiểu đơn giản là: (1) có thu nhập ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình và (2) có vị trí trong xã hội. Đối với giáo viên, thu nhập đến từ việc “bán cháo phổi” và vị trí trong xã hội chính là sự đánh giá, tôn trọng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Giáo viên có nhu cầu chính đáng về mức thu nhập ổn định để có thể yên tâm và tận tâm với nghề nghiệp của mình, còn học sinh và phụ huynh có nhu cầu được cung cấp dịch vụ giáo dục có chất lượng, ít nhất cũng phải tương xứng khả năng chi trả của họ.

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều giáo viên (nhất là ở các trường công) có nhu cầu về những mức thu nhập cao hơn mức mà họ đang được trả chính thức; và rất nhiều gia đình có khả năng chi trả cho việc học của con em họ cao hơn mức học phí cũng như đóng góp chính thức cho nhà trường.

Trong môi trường lành mạnh, cơ chế tự động được tạo ra là các trường sẽ tăng mức đóng góp của phụ huynh học sinh thông qua học phí hay các hình thức khác để có thể gia tăng thu nhập cho giáo viên.

Khi đó, giáo viên sẽ yên tâm đứng lớp và học sinh sẽ không bị hành xác vì học thêm cùng với chứng kiến những điều không hay. Sự tận tâm của giáo viên và tính trong sáng trong quan hệ thầy trò gia tăng, nên tính nhân văn trong giáo dục được củng cố.

Điều đáng tiếc là cơ chế này không được vận hành tốt ở Việt Nam, nhất là trong các trường công, thay vào đó là các cơ chế đang làm vẩn đục môi trường giáo dục.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của phụ đạo trong một số trường hợp, nhất là hỗ trợ các học sinh yếu hay tập trung cho một số kỳ thi quan trọng nào đó.

Tuy nhiên, việc dạy thêm - học thêm tràn lan ở Việt Nam hiện nay nhiều khi là chỉ để phụ huynh học sinh (bên có khả năng chi trả) trả tiền cho giáo viên (bên có nhu cầu nhận) mà thôi.

Điều này tạo ra ít nhất bốn hệ lụy.

Thứ nhất, đạo đức nghề nghiệp và lương tâm người thầy bị ảnh hưởng.

Thứ hai, mất thời gian và lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ ba, hình ảnh của người thầy trong mắt học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi chúng thấy thầy cô của mình nhận phong bì hay có những cách ứng xử không phù hợp liên quan đến việc dạy thêm - học thêm. Tính nhân văn của sư phạm đâu thể xây dựng trên môi trường như vậy.

Thứ tư, tạo ra sự bất công và phân biệt đối xử giữa các học sinh có hoàn cảnh khác nhau và giữa những giáo viên dạy các môn khác nhau hay giáo viên thông thường và giáo viên chủ nhiệm.

Thu nhập của giáo viên ở gần như tất cả mọi nơi trên thế giới đều đến từ việc chi trả của gia đình học sinh (trực tiếp qua học phí và gián tiếp qua thuế). Tuy nhiên, cơ chế dạy thêm - học thêm hiện nay ở Việt Nam đang tạo ra rất nhiều hệ lụy nên cần phải giải quyết triệt để.

Muốn xử lý vấn đề này cần phải giải quyết vấn đề “cho - nhận” nêu trên thông qua các cơ chế hợp lý.

Tạo điều kiện để nhiều người có thể tham gia thị trường giáo dục, để mỗi người có nhiều lựa chọn hơn là một chìa khóa cơ bản.

Thêm vào đó, Nhà nước cần tính đến các phương thức hỗ trợ/trợ cấp với cơ chế khuyến khích làm tốt, thay vì trợ cấp/đầu tư thông qua các trường hiện nay.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên