30/06/2021 11:12 GMT+7

Dạy học trò từ lòng chân thành

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Gia đình có truyền thống giáo dục, mẹ là giáo viên môn văn cấp 2 nhưng cô Nguyễn Thị Phương Bắc lại nuôi dưỡng cho mình ước mơ theo ngành luật. Tuy nhiên, cuối cùng "chỉ vì gần nhà" mà cô lại chọn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để thi và theo học.

Dạy học trò từ lòng chân thành - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Phương Bắc, giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), chụp ảnh lưu niệm với học sinh - Ảnh NVCC

Từ những câu chuyện đời sống thường nhật và "thổi" tấm lòng chân thành của mình vào bài giảng - đó là cách mà cô Nguyễn Thị Phương Bắc, giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), giúp học sinh "thoát ly" khỏi những gò bó của môn học, hướng đến điều gần gũi tốt đẹp.

Tôi ra trường đã 7 năm nhưng lớp 12A5 của tôi ngày đó cô chủ nhiệm chẳng khác một gia đình, còn cô như một người mẹ. Cô luôn giữ liên lạc với học trò, theo dõi từng bước trưởng thành dù học trò ra trường đã rất lâu, khiến nhiều thế hệ nghĩ về cô luôn cảm thấy ấm áp.

PHẠM NGỌC QUẾ ANH (đang học tiến sĩ giáo dục Trường ĐH Texas, Mỹ)

Thương hết sức, dạy hết lòng

17 năm đứng lớp, cô giáo có cái tên hướng về miền Bắc dạy văn nhưng luôn được ưu tiên chủ nhiệm các lớp chọn của ban tự nhiên. 

Nhiều lần chứng kiến học sinh sa sút vì những cú sốc từ người thân hoặc không tìm thấy động lực học tập khi khoác lên chiếc áo lớp chuyên quá sức với mình hoặc những bất ổn trong tình cảm đôi lứa tuổi học trò..., cô Bắc đều cố gắng tìm cách gỡ rối như chính người thân của các em.

"Trong những tình huống đó, tôi thường gặp và nói chuyện riêng, tư vấn, xốc lại tinh thần để các em vẫn trụ được 3 năm ở lớp chọn; hay khi học trò yêu sớm, tôi chỉ có thể khuyên chứ không thể cấm... 

Tôi không có "chiêu" chủ nhiệm nào đặc biệt mà chỉ biết thương học sinh hết sức, dạy hết lòng. Tôi cho đi tình thương, mà tôi nghĩ không phải riêng mình tôi mà tất cả giáo viên khác cũng sẽ như vậy" - cô Bắc tâm sự.

Trong công việc chuyên môn, cô Bắc cũng có "lối đi riêng" cho mình. Giờ văn của cô không giống như... học văn bởi cách sơ đồ hóa nhưng lại rất văn và được rất nhiều học sinh yêu thích. 

Cô cho biết: "Dạy văn với tôi là chú trọng dạy làm người, không chỉ đơn giản là dạy từ sách vở, học sinh cũng không cần học thuộc bài, mà tôi đi sâu dạy kỹ năng cho học sinh. Mỗi bài dạy mình lồng ghép về đạo đức, nhân cách. Ngay cả làm đề thi cũng vậy. Các em sẽ nhận ra được ý đồ mà thầy cô chuyển tải".

Chẳng hạn muốn chuyển tải một bài học trong phần văn học dân gian lớp 10, ở tác phẩm rất quen thuộc là "Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy", cô Bắc hướng học trò đến phần bài học đạo đức và áp đạo đức đó vào thực tiễn hơn là những nội dung từ tác phẩm mà học sinh đã biết.

Cô phân tích: "Bài giảng quen thuộc thì học sinh sẽ nhàm chán vì biết hết rồi. Các giáo viên đều rút ra bài học cảnh giác trước âm mưu kẻ thù và mối quan hệ cái riêng, chung. Nhưng ở đây tôi lại mở rộng ý thức, để nhắc nhở học sinh xử lý các vấn đề cá nhân với tập thể trong nội bộ lớp học. 

Sau này khi các em lên đại học, đi làm ở cơ quan, công ty, phải làm việc nhóm, sống chung trong tập thể thì mình sống như thế nào và cư xử ra sao? Mình không đặt quyền lợi và lợi ích cá nhân lên trên tất cả mọi thứ. Bài đó cũng rất nhạy cảm, liên quan đến lứa tuổi các em, đó là yêu. 

Đề cập đến yêu thì yêu như thế nào, yêu nhưng cảm xúc và lý trí làm sao để hài hòa, không phải yêu là mù quáng. Tôi thường có những lồng ghép như thế, chủ yếu là giáo dục tư tưởng cho học trò".

"Giờ mới biết học văn là như thế nào"

Hiếm thấy giờ văn nào của cô Bắc mà học trò bảo ghét văn do cách dạy không nặng học thuộc, không khảo bài học sinh. Thay vào đó, cô Bắc kiểm tra bằng cách đối thoại trong các tiết học, đặt vấn đề để học sinh phản biện. 

Cùng một vấn đề, học sinh có hướng xử lý suy nghĩ khác và ngay cả câu thơ học trò có cảm thụ riêng mà lập luận thuyết phục thì cô chấp nhận và càng khuyến khích học trò.

"Từ khi học với cô, con mới biết học văn là như thế nào" - đó là câu nói của một học sinh lớp 12, khiến cô tin mình đã mang đến cho học sinh cách học văn mới mẻ, ít nhiều nhen nhóm tình yêu văn chương. 

Cô Bắc từ tốn cho biết thêm: "Tôi không làm được gì cao siêu. Tôi nghĩ dạy văn là phải tác động tâm hồn các em, phải đem đến cho các em những điều tốt đẹp khi học sinh nhìn về cuộc sống, con người, truyền thống".

Nhớ lại cảm xúc về giờ văn, em Nguyễn Thị Thơ, học sinh lớp 12A3, nói: "Em ấn tượng nhất khi cô Bắc dạy về Bác Hồ, về Tuyên ngôn độc lập. Cô cho cả lớp xem phim tài liệu, giới thiệu các tác phẩm khác của Bác, bản di chúc của Bác. Em ngạc nhiên khi xem tài liệu và khi giảng về Bác mà cô lại khóc. 

Cô còn kể về truyền thống gia đình cách mạng, có ông ngoại là chiến sĩ Điện Biên đi qua hai cuộc kháng chiến. Tiết học đó em rất xúc động vì em thấy sự chân thành trong cách giảng dạy của cô".

Cô giáo có tâm với nghề

Cô Lê Thị Nở, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), nhận xét: "Nếu chọn tấm gương giáo viên thì chọn cô Bắc là đúng người. Cô là người có năng lực chuyên môn không phải bàn, rất vững vàng; có trách nhiệm với học sinh, có tâm rất tốt với tất cả.

Khi chủ nhiệm, cô chăm sóc học sinh như người nhà. Những gì cô Bắc làm là xuất phát từ tâm, tận tụy hết mình".

'Con ôm dì Sáu cho đỡ nhớ mẹ nghen'

TTO - 'Con ước gì mẹ còn sống. Con nhớ mẹ quá. Con ôm dì Sáu cho đỡ nhớ mẹ nghen!'- dì Sáu của em Kiều Tiên ở Hậu Giang kể lại khoảnh khắc nhớ mẹ của cháu mình và tâm sự may mắn có thầy cô đã thương yêu, cưu mang học trò như ruột thịt của mình.


THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên