Phóng to |
Cô giáo Kim Hòa |
Vượt qua số phận
Nhà có ba chị em, hai trai một gái, mà điều bất hạnh lại đến với cô con gái duy nhất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1957) ở khu phố 5, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Nguyễn Thị Kim Hòa bị bại liệt cả hai tay, vậy mà đã nỗ lực không ngừng để vượt lên số phận, vừa dạy học vừa viết văn.
Hai tuổi, cô bé Kim Hòa mắc phải cơn sốt nặng, sau đó bị bại liệt cả hai cánh tay vĩnh viễn. Dù được cha mẹ chạy chữa nhiều nơi nhưng Kim Hòa vẫn phải chấp nhận tật nguyền suốt đời. Từ nhỏ đã biết mình không suôn sẻ như các bạn nên cố gắng luyện tập, tuy chỉ hoạt động yếu ớt được cánh tay trái, Kim Hòa không nản chí để tập viết, tập cho bằng được để đi học.
Tay phải của Kim Hòa co rút dần thành cánh tay thừa trên thân thể, chẳng giúp gì được cho cô, vậy mà thành tích 12 năm học phổ thông của Kim Hòa khiến nhiều bè bạn nể phục. Càng lớn đôi tay cứ teo tóp dần, Kim Hòa càng nỗ lực rèn luyện, học thật giỏi vì Hòa luôn có nhiều ước mơ cho tương lai. Mười hai năm Kim Hòa đều đạt học sinh giỏi, đặc biệt là môn văn ở Trường THPT Nguyễn Trãi, được thầy cô và bạn bè quý mến. Kim Hòa đã đoạt giải khuyến khích môn văn cấp quốc gia năm học 2000-2001.
Thêm một lần rủi ro, vào kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Kim Hòa bị tai nạn giao thông không dự thi được. Tưởng chừng mọi mơ ước không còn cơ hội nhưng may mắn là Kim Hòa được xét đặc cách. Kim Hòa chọn Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại, nhờ vậy Kim Hòa có thêm cơ hội để trau dồi vốn kiến thức tiếng Anh, mơ ước ngày nào đó được đi làm như người bình thường, có lương để phụ giúp cha mẹ nuôi hai em ăn học.
Đến "cô giáo" và "nhà văn"
Ra trường Kim Hòa về địa phương xin việc, chẳng được thuận lợi, đến đâu người ta cũng yêu cầu phải có xe máy, mà với đôi tay tật nguyền thì...
Không nản chí, Kim Hòa bắt đầu cầm bút viết văn và xin cha mẹ vận động con em của bà con khu phố đến nhà dạy học. Cũng như bao gia đình khác, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải làm nông, thật thà tốt bụng, nhà tuy ở phố nhưng vẫn nghèo như người ở quê. Phía trước hiên nhà có cái sân khoảng 20m2, ông Hải che mái tôn đủ để thoáng mát cho con gái dạy học. Bên cửa sổ là một tấm bảng trắng bị thủng mấy lỗ to treo vừa tầm đứng, vừa tầm cánh tay trái còn cầm bút được của "cô giáo", cánh tay quyết định thành công của Kim Hòa.
Những cái bàn gỗ để các cháu học bài thì ông Hải đi xin, đi mua đồ gỗ phế liệu rồi tự đóng thành bàn, vợ chồng dành ít tiền mua ghế nhựa cho học sinh ngồi. Học sinh là những đứa trẻ ở quanh khu phố đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9, chúng được chị Hai "cô giáo" kèm dạy văn, toán và cả ngoại ngữ nữa. Mỗi lớp học chừng 5-7 em, đông lắm thì 20 em. Mùa tựu trường học trò ít hơn, đông nhất vẫn là thời gian nghỉ hè. Lớp học không sang trọng mà mang đậm tình yêu thương như một gia đình làng quê. Ông Hải trước khi ra đồng luôn giúp con gái quét lớp, xếp bàn ghế, đi làm về thì dọn dẹp thu gọn lại khi học sinh tan ca.
Ở đời đâu có ai toàn vẹn, trời sinh ra một con người khiếm khuyết cũng bù đắp cho họ chút tài năng đủ để vượt qua mọi mặc cảm. Và điều đáng khâm phục là Kim Hòa đã trở thành "chị Hai" và là "cô giáo" dạy kèm các em nhỏ quanh nhà, nơi khu phố vẫn còn nhiều gia đình làm nông chân chất. Tâm sự với chúng tôi, ông Hải xúc động nghẹn ngào: "Đời vợ chồng tôi quá khổ, sống bằng nông nghiệp khi lên phố thị càng khổ hơn. Thấy các con ham học, nên cũng mừng. Kim Hòa là đứa tật nguyền bất hạnh nên vợ chồng tôi luôn gánh vác mọi thứ để tạo điều kiện cho cháu thực hiện ước mơ.
Việc Kim Hòa dạy học là niềm vui, là hạnh phúc không chỉ của vợ chồng tôi mà cả bà con lao động nghèo ở khu phố này. Hai đứa em trai của Hòa đã lấy tấm gương của chị Hai mà học hành chăm chỉ. Cháu Nguyễn Văn Hiếu (1991) đã học Trường cao đẳng KTKT thành phố, cháu út Nguyễn Văn Hiến (1994) đang học lớp 11. Sau này tôi chỉ mong các con tôi xin được việc làm ổn định, sống tốt hơn đời vợ chồng tôi là mãn nguyện rồi".
Ba năm nay Kim Hòa cùng các em nhỏ trong khu phố 5, phường Đạo Long ngày hai buổi lên lớp. Chị Hai dạy các cho em học chữ và học cả ý chí biết vượt qua khó khăn. Các em đều gọi Kim Hòa bằng "chị Hai cô giáo". Khi vào lớp em nào cũng học hành rất nghiêm túc vì không ngoan sợ "chị Hai cô giáo" buồn. Nhiều em học yếu đều biết noi gương chị Hai mà học khá lên.
Kim Hòa tâm sự: "Em dạy học trước tiên là để có công ăn việc làm cho ba mẹ đỡ vất vả. Dạy học cho thế hệ đàn em ở nơi mình ở thì góp được chút ít công sức với xã hội rồi. Hơn nữa, em đang viết văn nên môi trường này giúp cho em thêm nhiều niềm tin trong cuộc đời quá nhiều sự mệt mỏi, để em trải lòng cùng trang viết. Truyện ngắn và tản văn của em cũng được báo đăng, có lãnh ít tiền nhuận bút cũng vui vui. Ước mơ thì rất nhiều mà em sợ không đủ sức khỏe. Em luôn cố gắng vượt qua mặc cảm để sống vui hơn".
Trong gian nhà nhỏ của gia đình ông Hải có một góc làm việc của Kim Hòa, có chiếc máy vi tính cũ và xung quanh rất nhiều sách báo. Lật xem một vài cuốn tạp chí Văn Nghệ và tập san Áo Trắng, chúng tôi thấy truyện, tản văn với tác giả là Nguyễn Thị Kim Hòa. Văn chương của Kim Hòa hay dở ra sao thì chưa biết, nhưng viết truyện và được đăng báo là một việc làm đáng khen đối với một người cầm bút khó khăn như Kim Hòa.
o0o
Có lẽ hình ảnh một "cô giáo" bất đắc dĩ, một "nhà văn" tương lai "có tật có tài" khiến chúng tôi và mọi người đều không thể không động lòng.
Chia tay gia đình ông Hải, chúng tôi mang theo niềm trăn trở: "Nếu có người nào cảm thông, tốt bụng giúp cho Kim Hòa mấy bộ bàn ghế để các em nhỏ ngồi học đàng hoàng thì tốt biết bao".
Áo Trắng số 17 (ra ngày 15-9-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận