18/07/2010 16:00 GMT+7

Một ngày của cô giáo dạy văn

DƯƠNG HẢI HÀ(Hậu Giang)
DƯƠNG HẢI HÀ(Hậu Giang)

AT - Giọng cô phát thanh viên trên cái loa đài phát thanh của huyện như quát vào tai: Dậy! Dậy! Dậy! Tôi vươn vai, che miệng ngáp rồi bật dậy, chạy ào ra sân làm vài động tác thể dục.

XKBhSXpX.jpgPhóng to

Minh họa: Duy Nguyên

Ngoài lộ, từng nhóm người có cả đàn ông và phụ nữ gọn gàng trong những bộ đồ thể thao, tay xách vợt, chân chạy bộ ra sân vận động. Mẹ tôi gọi đó là giới quý tộc. Họ làm ra vẻ yêu thể thao thế thôi chứ kỳ thực cứ sáng sáng họ họp lại để "tám", xong ăn sáng uống cà phê rồi lên xe ôm về. Ở nhà họ đã có ôsin lo việc nhà.

Tiếng rao bánh mì, xôi bắp lác đác run run trong sương sớm. Tập thể dục được năm phút tôi vội vàng đi đánh răng rửa mặt. Nước lạnh buốt cả da mặt. Mẹ đã dậy từ lúc nào đang lúi húi trước chái bếp củi nghi ngút khói. Bụi tro đậu lên mái tóc đã bạc trắng của mẹ. Mắt tôi cay xè. Lòng tự nhủ lòng: nhất định tháng này phải mua được cái bếp gas cho mẹ đỡ cực nhọc.

Đang gom mấy quyển giáo án và sổ sách bỏ vào cặp thì mẹ bưng tô mì nghi ngút khói lên: "Con ăn đi cho nóng. Mẹ có cắt ngò gai bỏ vào đó, thơm lắm!". Mùi ngò gai ngào ngạt bốc lên. Chu choa, có cả một cái trứng gà. Chắc là con gà mái tơ mới đẻ trứng so. Ngon thiệt! Tôi ăn ngốn ngấu thật nhanh. Chao ôi! Nếu có ai hỏi món gì ngon nhất trên đời, tôi sẽ trả lời không chút do dự: mì gói! Tôi có đọc được câu chuyện một cô sinh viên sợ ăn mì gói.

Tôi cho là cô ta bịa. Giá các nhà sản xuất mì thấy tôi ăn mì ngon lành thế này họ sẽ quay phim ngay chứ chẳng cần phải nhờ đến các cô diễn viên làm bộ ăn mì để quảng cáo làm gì! Ngốn hết mì, tôi húp sạch nước. Mẹ chửi yêu: Con nhỏ này, làm như nhịn đói bảy ngày rồi không bằng!

Liếc đồng hồ. Đã năm giờ rưỡi. Tôi cuống cuồng chạy vào buồng, thay áo dài, mặc áo khoác rồi nháo nhào dẫn xe ra. Mẹ chạy ra bỏ ca cà phê đá vào rổ xe. Sực nhớ quên bảng phụ, tôi trở vào lấy. Hôm nay thứ hai, có tiết chào cờ. Không biết lớp chủ nhiệm có đi kịp giờ không. Xe tôi lướt như bay trên đường. Thị trấn dần lùi lại phía sau. Đường mỗi lúc một gồ ghề. Rải rác trên đường vài bác nông dân cầm lưỡi hái ra ruộng. Lác đác vài nơi gặt sớm. Vụ đông xuân đang vào độ chín rộ. Lúa trĩu hạt phảng phất mùi thơm. Năm nay trúng mùa, thế nào thu học phí cũng đạt trăm phần trăm. Ban giám hiệu ra chỉ tiêu giáo viên chủ nhiệm phải thu đủ mới được xét thi đua. Đã sang tháng ba rồi mà lớp tôi mới thu đạt sáu mươi phần trăm.

Em nào cũng hứa đến vụ lúa sẽ đóng. Tôi chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng việc này vào tiết sinh hoạt lớp. Dạy văn mà nhắc đến chuyện tiền bạc với học sinh, tôi thấy nó hạ thấp mình làm sao! Mấy thầy dạy toán đòi tiền học sinh ngay trong lớp. Nghe ngượng chết đi được! Phụ huynh mà biết sẽ thế nào nhỉ? Tôi chưa kịp nghĩ đến chuyện ấy thì cổng trường đã hiện ra.

Trường xã chỉ vẻn vẹn mười hai phòng học. Dãy phòng xây xong đưa vào sử dụng mới hai năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vết nứt toang hoác. Mái tôn bị gió hất tung nhiều chỗ. Laphông bị thủng. Đèn điện bị đứt bóng. Quạt trần vừa uể oải quay vừa rên rỉ như bà già rụng răng và đau nhức từng đốt xương tủy. Cứ mỗi đợt họp hội đồng vấn đề tu bổ phòng ốc được đem ra phanh phui mổ xẻ rồi sau đó lại đâu vào đấy. Quỹ xây dựng chưa đủ. Sở chưa cấp bù..., là những điệp khúc ban giám hiệu thường xuyên nêu ra.

Lần đầu nghe thầy hiệu trưởng yêu cầu báo cáo cơ sở vật chất, tôi khấp khởi mừng thầm vì nghĩ tuần sau học trò mình sẽ được yên tâm học tập trong căn phòng không mưa tạt gió lùa. Nhưng sau vài lần nghe cái điệp khúc ấy thì tôi đâm nản. Câu châm ngôn "Tiền không mua được hạnh phúc" mà tôi cho học sinh bình luận đã không còn đúng nữa.

Sáng nay lớp tôi trực trường. Nghĩa là tôi phải đôn đốc các em bưng bàn ghế ra sân và dọn dẹp sau đó. Sau tiếng hô "Nghiêm, quốc ca" của thầy giám thị, lá quốc kỳ từ từ được kéo lên dưới ánh mặt trời rực rỡ. Hôm nay lại nắng dữ đây. Nghĩ đến tụi học trò tập thể dục dưới nắng mà thương. Cây xanh trong sân còn quá nhỏ, chưa tỏa bóng đủ cho khoảng sân rộng. Tiết sinh hoạt trôi qua khi nắng đã hơi gắt. Mồ hôi đọng từng giọt trên mặt trên trán thầy hiệu trưởng, thầy giám thị. Giáo viên tụ họp ở phòng hội đồng để chờ tiết dạy tiếp theo.

Một chiếc ôtô từ ngoài cổng từ từ tiến vào sân. Thầy hiệu phó chuyên môn hớt hơ hớt hải chạy sang phòng hội đồng với vẻ mặt hoảng hốt: "Sở thanh tra đột xuất" rồi lật đật chạy ra xe bắt tay các vị lãnh đạo sở giáo dục. Nhiều giáo viên lộ vẻ lo lắng thật sự. Có cán bộ thanh tra bốn môn: văn, toán, hóa, ngoại ngữ. Thầy thanh tra ngữ văn nhìn vào thời khóa biểu giáo viên rồi hỏi: "Cô Hoa vào chưa? Cho tôi dự tiết này nhé!". Tôi mỉm cười gật đầu tuy tim đang đánh lô tô trong lồng ngực. Trống vào tiết hai. Tôi đi thật nhanh xuống lớp. Ông thanh tra theo sau.

Cả lớp lặng thinh khi nghe tôi giới thiệu có cán bộ sở về thanh tra. Bài học hôm nay là một đoạn trích trong tiểu thuyết nổi tiếng của Vichto Huygô: Những người khốn khổ. Sau khi giới thiệu tác giả và tác phẩm bằng một số hình ảnh và ba tập của tác phẩm (mượn ở thư viện trường), tôi phân vai và hướng dẫn các em thể hiện lại đoạn trích. Mọi khi các em đọc ngắc ngứ chứ nói chi đến diễn cảm. Nhưng không hiểu sao hôm nay các em đọc hay và xúc động đến thế. Sau phần đọc, tôi phát phiếu học tập và gợi ý cho lớp thảo luận xoay quanh ba nhân vật: Giave, Giăngvangiăng, Phăngtin. Đại diện nhóm lên trình bày kết quả thảo luận. Giọng các em run run. Giọng giảng bài của tôi cũng run run.

Tôi cảm thấy không khí tiết học không được tự nhiên như bình thường. Ngày thường, khi tôi giới thiệu một quyển sách và bảo các em tìm đọc, thế nào cũng có em kêu lên: Cô ơi, cho em mượn quyển cô đang cầm đi. Em lục dưới thư viện không có. Hay: Cô ơi, thằng Tèo không cho em mượn sách. Lớp có bốn mươi học sinh nhưng chỉ có hăm sáu quyển sách. Mua: không tiền. Mượn thư viện: không có. Dạy theo phương pháp mới mà kiểu này, thiệt mệt gì đâu. Tiết học trôi qua. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tưởng thoát nạn. Ai dè tiết tiếp theo ông thanh tra lại dự nữa. Ông bảo dự hai tiết liền mới đánh giá được thực chất.

Lạy trời. Thời gian rồi cũng trôi qua. Tôi đã hết run. Phần củng cố, tôi đưa lên ba câu hỏi trắc nghiệm. Học sinh đều trả lời đúng. Hú hồn. Trống đánh hai tiếng. Ông thanh tra chào lớp rồi đi ra. Tôi ở lại dặn dò học sinh chuẩn bị bài mới. Kỳ này phải đề nghị với ban giám hiệu vận động học sinh tặng sách cũ cho các em lớp dưới mới được. Mà biết đâu vài ba năm nữa lại đổi sách thì sao? Hổng chừng hè này lại phải đi tập huấn sách mới nữa đó. Coi chừng đi toi hai tháng hè!

Lên phòng hội đồng, ông thanh tra bắt tay tôi thật niềm nở. Khen hết lời trước thầy hiệu trưởng. Nào kiến thức vững vàng, phương pháp mới dễ tiếp thu, giọng giảng nhỏ nhẹ, truyền cảm... (Tôi cười thầm: "Chắc thầy chưa nghe tôi la tụi học trò. Nhất là khi tụi nó không thuộc bài hoặc đạo văn!"). Định mời thầy xuống căngtin uống nước nhưng tôi còn đến hai tiết nữa.

Mười một giờ. Giọng giảng không còn thanh thao mà đã chuyển sang thì thào. Lớp bên cạnh, tiếng thầy dạy toán sang sảng nhưng đã hơi cau có: "Cả lớp không làm bài? Học hành như vậy đó hả?". Học sinh đã ôm bụng nhăn nhó. Mùi xào nấu từ căngtin phảng phất đầy cám dỗ. Đứa này quay sang hỏi đứa kia: "Tao đố mày mùi gì?", "Mùi xương heo hầm đu đủ”."Sai bét! Mùi đậu que xào tỏi". Tôi entơ hình con cá kiếm trên màn hình. Cả lớp giương mắt nhìn. Ước gì có được một ký thịt con cá kiếm kia nhỉ? Mùi xào nấu cứ phảng phất trêu ngươi... Mười một giờ ba mươi. Giọng đã khàn khàn. Chỉ chờ tiếng trống, lũ học trò túa ra, nhốn nháo ở bãi giữ xe. Tôi lê cái thân bốn chục ký xuống nhà công vụ nghỉ trưa để chiều dạy hai tiết thế cô Bích bị đột quỵ mới vừa nhập viện.

Cơm bảy ngàn một dĩa.Tôi vét không còn một hột mà thấy bụng mới hơi lưng lửng. Quân tử ăn chẳng cầu no. Khổng Tử đã dạy thế. Ăn để sống, sống để làm, làm để ăn, ăn để sống... Cái vòng luẩn quẩn cứ quay con người hết năm này sang tháng khác.Vừa nói chuyện với các cô ở tập thể, tôi vừa dán mắt lên tivi xem chương trình Không gian đẹp được phát lại.

Mỗi lần xem chương trình này, cô Lan dạy sử lại rơm rớm nước mắt. Thầy Khoa cùng tổ văn thì khôi hài: "Tui ước chi cái nhà mình chỉ bằng cái nhà vệ sinh trong Không gian đẹp là tui mãn nguyện". Với tay lấy quyển Tiếp Thị trên bàn. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm... cái nào cũng sang trọng cũng đẹp. Ngó đến bảng giá: giày một triệu rưỡi, áo sơ mi: năm trăm. "Chừng nào lương tháng được năm triệu tao sẽ mua đôi giày này!" - Lan nói.

Tôi đùa: "Khi đó mày trở thành bà già lụm cụm sắp về hưu rồi!". Nhỏ Phương dạy sinh xen vào: "Nghe nói đến đầu tháng năm này lương mình lên bảy trăm ba!".Vẫn giọng Lan: " Sở mình chưa phát lương mới liền đâu mà ham. Đến tháng mười hai mới được truy lãnh". Tôi triết lý: "Giáo viên phải lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Hai đứa nó nguýt dài. Tôi lại ngậm ngùi nghĩ tới chiếc máy tính mình ao ước bấy lâu nay, không biết bao giờ mới mua được. Trường thống nhất sử dụng giáo án đánh vi tính, rồi giáo án điện tử. Tôi vẫn phải sử dụng máy của trường. Thiệt bất tiện gì đâu.

Nắng như đổ lửa. Có dạy buổi chiều mới biết thương các thầy cô dạy khối mười. Gió. Gió từ ruộng thổi vào lồng lộng càng làm cổ họng khô hơn. Đoạn trích Trao duyên trôi qua trong hai tiết học. Hai giờ mười lăm phút chiều. Tôi lên đường trở về ngôi nhà thân yêu. Giữa đường, xe ì ạch và nổ những tiếng kỳ cục. Mở nắp bình xăng: khô rang. May mà có cây xăng gần đó. Tấp vô đổ. Tôi nhìn bảng giá xăng cứ nhích lên từng ngày mà thấy mình nghèo đi, cái ví càng mỏng hơn!

Giàn hoa giấy hiện ra trước mặt. Tôi mừng quýnh mường tượng ra một trái dừa xiêm đang chờ mình. Hôm nay thế nào mẹ cũng mượn thằng Tí bẻ dừa giùm. Đến cửa tôi hơi sững người khi thấy anh trai và chị dâu đã về. Anh Hai làm kỹ thuật bưu điện tỉnh. Chị Hai là nhân viên kế toán ở ngân hàng công thương. Cả nhà chạy ra đón. Anh Hai chỉ vào cái thùng giấy, bảo: "Quà của em đó!".

Tôi hồi hộp mở ra. Một chiếc laptop. Trời ơi! Ngay cả trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng đến điều này! Nhìn chị dâu ăn mặc sang trọng đang nở nụ cười tươi, tôi cám ơn rối rít. Mẹ khoe xấp vải nhung chị Hai mới tặng mẹ. Tự nhiên cảm thấy buồn vì đi dạy đã năm năm, tôi chưa bao giờ mua được một món quà đắt tiền như thế cho mẹ. Trong bữa cơm câu chuyện cứ giòn ran như pháo nổ. Sau bữa cơm, anh chị lại về Cần Thơ. Mẹ cứ dặn đi dặn lại: "Lần sau về phải chở theo hai đứa nhỏ”.

Tối, mẹ ngồi mân mê khúc vải, mắt ấm áp, thiết tha. Tôi ngồi bên chiếc laptop. Lòng rộn ràng nghĩ đến việc nối mạng. Bỗng giật mình. Chết rồi! Mai có tiết trả bài viết. Mình mới chấm được hai xấp, còn một xấp nữa. Phải chấm ngay mới được. Chữ viết loằng ngoằng như cọng lò xo xoắn. Chữ ốm nhom dài ngoằng như cái chân cò. Chữ ngổ ngáo chạy dạt về trước như chạy maratông... Tất cả chập chờn hiện ra trước mắt. Ráng lên! Còn mười bài nữa. Còn chín bài nữa. Còn năm bài nữa... Mắt tôi nhíu lại. Mai dạy ba tiết. Dự giờ một tiết. Một tiết trống.

Tâm trí tôi mơ màng. Hình như còn văng vẳng tiếng mẹ: "Con nhỏ này, ngủ gục rồi!". Tôi bật dậy, lủi vô buồng. Nhắm mắt lại còn dặn một câu: "Sáng năm giờ mẹ nhớ đánh thức con nghen!".

wwXd4wRa.jpgPhóng to

Áo Trắng số 12 (ra ngày 1/7/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

DƯƠNG HẢI HÀ(Hậu Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên