10/01/2014 10:35 GMT+7

Đây, chứng tích thảm sát Koh Tang

Đại tá, nhà báo BÙI VĂN BỒNG
Đại tá, nhà báo BÙI VĂN BỒNG

TT - Trong chuyến đi năm 1982 trên con tàu HQ-1348, tôi đã đến một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, đã đến An Thới, Phú Quốc nhưng chưa có hòn đảo nào để lại trong tôi suy tưởng và những sâu lắng như ở đây - đảo “Thương Tang”.

Thổ Chu - ký ức đau thươngTrong tay Khmer ĐỏNhững người đào thoát

1DYnuGWB.jpgPhóng to

Hòn đảo này có tên trên bản đồ là Koh Tang (koh tiếng Campuchia nghĩa là đảo). Nhưng các chiến sĩ trên đảo vẫn gọi là đảo “Thương Tang” để khắc sâu một ký ức đau thương. Nơi đây gần 1.000 người dân Việt Nam và người dân Campuchia đã chết dưới bàn tay tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot.

Xác người dưới những gốc dừa

Tôi đến hòn đảo này muốn tận mắt chứng kiến nơi mà những người dân vô tội đã bị chết oan uổng giữa bốn bề biển cả. Tôi đến hòn đảo này còn vì một lý do nữa, nơi đây các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế cùng quân đội Campuchia anh em.

“Quân đội cách mạng Campuchia mới thành lập. Chúng tôi chưa đủ sức để bảo vệ các hòn đảo tiền tiêu, các bạn Việt Nam giúp đỡ thì chúng tôi vững tin lắm“. Hôm gặp tôi ở cảng Kampong Som, đồng chí Phong Dót, chỉ huy trường quân sự thành phố, đã nói như vậy.

Koh Tang là một hòn đảo đẹp, nằm phía tây bắc đảo Phú Quốc. Đảo dài 7km, nơi rộng nhất 3km, nơi hẹp nhất chỉ có 100m. Đứng ở nơi này thấy hai bên là biển xanh rì rầm sóng vỗ. Xung quanh đảo có đá ngầm, san hô, có nơi vách đá dựng đứng, núi nhoài ra biển.

Có nơi bãi cát trắng mịn màng, bình độ thoai thoải, tàu lớn có thể vào sát chân đảo. Cây cối trên đảo xanh tươi với các loại gỗ quý như lim, sến, táu, những lâm sản quý như trầm hương, tốc hương, sa nhân, đỗ trọng và rất nhiều tắc kè...

Một buổi sáng sau khi lên đảo một ngày, khi tôi đang đứng ngắm những hàng dừa xanh tươi ven bãi cát, đảo trưởng Nguyễn Đức đến bên tôi hỏi:

- Anh nhìn gì mà chăm chú thế?

- Ở đây có những vườn dừa thật đẹp - tôi nói.

Anh Đức lặng im một lúc. Rồi hàng mi anh chớp chớp, giọng trầm xuống như nghẹn lại:

- Xương máu của đồng bào mình và bà con Khmer đấy!

Tôi sửng sốt:

- Anh bảo sao? Xương máu đồng bào mình?

Trước khi ra đảo, tôi nghe nói là quân Pol Pot đã tàn sát dã man đồng bào ta ở đó. Nhưng tôi không ngờ rằng chúng mang xác đồng bào ta để bón cho những gốc dừa. Tôi gặng hỏi, đảo trưởng Đức xúc động kể tiếp:

- Khắp đảo này có tới trên 2.000 hốc dừa mới trồng từ năm 1976, 1977. Vậy mà hầu như gốc dừa nào cũng có xương người. Có chỗ một gốc dừa đến hai, ba xác chết. Cái chỗ anh đang đứng, khi chúng tôi lên đảo thấy có mấy xác người bị chúng trói tay chân và đập vỡ sọ. Chúng chưa kịp vùi xuống cát. Sau đó các chiến sĩ VN đã mai táng cho họ. Những ngôi mộ đó ở đằng kia...

Nhìn xuống đất, tôi sởn gai ốc. Một cảm giác lành lạnh nơi hai bàn chân. Bây giờ có thấy gì nữa đâu, cát trắng mịn và cỏ xanh. Thế mà cách đây mấy năm, những tiếng kêu rên xé lòng. Và cát thấm máu, đất và cây cỏ thấm máu. Nơi đảo xa này không một ai biết được cái chết sớm đến với họ thê thảm như thế nào.

Những năm thảm khốc ấy không có ai ở đây để trực tiếp chứng kiến. Đầu năm 1979, các chiến sĩ hải quân VN cùng các chiến sĩ quân đội cách mạng Campuchia tấn công lên hòn đảo này. Bọn sát nhân đã xuống tàu và chạy trốn, chỉ còn dấu tích là những bằng chứng sống. Hồ sơ, thẻ căn cước, màu áo, vật kỷ niệm...

Từ những hồ sơ dấu tích ấy mà ghép lại, đối chiếu, so sánh, các chiến sĩ đã có thể kết luận những gì đã xảy ra trên hòn đảo này, những gì minh chứng tội ác bọn diệt chủng.

...Tháng 4-1975, quân Pol Pot đổ quân lên đánh chiếm đảo Thổ Chu của VN. Chúng bắt đi hơn 500 dân đang sống yên bình trên hòn đảo VN. Tưởng chúng đưa hơn 500 đồng bào trên vào Kampong Som, Battambang hay Pursat.

Nào ngờ chúng đã dồn họ lên đảo Koh Tang này. Chúng bắt họ lao động khổ sai và giết dần giết mòn cho đến khi không còn một người.

Chúng bắt họ xây lôcốt, hầm ngầm, làm trận địa pháo, đào công sự, trồng cây ăn quả, khai thác hải sản, lâm sản... Khi các chiến sĩ lên đảo còn thấy những vườn rau, ao cá và đàn bò, đàn heo hàng trăm con, gà vịt chạy khắp rừng. Mấy trăm con người làm cật lực, làm cho đến chết chỉ để nuôi một bọn quỷ đảo.

sd4tPvAY.jpgPhóng to
Đảo Koh Tang - nơi hơn 500 người dân VN bị giết hại - Ảnh: Kohtang.com

Những tấm căn cước trên đảo Koh Tang

- Anh đi với tôi! - đột nhiên đảo trưởng Đức quay lại và nói, giọng gấp gáp.

- Đi đâu anh?

- Cứ đi. Rồi anh sẽ thấy thêm nhiều chứng tích...

Anh chỉ một ngôi mộ nhỏ:

- Đây là mộ của hai mẹ con xấu số. Khi ra đảo, anh em đào công sự phát hiện ra. Chúng chỉ vùi cát sơ sài. Chúng trói chặt đứa trẻ vào mẹ. Người mẹ và đứa trẻ bị đập vỡ sọ. Có lẽ chúng giết hồi cuối năm 1978 cho nên tháng 1-1979, anh em bới lên thấy xác họ thịt chưa rữa hết. Trong túi áo người mẹ còn tấm thẻ căn cước đề: Nguyễn Thị Tua, 29 tuổi, ở đảo Thổ Chu, do chính quyền Sài Gòn cấp ngày 20-2-1968...

Chúng tôi đi qua khỏi vườn dừa, vòng ra bãi biển. Ven bờ cát có một cây dương cao vút đứng chơ vơ. Xung quanh cỏ cây mọc rậm rạp.

- Anh nhìn lên cây dương, có thấy gì không? - anh Đức hỏi.

- Một đoạn dây!

Rồi tôi thấy gai người, thốt lên:

- Một đoạn dây thòng lọng.

Anh Đức giải thích:

- Đúng vậy. Đây là nơi chúng hành hình đồng bào ta. Khi mới lên đảo, dưới gốc cây nhẵn thín, hàng trăm dấu chân đè lên nhau. Xung quanh gốc cây chúng còn vứt rải rác gậy, dây trói, búa, dao quắm. Khi ấy anh em còn thấy máu đọng khô lại.

Chúng tôi qua bãi lau rậm, đi trên chiếc cầu gỗ bắc qua hồ nước rồi vòng ra chân đồi. Ở đây có những căn nhà lợp ngói. Một kiểu nhà sàn bốn mái, xung quanh lát gỗ, cầu thang bằng ximăng. Kiểu nhà này là nguyên dạng cấu trúc nhà ở mà người ta thường thấy ở Trung Quốc.

- Đây là nhà của các cố vấn Trung Quốc.

- Sao anh biết?

- Biết chứ! Giấy tờ, tư trang và cả thư của họ để lại mà.

Phía trước căn nhà sàn bốn mái ấy là một dãy hầm bêtông nửa mái nổi. Dãy hầm này mới xây xong khoảng năm 1978, rêu phủ một lớp xanh sẫm ở bậc lên xuống.

Chui vào hầm còn thoảng mùi vôi vữa. Dãy hầm có bốn ngăn. Mỗi ngăn chứa gần 10 người. Ngăn nào cũng có lỗ châu mai hướng ra biển.

Trong số giấy căn cước đã nhàu nát, mối xông, thấm nước, vứt rải rác quanh khu nhà bốn mái này, tôi còn đọc được những địa danh, phần lớn là Thổ Chu, những căn cước khác có ghi rõ quê quán nạn nhân ở Chợ Lớn, Biên Hòa, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh...

Khi sáng, ở ven chân đảo phía đông, tôi còn thấy những chiếc tàu đánh cá loại vừa và nhỏ đã bị hỏng. Có con tàu gối lên bờ cát, cái thì nằm chềnh ềnh giữa lối đi, có cái nửa chìm nửa nổi. Một mảnh ván bị sóng đánh tung lên bờ từ khi nào khô cong, mốc thếch, nứt nẻ.

Một chiếc tàu có mấy chữ số kẻ sơn còn đọc được: KG13..., mấy chữ số tiếp theo bị bong hết sơn. À, bọn diệt chủng Pol Pot chẳng những bắt hơn 500 người dân đảo Thổ Chu về đây, mà chúng còn bắt cóc tàu thuyền đánh cá của ngư dân VN đang làm nghề trên biển.

Bao nhiêu người già, đàn bà, trẻ em? Bao nhiêu người bị đánh đập tàn nhẫn rồi bị chết vùi thân dưới những gốc dừa kia? Chẳng ai trả lời được những câu hỏi ấy.

____________

Kỳ tới: Năm tháng không quên

Đại tá, nhà báo BÙI VĂN BỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên