03/11/2013 13:56 GMT+7

Dạy cho trẻ hình thành tư cách công dân

BÙI KHÁNH NGUYÊN (TP.HCM)
BÙI KHÁNH NGUYÊN (TP.HCM)

TTO - Chương trình giáo dục công dân của chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng thành công của nhiều nước khác để tránh hàn lâm kiểu dạy học sinh về "phủ định biện chứng", "phủ định siêu hình".

5eUH3r6h.jpgPhóng to
Một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Nhân việc PGS Văn Như Cương lên tiếng về việc chương trình giáo dục công dân lớp 10 dạy học sinh các khái niệm “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… quá hàn lâm, kinh viện, tôi nghĩ giáo dục Việt Nam nên tham khảo các chương trình giáo dục tiên tiến để học cách họ giáo dục học sinh hình thành tư cách công dân như thế nào.

Ví dụ, chương trình của Tổ chức Tú tài quốc tế IBO (Thụy Sĩ) đặt mục tiêu hướng học sinh đến 10 phẩm chất căn bản của “công dân toàn cầu”. Mười phẩm chất đó là: Inquirers (ham hiểu biết), Knowledgeable (có kiến thức), Thinkers (biết cách tư duy), Communicators (có khả năng giao tiếp), Principled (có tính kỷ luật), Open-minded (đầu óc cởi mở), Caring (biết quan tâm), Risk-takers (dám mạo hiểm), Balanced (biết cách cân bằng) và Reflective (có óc xét đoán).

Chương trình trung học đại cương quốc tế (IGCSE) của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cũng có môn học tư cách công dân toàn cầu (Global Perspectives/Citizenship) nhưng không bao gồm nội dung triết học như chúng ta.

Chương trình giáo dục phổ thông của bang Ontario (Canada), một trong những bang văn minh nhất Bắc Mỹ, có một nội dung giáo dục công dân là “Giáo dục tính cách bằng hành động” (Character Education in Action). Thay cho môn học giáo dục công dân với sách giáo khoa khô cứng, họ dạy học sinh thực hành lặp đi lặp lại 10 nét tính cách căn bản cần thiết cho mỗi con người để sinh sống ở mọi nơi, ứng xử trong mọi tình huống.

Đó là Respect (tôn trọng), Responsibility (tinh thần trách nhiệm), Integrity (sự liêm chính), Caring (sự quan tâm), Optimism (tinh thần lạc quan), Perseverance (sự bền bỉ), Courage (lòng dũng cảm), Cooperation (tinh thần hợp tác), Peacemaking (yêu hòa bình) và Gratitute (sự biết ơn).

Các đức tính này được học thông qua các hoạt động thực tế, ví dụ học sinh nhịn đói một ngày để có sự cảm thông với những nạn nhân của nạn đói ở châu Phi, trẻ em học cách đi qua căn phòng tối vào 12 giờ đêm để học về lòng dũng cảm, nhà trường tổ chức ngày hội văn hóa các nước để học sinh yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tự hào về văn hóa của quê hương…

Tôi nghĩ bộ môn giáo dục công dân của Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ những thành công của các nền giáo dục khác trên thế giới để ứng dụng hài hòa trong hoàn cảnh Việt Nam.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Khoảng trống “dạy người”Giáo viên phải biết xây dựng bài giảngPhải nâng tầm quản lý giáo dụcChương trình đại học cần bớt trừu tượng

BÙI KHÁNH NGUYÊN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên