Phải nâng tầm quản lý giáo dục

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đó là khẳng định của GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ông Đào Trọng Thi chia sẻ:

Uvi6O9Oj.jpg
Giáo sư Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng
"Bộ GD-ĐT gần giống như ban giám hiệu của các trường, nhưng các vấn đề thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thì lại không làm nổi"

- Quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, thậm chí có lúc đây còn được xem là khâu yếu nhất, cần quan tâm đầu tiên khi muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đổi mới quản lý giáo dục không nên đề cập những vấn đề phát sinh do lỗi của một vài nhà quản lý cụ thể, mà cần đưa đến đột phá trong phương thức và cơ chế quản lý.

Trước hết, quản lý nhà nước về giáo dục lâu nay có sự lẫn lộn với quản lý chuyên môn. Cơ quan quản lý nhà nước không làm tốt vai trò quản lý, nhưng lại can thiệp quá sâu vào quản lý chuyên môn vốn là phần việc của cơ sở. Khâu thứ hai yếu không kém là cơ quan quản lý chưa tạo điều kiện để các cơ sở phát huy tính chủ động. Điểm xuyên suốt của Luật giáo dục ĐH là giao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Song dù luật đã có hiệu lực gần một năm, đến nay các nghị định vẫn chưa được ban hành đầy đủ, thành ra các cơ sở giáo dục vẫn chưa được trao quyền.

* Lý do nào khiến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục lại mặn mà với những công việc của cơ sở hơn những việc cần đến tầm vĩ mô, thưa ông?

- Nếu đánh giá theo ý kiến cá nhân, tôi thấy việc này có thể xuất phát từ một trong hai nguyên nhân. Thứ nhất, khi không có khả năng làm việc lớn thì anh làm những việc nhỏ vì nếu không, anh không làm gì, đứng ngoài cuộc dễ có tâm lý sợ bị đánh giá là vô dụng. Thứ hai, lý do tế nhị hơn, chính là làm những việc nhỏ thì gắn với quyền lợi hơn. Làm cái lớn, vĩ mô sẽ không thể hiện được quyền lực với cơ sở. Đây là vấn đề thuộc về cơ chế: nếu nhà quản lý tách rời khỏi những cái cụ thể thì sẽ không tham gia được vào phân chia quyền lợi. Tất nhiên, ngoài cơ chế còn là câu chuyện động cơ của bản thân nhà quản lý. Thật sự đã đến lúc phải từng bước xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản.

* Khi giao một phần quyền tự chủ cho các trường, có cán bộ quản lý cho rằng công việc của bộ nhàn hơn vì lâu nay phải tính chỉ tiêu cho các trường, giờ các trường phải tự tính và nếu sai trường phải chịu trách nhiệm, phải chịu phạt...

- Nghĩ rằng giao quyền tự chủ cho các trường nghĩa là bộ rảnh tay hơn là quan niệm sai lầm. Hình dung một cách đơn giản: trước đây bộ dắt tay cơ sở đi đúng đường, đúng quy định, trường đi chệch hướng, bộ dắt tay kéo lại ngay. Còn nay bộ phải theo sau giám sát, trường có đi sai, bộ cũng không thể dắt tay kéo lại mà phải cảnh báo kịp thời. Nghĩa là việc ban hành văn bản chặt chẽ, đầy đủ hơn, quá trình giám sát được tăng cường nhiều hơn. Rõ ràng một người muốn làm được công việc như xưa mà quyền trực tiếp giảm đi thì khó hơn nhiều, cần nâng cao cả về tầm, trình độ và năng lực quản lý.

Bộ đã cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng đáng lẽ bộ phải giám sát chặt chẽ hơn chứ không phải để xảy ra “sự đã rồi”. Ngay khi báo cáo nếu thấy trường có những thay đổi đột biến về chỉ tiêu đăng ký đã phải giám sát, kiểm tra rồi, chứ để họ tuyển sinh xong thì không chỉ sinh viên trường đó được đào tạo không bảo đảm điều kiện chất lượng, mà còn ảnh hưởng đến tình hình tuyển sinh các trường khác.

* Nhiều chuyên gia ủng hộ đề án đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục khi đề án đặt ra mức đầu tư tăng thêm đáng mơ ước cho cả người học và thầy cô giáo. Song không ít người ngần ngại vì không nhìn thấy nguồn đầu tư nào khả thi cho những đột phá về tài chính để nâng chất lượng giáo dục...

- Đây là điểm yếu nhất của đề án. Đúng là đề án đưa ra nhiều đề xuất tốt, nhiều ý tưởng táo bạo, mới mẻ, giải pháp đồng đều, toàn diện, nhưng thiếu vắng hoặc nếu có thì rất mờ nhạt khi đề cập nguồn lực và động lực để có những thay đổi. Nói về nguồn lực, Nhà nước chắc chắn không thể tăng thêm mức chi ngân sách cho giáo dục. Với tình hình kinh tế hiện nay, để duy trì được 20% ngân sách chi cho giáo dục cũng phải kiên trì bảo vệ. Cho nên, việc đề án đề xuất mức đầu tư cho con người không quá 75%, chi cho hoạt động thường xuyên 25% rất khó thực hiện và dự kiến phải điều chỉnh. Đúng là quy định cũ của Chính phủ với tỉ lệ 80% và 20% thì nhiều năm qua đã không được thực hiện nghiêm túc, nhất là ở các vùng kinh tế khó khăn, lương liên tục tăng thì chi cho con người đã đến 90-95%.

Đề án cũng đặt ra kế hoạch mức chi cho một SV bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm, nghĩa là lên đến mức 40 triệu đồng/năm. Hiện tại mức đầu tư của Nhà nước là 6-7 triệu đồng/SV/năm, học phí của SV 3-4 triệu đồng/năm, tổng mức chi khoảng 10 triệu đồng/SV/năm. Như vậy với ĐH, Nhà nước không thể chi tăng thêm, 30 triệu phụ trội không cách nào khác sẽ phải do người học đóng góp, liệu các em có chịu nổi? Không thể chấp nhận mức học phí hiện tại nếu muốn nâng cao chất lượng, nhưng việc tăng học phí phải bảo đảm nguyên tắc: phù hợp với mức sống của nhân dân, xứng đáng với chất lượng và tăng có lộ trình.

Cho nên, đối với giáo dục nói chung, tổng nguồn lực như thế, không thay đổi được thì phải sử dụng tiền cho hiệu quả, không thể rải suốt sự bao cấp một phần từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học. Cấp học nào cần phổ cập thì Nhà nước phải ưu tiên nhưng với giáo dục ĐH, chuyên nghiệp, người học sẽ hưởng quyền lợi, đào tạo ra để có việc làm, sau đó người học phải đóng góp nhiều hơn.

GS Đào Trọng Thi: Không mất niềm tin mới lạ

Không thể cào bằng theo một kiểu đào tạo, một chất lượng cho nhiều loại nhu cầu và khả năng đáp ứng khác nhau của các gia đình có con em theo học. Với cấp đào tạo ĐH, đào tạo chất lượng cao, học phí cao là phù hợp với nhu cầu hiện nay của xã hội, vấn đề là làm sao phải đảm bảo chất lượng thật sự xứng đáng với học phí ấy. Suốt thời gian dài cứ hô hào tăng học phí bằng mọi giá, trong khi chất lượng giáo dục xuống cấp không ai chịu trách nhiệm, xã hội không kêu ca, mất niềm tin mới là chuyện lạ.

__________

Tin bài liên quan:

Để đảm bảo công bằng xã hộiPhải chẩn đoán đúng bệnhCốt yếu vẫn là đổi mới chương trìnhTừ “nơi dạy của thầy” sang “nơi học của trò”Bắt đầu từ những cái gần gũi nhấtĐổi mới giáo dục từ “yêu gia đình”Đọc sách cho vui hay để thay đổi?Cần một cuộc chấn hưng giáo dục“Sách giáo khoa” của TP.HCM: Nhiều chuyên gia tán thành cách làmGiáo viên phải biết xây dựng bài giảng

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên