"Sách giáo khoa" của TP.HCM: Nhiều chuyên gia tán thành cách làm

VĨNH HÀ - H.HG ghi
VĨNH HÀ - H.HG ghi

TT - Nhiều chuyên gia đã có ý kiến sau bài viết Thích thú với “sách giáo khoa” của TP.HCM. Tuổi Trẻ xin giới thiệu.

Qu30WZp8.jpgPhóng to
Học sinh lớp 6 Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM ) trong giờ học với Tài liệu dạy - học vật lý 6 - Ảnh: Như Hùng

* GS Đinh Quang Báo(thành viên ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015):

“Tôi ủng hộ”

Việc coi “SGK là pháp lệnh” áp dụng cứng nhắc theo kiểu dạy hết, dạy đúng y nguyên những gì SGK viết là quan điểm dạy học lạc hậu. Trên thực tế, Bộ GD-ĐT hiện nay vẫn chỉ quản lý mục tiêu, chương trình giáo dục, chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương quản lý, đánh giá việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chứ không theo SGK. Vì thế, về khía cạnh lý luận dạy học, tôi cho rằng các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đều có thể căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành để tự biên soạn tài liệu giảng dạy.

Việc này đối với một số giáo viên thì xa lạ. Nhưng những giáo viên giỏi họ đều thấy là việc hiệu quả. Trên thực tế hiện nay, nhiều thầy cô giáo đã tự dạy học sinh theo thiết kế bài giảng riêng, theo đó học sinh trình độ nào dạy theo bài giảng đó. Học sinh có định hướng thi ĐH hay chỉ học cơ bản, tùy mục đích, động cơ học tập giáo viên cũng có thiết kế bài giảng phù hợp. SGK với nhiều thầy cô, nhiều học sinh có khả năng chủ động học tập hiện nay cũng chỉ là tài liệu tham khảo trong nhiều tài liệu khác. Vì thế, tôi nghĩ không nên nặng nề việc trường này thầy kia có dùng SGK không hay dùng tài liệu tham khảo. Thầy cô giáo, các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng dạy học, về sản phẩm giáo dục của mình. Còn học sinh, phụ huynh cũng có thể kiểm nghiệm việc sử dụng tài liệu qua nhận thức ở từng bài học của học sinh.

Việc sử dụng tài liệu nào mà cả thầy và trò đều chấp nhận được, thấy hiệu quả, không đi chệch ra ngoài mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT thì nên ủng hộ. Cá nhân tôi ủng hộ cách làm của TP.HCM trong việc thí điểm sử dụng một tài liệu dạy học khác.

* PGS Văn Như Cương(hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, tác giả viết SGK môn toán THPT hiện hành):

Phải sửa luật

Theo Luật giáo dục hiện nay, cả nước chỉ có một chương trình - một bộ SGK thống nhất. Xu hướng thực hiện “Một chương trình, nhiều bộ SGK” rất tốt, đã có nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ. Ở nước ngoài, người ta cũng đi theo hướng này. Không chỉ có nhiều bộ SGK mà rất nhiều tài liệu giảng dạy mà thầy, cô giáo được phép tham khảo, sử dụng trong việc dạy học. Thậm chí những thầy, cô giáo giỏi, họ tự thiết kế tài liệu giảng dạy riêng cho mình, không cần bắt buộc sử dụng SGK nào. Học sinh học theo thiết kế của thầy, cũng không nhất thiết phải theo sách nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn chuyển hướng theo cách này thì trước hết phải sửa luật. Ngoài việc luật phải cho phép có nhiều bộ SGK, Bộ GD-ĐT cũng cần có những thay đổi trong các quy định về quản lý để các nhà trường, để từng giáo viên có thể linh hoạt trong việc sử dụng tài liệu, xây dựng chương trình dạy học riêng.

TP.HCM áp dụng tài liệu dạy học vật lý, theo thông tin từ công luận tôi hiểu là tài liệu đó được coi như cuốn SGK thứ hai, thay thế cuốn SGK hiện hành. Nếu chỉ đạo “thay thế SGK hiện hành” thì tôi e việc này phạm luật. Nhưng nếu đó chỉ là tài liệu dạy học, trên cơ sở chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng, có thể sử dụng song song với cuốn SGK duy nhất hiện nay thì đứng ở khía cạnh quy định pháp luật, sẽ không bị vướng.

* TS Huỳnh Công Minh(nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Nhu cầu có thật

Qua thực tế cho thấy việc học cần phải có một cách diễn đạt về khoa học phù hợp với ngôn ngữ của các em. Nội dung chương trình của các môn khoa học rất nặng nề, đòi hỏi phải làm sao đáp ứng được yêu cầu gần gũi, thích thú của học sinh để việc học tập dễ dàng hơn. Hơn nữa năng lực giáo viên không thể hiện đồng đều, nên có một tài liệu thống nhất như thế này sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo một cách dễ dàng. Đó là nhu cầu có thật mà trường học đòi hỏi trong nhiều năm, cho nên tập thể sư phạm của Sở GD - ĐT TP.HCM mới biên soạn đáp ứng nhu cầu cần thiết của thầy trò. Và sau một thời gian thực hiện hữu ích nên sở đã phối hợp với NXB Giáo Dục để in và phổ biến. Đây là công việc bình thường của những người làm công tác chuyên môn, không phải là sáng kiến của riêng ai.

TP.HCM đã thành lập một hội đồng chuyên môn bao gồm những người có năng lực và uy tín để phụ trách tất cả các bộ môn ở các bậc học gần 200 người, đây là lực lượng nòng cốt để biên soạn bộ tài liệu nói trên. Tiến trình thực hiện chúng tôi làm từng bước tùy theo năng lực của từng bộ phận, rất may là khi tiến hành đến đâu thì được sự ủng hộ của giáo viên và học sinh đến đó. Theo phản ảnh chung thì học sinh rất thích thú với bộ tài liệu có hình ảnh và cách diễn đạt rất sát hợp và dễ hiểu.

Khó khăn nhất là lực lượng và kinh phí thực hiện. Về lực lượng thực hiện, có những giáo viên có đầy đủ điều kiện về năng lực, về phẩm chất nhưng họ phải bươn chải vì cuộc sống (phải dạy thêm, tăng thêm cường độ lao động khi dạy vì họ là những người nòng cốt ở các trường)... nên thời gian dành để thực hiện công trình này có khó khăn. Khi thực hiện xong, in ấn và phát hành cũng cần có kinh phí nên có môn làm trước có môn làm sau, chưa thể tiến hành một cách đồng bộ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Xem người Phần Lan làm sách giáo khoaThích thú với “sách giáo khoa” của TP.HCMNXB Giáo Dục tiếp thu ý kiến đóng góp Câu chuyện về một bộ sách giáo khoa“Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

VĨNH HÀ - H.HG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên