18/10/2013 06:35 GMT+7

NXB Giáo Dục tiếp thu ý kiến đóng góp

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - “Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục xin cảm ơn những góp ý mang tính đóng góp để chúng tôi khắc phục những nhược điểm, nâng cao hơn chất lượng sách giáo khoa (SGK)”.

Ông Nguyễn Văn Tùng (phó tổng biên tập NXB Giáo Dục):

Không viết hoa để trẻ không bị rối

Việc không viết hoa từ bài 1-27, các nhà soạn sách đã có những nghiên cứu cụ thể về tâm lý, nhận thức của trẻ lần đầu tiếp xúc với chữ viết. Việc không viết hoa ngay những bài đầu nhằm mục đích để trẻ không bị rối, dễ hiểu, dễ học. Khi bắt đầu học viết hoa, những quy định về trường hợp viết hoa đã được hướng dẫn trong sách giáo viên. Giáo viên có trách nhiệm dạy kỹ cho học sinh.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo Dục, sau loạt bài “Sạn trong SGK Tiếng Việt lớp 1, tập 1”. Ông Tùng đề nghị: Nếu trong quá trình sử dụng SGK, sách giáo viên, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh có ý kiến góp ý thêm về các từ khó, phương ngữ chưa được chú giải rõ thì NXB Giáo Dục sẽ xin tiếp thu, điều chỉnh hoặc bổ sung việc giải nghĩa, chú giải từ ngữ trong sách giáo viên.

* Hình như việc sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật làm ngữ liệu trong SGK chỉ căn cứ vào các bản đã in trước đó. Vì sao NXB không liên hệ trực tiếp với các tác giả để xác minh tính chính xác của tác phẩm? Trong trường hợp có nhiều bản in khác nhau đối với một tác phẩm văn học nhưng không thể liên hệ được với tác giả thì NXB lựa chọn như thế nào?

- Vào thời điểm biên soạn SGK trước đây, việc liên hệ trực tiếp với tác giả có tác phẩm được chọn trích dẫn trong SGK đã được các nhà biên soạn thực hiện, nhưng do yếu tố khách quan không liên hệ được, thời gian biên soạn sách không cho phép kéo dài nên có những trường hợp người biên soạn không liên hệ trực tiếp được mà chỉ dựa trên những bản in đã có.

Trong trường hợp SGK Tiếng Việt lớp 1, việc trích dẫn thường chỉ 1-2 câu, được lấy từ nhiều văn bản của hàng chục nhà văn, nhà thơ nên việc liên hệ trực tiếp với tác giả càng khó khăn. Hơn nữa, mục đích của việc đưa ngữ liệu vào SGK Tiếng Việt 1 là để học sinh tập đọc, nhận biết chữ viết (không phải để hiểu toàn vẹn tác phẩm, cảm thụ văn học) nên trong trường hợp có những văn bản in cùng một tác phẩm nhưng nội dung có câu từ, chi tiết khác nhau, người biên soạn sẽ chọn văn bản có câu từ, đoạn văn dễ hiểu, phù hợp với mức hiểu biết, mục đích dạy trẻ học chữ.

Trường hợp bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi biên soạn các tác giả SGK đã cân nhắc, tham khảo trên một số bản in khác nhau. Trong các cuốn sách đã in vào thời điểm biên soạn SGK có các cuốn Những bài thơ em yêu (Phạm Hồ - Nguyễn Nghiệp tuyển chọn, NXB Giáo Dục 1997), Thơ thiếu nhi chọn lọc (Định Hải, Xuân Dục, Minh Phúc tuyển chọn, NXB Thanh Niên, 1999), Thơ VN thế kỷ XX (Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương tuyển chọn và giới thiệu năm 2004), Văn học thiếu nhi tập hai (Nguyên An, Định Hải tuyển chọn, NXB Từ Điển Bách Khoa 2004)... đã tồn tại hai cách viết “Tuổi thơ con thả trên đồng” và “Chiều chiều con thả trên đồng”. Trong trường hợp này, tác giả biên soạn đã chọn phương án lấy bản in “chiều chiều” phù hợp với cách cảm, cách hiểu của trẻ lớp 1.

* Vậy nếu tác giả có tác phẩm được trích dẫn lên tiếng về việc NXB trích dẫn sai tác phẩm của họ, NXB có sửa chữa vào lần tái bản không? Với những quy định pháp luật về bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật hiện hành, NXB Giáo Dục sẽ có những điều chỉnh gì cho việc biên soạn SGK trong tương lai?

- Đối với riêng trường hợp nhà thơ Đỗ Trung Quân khi ông cho biết câu thơ trích dẫn trong sách Tiếng Việt 1 in sai so với bản gốc, NXB Giáo Dục xin được tiếp thu góp ý của nhà thơ và của bạn đọc trên các số báo Tuổi Trẻ gần đây. Chúng tôi sẽ bổ sung thông tin về việc tồn tại hai cách viết “Tuổi thơ” và “Chiều chiều” cũng như thông tin về nguồn dẫn nêu trên trong sách giáo viên tiếng Việt lớp 1 để các thầy cô giáo có thêm tư liệu trong quá trình giảng dạy.

Từ thực tế này, NXB Giáo Dục cũng rút kinh nghiệm trong làm việc với các tác giả SGK sau này để khi chọn ngữ liệu cho SGK cố gắng liên hệ trực tiếp với tác giả có tác phẩm trích dẫn. Trường hợp không thể liên hệ được, chúng tôi sẽ lưu ý các nhà biên soạn phải lựa chọn văn bản từ những cuốn sách đáng tin cậy và dẫn nguồn rõ ràng trong SGK hoặc sách giáo viên.

Cắt xén, sửa chữa mà không xuyên tạc tác phẩm được không?

Trước nay chúng ta dường như chỉ quen với khái niệm xâm phạm quyền tác giả là sử dụng hoặc sao chép tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả (trừ những trường hợp ngoại lệ). Những xâm phạm loại này chủ yếu gây tổn hại đến quyền tài sản. Quyền nhân thân, một trong hai nội dung quyền tác giả, vẫn chưa được chú ý để được bảo vệ.

Nếu quyền tài sản cho phép người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hoặc người giữ quyền tác giả được hưởng những lợi ích kinh tế từ việc công bố - đưa những sáng tạo tinh thần trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học đến cho công chúng hưởng thụ, thì quyền nhân thân cho phép tác giả bảo đảm những mong muốn về mặt tinh thần đối với tác phẩm được thực hiện. Nói cách khác, quyền nhân thân cho phép tác giả đòi hỏi được công nhận là người sáng tạo ra tác phẩm. Theo đó có quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên tác giả, công bố tác phẩm và đòi hỏi bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Pháp luật sở hữu trí tuệ VN quy định tại điều 19 khoản 4 và 28 khoản 5 về sự toàn vẹn tác phẩm, tức là quyền không cho người khác “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Đã có người hỏi rằng: “Nếu cắt xén, sửa chữa mà không xuyên tạc, không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì có xâm phạm quyền tác giả không?”. Thật ra, hành vi cắt xén và sửa chữa tác phẩm không được phép tác giả chính là đã xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm và như vậy đã xâm phạm quyền nhân thân - một nội dung quyền tác giả - tức là xâm phạm quyền tác giả. Quy định của pháp luật về vấn đề này rõ ràng hơn nếu căn cứ quy định tại điều 738-2-d Bộ luật dân sự: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm”.

NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (tiến sĩ, giảng viên ĐH Luật TP.HCM)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không thể “sửa thơ” khi đưa vào sách giáo khoa“Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1“Sạn” trong sách giáo khoa: nhặt ngay kẻo hỏng học trò!Thổi xôi là gì?Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì?“Sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1: NXB Giáo dục tùy tiện "chữa cháy"?

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên