11/10/2013 14:21 GMT+7

"Sạn" trong sách giáo khoa: nhặt ngay kẻo hỏng học trò!

LỆ CHI
LỆ CHI

TTO - Câu chuyện “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Tuổi Trẻ 11-10) khiến nhiều bạn đọc lo lắng. Hầu hết ý kiến cho rằng cần sửa ngay những sai sót trong cuốn sách này cũng như rà soát những sách giáo khoa khác.

Các bạn đọc là phụ huynh cũng chỉ ra thêm những lỗi trong sách, không chỉ làm khó trẻ mà còn đánh đố cả phụ huynh khi học cùng con.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

PWekX2x6.jpgPhóng to
Trích dẫn không chính xác, viết hoa tùy tiện - Ảnh: Như Hùng - chụp từ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1, NXB Giáo Dục 2003

Phụ huynh còn không hiểu, huống hồ con em

Đọc báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã ra cách nay hai tuần, tình cờ tôi mới phát hiện rằng hiện nay có một số địa phương sử dụng bộ sách Tiếng Việt của giáo sư Hồ Ngọc Đại vì họ cho rằng bộ sách Tiếng Việt của Bộ Giáo dục - Đào tạo xuất bản đã 10 năm rồi nhưng khi áp dụng dạy học thì học sinh học không được.

Con tôi cũng đang học lớp 1 với bộ sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo và tôi cũng rất đồng tình với người viết bài báo bài báo “Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 về những hạt sạn mà tác giả đã chỉ ra. Trong sách có rất nhiều từ mà ngay cả tôi còn cảm thấy khó hiểu, câu chữ thì cộc lốc, có nhiều nội dung mang tính đánh đố, ngay cả người lớn cũng thấy khó huống chi trẻ em.

Ngay cả cách đánh vần tôi thấy cũng thấy rất khó hiểu, ví dụ từ "Vân" con tối đánh vần là : v - ân - vân. Tôi nhớ ngày xưa khi học, cô giáo dạy là: â - n - ân - v - ân - vân. Không biết cách nào chính xác? Hay là bây giờ cải cách rồi người ta mới dạy như thế?

Sách sai đánh đố cả phụ huynh

Đúng như bài báo “Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tôi cũng thật sự khó giải thích cho bé khi gặp những trường hợp này. Sách giáo khoa lớp 1 không phân biệt rõ đâu là danh từ chung, đâu là danh từ riêng do lối viết hoa tùy tiện.

Người ta nói "nét chữ nết người", vậy mà chương trình luyện viết lớp 2 bắt các em phải viết hai nét chữ vừa đứng vừa nghiêng. Đối với người lớn còn thấy khó huống chi là các em. Thử hỏi có ai muốn cho con em mình tồn tại nhiều tính cách trái ngược nhau?

Còn nhiều sai sót tồn tại trong chương trình giáo dục tiểu học. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục - Đào tạo nên sớm có những nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp kẻo hỏng thêm nhiều thế hệ con người.

Thấy sai mà chẳng biết nói với ai

Mấy hôm trước lúc dạy con học bài, tôi tranh thủ đọc sách của con và phát hiện lỗi sai trong bài thơ Quê hương nhưng biết nói với ai. Con còn nhỏ dạy khác đi thì con nói trong sách dạy như vậy, không được đọc sai.

Để con trẻ giữ lấy tiếng Việt

Báo chí luôn đưa tin về sách giáo khoa cấp một luôn sai chính tả, câu từ không đúng. Vậy các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là những người biên soạn sách phải có trách nhiệm khắc phục ngay những sai sót này. Thế hệ đàn em sẽ khó có thể giữ được nét đẹp trong ngôn ngữ Việt nếu cứ để những người này tiếp tục làm sai và "khắc phục"!

Sai từ sách đến cách giảng dạy

Con mình hiện nay học lớp 2, những lỗi sách giáo khoa được báo Tuổi Trẻ nêu chỉ mới một phần của vấn đề giáo dục, chứ cách giảng dạy còn khủng khiếp hơn vì vừa khuôn mẫu vừa khó hiểu đối với trẻ nhỏ, lứa tuổi đang dần hoàn thiện nhận thức cuộc sống qua sách vở, lời thầy cô giảng dạy.

Chương trình sách Tiếng Việt lớp 2 thì các bé bắt đầu học những đoạn văn, đoạn thơ và tìm hiểu nội dung của nó, sau mỗi bài có các câu hỏi gợi cho các bé nhận thức nội dung bài và trả lời. Mình ở nhà khi giảng dạy cho bé hiểu nội dung và cách trả lời bằng lời văn, lời nói của chính bé thì khi đi học cô giáo dạy phải trả lời các câu hỏi đó bằng cách đọc chính xác từng chữ từng dấu chấm phẩy theo nội dung từng đoạn văn, khổ thơ... Thật bó tay! Đúng ra là phải dạy các bé cách hiểu và trả lời bằng suy nghĩ của chính mình.

Phải giúp trẻ thấy sự phong phú của tiếng Việt

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi có nghe thầy cô kể về những người nước ngoài học tiếng Việt Nam rất khó và phải thốt lên "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Vì vậy các nhà viết sách giá khoa, nhất là sách giáo khoa lớp 1 cần phải cho học sinh thấy được sự phong phú của tiếng Việt. Hình và chữ luôn đi đôi và phản ánh chính xác với nhau. Có như vậy các em mới dễ học và dễ nhớ.

LỆ CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên