Câu chuyện về một bộ sách giáo khoa

THƯ HIÊN 01/10/2013 20:10 GMT+7

TTCT - Câu chuyện từ một bộ sách đã trải qua 35 năm thăng trầm không chỉ có ý nghĩa với bản thân tác giả bộ sách, mà còn là một bài học đầy thấm thía cho những nhà hoạch định chính sách GD-ĐT nước nhà...

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai và bộ sách Công nghệ giáo dục

Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, từng chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Sau chiến tranh cho đến năm 1990 là giai đoạn đời sống kinh tế - xã hội ở Lào Cai đặc biệt khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.

“Sau sự kiện 17-2-1979, cơ sở giáo dục ở Lào Cai gần như không còn gì. Khi tái lập tỉnh (tháng 10-1991), tỉnh không có trường sư phạm, không có trường dân tộc nội trú, 14 xã trắng trường lớp học.

Hầu hết xã vùng cao không có cấp tiểu học hoàn chỉnh, nghĩa là không có tới lớp 5, thậm chí nhiều nơi không có cả lớp 4. Cả tỉnh chỉ khoảng 1/3 trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học. Vậy mà chúng tôi phải làm một nhiệm vụ vô cùng nan giải hồi ấy là phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ” - ông Trương Kim Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, nhớ lại.

Phổ cập tiểu học, xóa mù chữ nhờ có nhiều bộ sách giáo khoa

Trầy trật mãi, tháng 5-2000 Lào Cai mới đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, là một trong những tỉnh cuối cùng của cả nước chạm đích phổ cập. Cũng như hầu hết tỉnh còn khó khăn về giáo dục hồi đó, Lào Cai chủ trương áp dụng một cơ chế phổ cập - xóa mù chữ hết sức linh hoạt, theo kiểu “ai có gậy dùng gậy, ai có mai dùng mai”.

Hồi ấy Lào Cai cùng một lúc dùng nhiều chương trình, nhiều bộ sách khác nhau. Ngoài bộ sách giáo khoa (SGK) cải cách (biên soạn từ năm 1981) còn có bộ SGK công nghệ giáo dục (viết tắt là CGD) của GS Hồ Ngọc Đại. Ngoài ra Lào Cai còn ứng dụng các chương trình 120 tuần, 100 tuần.

“Chúng tôi có hơn 74% là người dân tộc thiểu số, nếu cứ bắt các cháu học cùng chương trình với các cháu người Kinh thì khả năng năm 2000 đạt chuẩn phổ cập tiểu học và xóa mù chữ là không thể thực hiện được. Sau khi các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc lên nghiên cứu khoảng năm năm ở xã Xín Chéng, Simacai, Lào Cai về thì Bộ GD-ĐT phê duyệt chương trình 120 tuần. Chương trình được rút gọn, bỏ bớt những nội dung không cần thiết với học sinh dân tộc thiểu số, tập trung vào kỹ năng tiếng Việt và toán” - ông Minh kể.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, cũng xác nhận: “Năm 1981, khi bắt đầu thực hiện chương trình cải cách giáo dục ở cấp tiểu học, chúng ta chỉ có một bộ sách (nếu không tính bộ CGD của GS Hồ Ngọc Đại lúc đó chỉ dùng ở Trường Thực nghiệm). Nhưng qua thực tiễn nhiều nơi giáo viên và học sinh không dạy học được từ một bộ sách đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn và cho sử dụng bốn bộ SGK tương ứng các đối tượng học tập khác nhau.

Sách 165 tuần dạy học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội bình thường; sách 100 tuần dạy cho trẻ lang thang cơ nhỡ, vừa đi học vừa kiếm sống; sách 120 tuần dành cho học sinh miền núi; sách theo chương trình CGD của GS Hồ Ngọc Đại. Sở dĩ thập niên 1990 chúng ta đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhờ đa dạng hóa các loại hình, phương thức dạy học, đa dạng hóa SGK”.

 Lớp cháu có 24 bạn, trong đó 10 bạn dân tộc Dao, 4 bạn dân tộc Giáy. Các bạn dân tộc nói tiếng Việt rất giỏi. Bạn Giềng Ngọc Ly năm ngoái tham gia thi viết chữ đẹp của trường được giải ba. Còn cháu năm ngoái được giải nhì cuộc thi chữ đẹp tỉnh Lào Cai”.

Em Nguyễn Hồng Ngọc (học sinh lớp 5A Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai)

Bước thụt lùi

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đến nay ta đã trải qua bốn lần thay SGK. Việc thay sách ba lần trước gắn với công cuộc cải cách giáo dục. Lần thứ tư thì không có cải cách mà chỉ là đổi mới chương trình.

“Lần cải cách thứ nhất là năm 1950, trong kháng chiến chống Pháp. Lần thứ hai là năm 1956 sau khi giải phóng miền Bắc, chúng ta tiến hành cải cách giáo dục để thống nhất lại nền giáo dục trong kháng chiến với nền giáo dục trong vùng bị tạm chiếm. Chúng ta xây dựng nền giáo dục phổ thông 10 năm thay vì 9 năm như thời kháng chiến. Năm 1979 chúng ta lại tiến hành một cuộc cải cách giáo dục mới, thống nhất lại nền giáo dục chung cho cả đất nước, thực hiện hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Đến năm 2002 ta chỉ thay đổi chương trình và SGK thông thường chứ không phải cải cách giáo dục” - ông cho biết.

Cũng theo GS Thuyết, so với những lần trước đây thì lần đổi mới SGK năm 2002 là “bài bản nhất”. Những lần trước đây không hề có quyết định của Quốc hội hay Chính phủ, cũng không có bất kỳ chương trình nào được thông qua bởi các quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Các nhà khoa học, nhà giáo vừa viết sách vừa hình thành chương trình giáo dục.

Còn năm 2002, ngành giáo dục xây dựng chương trình trước, biên soạn tài liệu dạy thử nghiệm bốn năm mới hoàn thành chương trình, rồi mới làm SGK chính thức. Nếu tính cả người viết sách, người thẩm định của cả ba cấp thì có tới 500 nhà khoa học tham gia biên soạn, thẩm định SGK.

Tuy nhiên bộ sách được xem là công phu đó đã khiến nhiều lãnh đạo ngành GD-ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc đau đầu khi nghĩ cách duy trì được kết quả phổ cập - xóa mù chữ.

“SGK Tiếng Việt chương trình 2000 là viết cho người Kinh, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của các em. Còn học sinh của chúng tôi là người dân tộc thiểu số, tiếng mẹ đẻ của các em không phải là tiếng Việt. Làm sao để các em nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt tốt thì mới không bị rơi vào nguy cơ tái mù chữ. Tôi bỗng nhớ ra là những năm 1990 có bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại. Lúc đó cả nước chỉ dùng thống nhất một bộ SGK nên không ai dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại nữa. Nhưng Lào Cai vẫn quyết định dùng” - ông Minh kể lại.

Còn ông Nguyễn Anh Ninh, người kế nhiệm ông Minh làm giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, cho biết: “Ban đầu chúng tôi đưa Tiếng Việt CGD vào bốn huyện Mường Khương, Simacai, Bảo Yên, Bảo Thắng, không ngờ thay đổi hẳn chất lượng môn tiếng Việt ở tiểu học. Rõ ràng giải pháp này đã giải quyết được một vấn đề rất quan trọng trong giáo dục tiểu học ở Lào Cai. Ở vùng cao, không giải quyết được vấn đề tiếng Việt thì đừng nói gì đến việc chất lượng giáo dục tiểu học!”.

Ông Minh thẳng thắn đánh giá việc năm 2002 cả nước chỉ sử dụng thống nhất một chương trình - một bộ SGK là bước thụt lùi về tư duy giáo dục.

Việc thay SGK không phải vì bộ này tốt hơn bộ kia mà đơn giản là để thực hiện nhiệm vụ chính trị: “Về căn bản chúng ta không theo kịp xu thế của tư tưởng giáo dục cho mọi người mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang thực hiện. Ở những nước tiên tiến, Bộ giáo dục của họ chỉ đưa ra chương trình khung, thậm chí chương trình cụ thể sẽ do từng vùng miền khảo nghiệm và lựa chọn. Ngoài chương trình bắt buộc, họ còn tăng cường chương trình tự chọn. Một nền giáo dục mà số môn tự chọn càng cao càng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của từng cá nhân học sinh”.

Năm 2001, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào từ chức vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học để phản đối việc Bộ GD-ĐT quyết định triển khai đại trà chương trình 2000.

Theo ông, bộ SGK cải cách năm 1981 không phải là một bộ sách tốt. Ông Hào lý giải ông chỉ nêu và cảnh báo những bất cập để cuộc đổi mới của Bộ GD-ĐT không lặp lại vết xe đổ của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba vào năm 1981, vốn đã để lại nhiều bài học đắt giá do thiếu một tổng chỉ huy, thiếu một kế hoạch thiết kế chương trình ngay từ đầu nên nhiều cuốn SGK được viết theo ý tác giả và đã khiến học sinh bị quá tải.

Đặc biệt, việc chỉ đạo cả nước chỉ dùng một bộ SGK đã làm nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa không thể học tập đạt kết quả, dẫn đến tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học nhiều... Về sau ngành GD-ĐT đã thực hiện điều chỉnh cải cách giáo dục bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành và cho phép thực hiện nhiều chương trình cùng lúc để đáp ứng từng đối tượng.

“Có thể nói sau 20 năm vừa điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung thì đến tận năm 2000, chương trình và SGK bậc tiểu học mới bắt đầu ổn định và bước đầu cải thiện về chất lượng. Nhưng 2000-2001 cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giảm tải thì bộ lại chủ trương bỏ tất cả chương trình hiện hành để triển khai một chương trình mới với rất nhiều bất cập” - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào nhận xét.

Bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại

Sự hồi sinh của một bộ SGK

Không nhiều người biết bộ SGK “cứu” chất lượng dạy học môn tiếng Việt ở Lào Cai mà nhà giáo Trương Kim Minh và ông Nguyễn Anh Ninh nhắc đến ở trên có một số phận trầm luân trong 35 năm qua. Tác giả của bộ sách là GS Hồ Ngọc Đại, nguyên giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục, Bộ GD-ĐT.

GS Hồ Ngọc Đại kể: “Tôi sang Nga từ cuối năm 1968 để nghiên cứu tâm lý giáo dục bằng thực nghiệm. Về nước năm 1977 thì năm 1978 tôi mở Trường Thực nghiệm ở Hà Nội. Suy nghĩ của tôi lúc ấy là phải làm sao để trẻ con Việt Nam tiếp cận với thành tựu cuối cùng đã được xác lập, đã được khoa học công nhận. 

Thời điểm đó, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam tổ chức tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm, tài liệu này được làm giáo trình chính thức cho sinh viên năm 3 chuyên ngành ngôn ngữ Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tôi đã sử dụng thành tựu nghiên cứu đó để đưa vào SGK dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1. Chuyên môn của tôi là tâm lý giáo dục, không phải là ngôn ngữ học nên ban đầu tôi có nhờ một số cộng sự về ngôn ngữ biên soạn sách. Vì sách chưa đạt yêu cầu nên cuối cùng tôi phải tự biên soạn lấy”.

Với môn tiếng Việt lớp 1, GS Hồ Ngọc Đại đặt ra ba mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù. Đọc thông viết thạo nghĩa là “nghe được, nhắc lại được, viết ra được và đọc được”. Nhưng trong suốt tám năm đầu giai đoạn thực nghiệm, chương trình tiếng Việt CGD chỉ được ứng dụng tại Trường Thực nghiệm. Năm 1986, sự thất bại của chương trình cải cách giáo dục khiến chương trình CGD vượt khỏi phạm vi thực nghiệm.

Trước kết quả học tiếng Việt quá tệ của cả nước hồi đó (có năm có tới 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh), Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.

GS Hồ Ngọc Đại kể: “Phản hồi từ các giám đốc sở hồi ấy với bộ sách khá tích cực, nhưng nhiều người còn ngại vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của địa phương. Lần ấy tôi gặp vị bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, ông ấy hỏi tôi về ưu điểm của phương pháp CGD. Tôi trả lời nếu học theo phương pháp của tôi, học sinh có thể đọc được một phút 60 chữ trong khi phương pháp hiện thời là một phút 25 chữ mà học sinh vẫn không học nổi, non một nửa số em lưu ban.

Ông ấy nói vui: “Tôi không cần một phút 60 chữ. Tôi chỉ cần một chữ 60 phút nhưng chữ nào cũng phải đọc được” và giải thích cháu ông ấy học hết lớp 1 nhưng không đánh vần nổi chữ “Nhân dân” trên tờ báo ông ấy vẫn đọc hằng ngày do trong SGK không có hai chữ đó. Chuyện vui nhưng phản ánh một thực tế là học trò của chúng ta vẫn được dạy học theo kiểu học vẹt, chữ nào có hình dạng giống như trong SGK thì mới “đọc” được”.

Ban đầu 12 tỉnh tham gia. Hơn chục năm sau số tỉnh tham gia chương trình CGD là 43. Thầy Nguyễn Đức Trường, nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở thị trấn Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cho biết: “Hồi ấy tất cả các trường tiểu học của Phúc Yên đều tham gia dạy chương trình CGD. Trường tôi còn là trường được ghi hình các tiết dạy để làm mẫu. Qua trải nghiệm thực tế chúng tôi thấy rõ hiệu quả của chương trình tiếng Việt 1 CGD. Học sinh nắm luật chính tả rất tốt, trong khi chương trình bình thường thì các em học mãi vẫn không nắm chắc được. Nhưng môn toán thì nhìn chung là khó dạy vì nhiều vấn đề trừu tượng bác Đại đưa vào sớm quá”.

Tuy nhiên, năm 2002, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai việc đổi mới chương trình và chỉ cho phép sử dụng một bộ SGK duy nhất do bộ tổ chức biên soạn.

Việc Lào Cai quyết định thử nghiệm việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số của mình bằng sách của GS Hồ Ngọc Đại đã tạo cơ hội để cuốn sách thể hiện được giá trị của mình. Điều để hai bên gặp nhau là nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X về đổi mới chương trình - SGK.

“Hôm ấy tôi làm việc với Tỉnh ủy Lào Cai, tiếp tôi là anh Sùng Chúng, phó bí thư thường trực kiêm chủ tịch HĐND tỉnh. Anh ấy rất quan tâm việc tôi hứa sẽ dạy cho con em các dân tộc Lào Cai đọc thông viết thạo tiếng Việt chỉ sau một năm. Khi tôi bày tỏ lo ngại về việc Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục, trong đó quy định cả nước thống nhất dùng một bộ SGK thì anh Sùng Chúng hỏi: Con em của Quốc hội hay con em của chúng tôi?” - GS Hồ Ngọc Đại nhớ lại.

Sau khi Lào Cai thí điểm thành công sử dụng sách tiếng Việt 1 CGD của GS Hồ Ngọc Đại, năm 2008 Bộ GD-ĐT đã cho phép năm địa phương khác thí điểm: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Số tỉnh sử dụng tiếng Việt 1 CGD tăng dần. Năm ngoái, hai tỉnh đồng bằng và có mặt bằng giáo dục phổ thông cao bậc nhất là Nam Định và Hải Dương cũng dùng bộ sách này. Năm học này, 37 tỉnh thành dùng sách tiếng Việt 1 CGD.

“Khi chương trình của tôi phải ngừng lại nhường chỗ cho chương trình 2002, tôi tin rằng bộ sách của mình “thất thế” không phải về mặt khoa học mà là do những toan tính vụ lợi, mà đã vụ lợi thì một lúc nào đó sẽ hết lợi, bộ sách của tôi sẽ được ghi nhận. Sự thật đã là như thế” - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, thực tế đã xác quyết cho việc biên soạn, áp dụng SGK linh hoạt trong các trường học mà mục tiêu cao nhất là giúp mọi học sinh có thể học được và học tốt. Vì thế, một quyết định cởi mở thật sự trong vấn đề này là điều cần làm sớm và làm thực chất.

Cần nhắc lại là, điều 29 Luật giáo dục quy định: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt SGK để sử dụng chính thức ổn định, thống nhất giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và SGK.

“Như vậy luật chỉ yêu cầu SGK được dùng trên cả nước là thống nhất chứ không phải duy nhất” - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào nói.

 Tôi dạy tiếng Việt 1 CGD từ năm 2009. Học sinh của tôi nghe hiểu rất nhanh, nói thành câu rõ ràng tự tin, nhiều em đọc lưu loát, khi viết thì nắm chắc luật chính tả, viết chữ rất đẹp. Các em cũng hiểu rõ ngữ âm tiếng Việt, cảm nhận nó rất rõ ràng, được thảo luận nhiều nên không khí lớp học rất tích cực. Cá nhân tôi khi dạy cũng rất hứng thú mà không phải giảng nhiều như chương trình hiện hành”.

Nguyễn Thị Hằng (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận