Đình Phú Nhuận, một trong những ngôi đình tiêu biểu cho đình Nam bộ với kiểu nhà xếp đọi, hiện ở trên đường Mai Văn Ngọc - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Đình Phú Nhuận ở số 18 Mai Văn Ngọc, P.10; được xây dựng khoảng năm 1818 (đến nay đã xấp xỉ 200 năm) ở xóm Kinh, sát kênh Nhiêu Lộc. Đến năm 1852, đình được xây lại trên địa điểm hiện nay. Ngày 29-11 năm Nhâm Tý (8-1-1893), vua Tự Đức ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng của đình.
Cùng với ngôi đình này, đất Phú Nhuận còn có nhiều lăng mộ của những công thần danh tướng thời vua chúa Nguyễn.
1. Trước hết đó là mộ Huỳnh ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh, hiện ở phường 12, Phú Nhuận. Lăng mộ xây dựng khoảng năm 1824-1825. Thời Gia Long tẩu quốc, ông là bộ tướng phò Nguyễn Ánh (Gia Long sau này). Gia Long lên ngôi 1802, phong ông làm Thần Sách tướng quân, Khâm sai Đô thống chế kiêm Hữu quân; bổ nhiệm làm phó tướng Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt.
Không chỉ là võ quan, ông còn là tay văn chương nổi tiếng; thường soạn tấu, chương, biểu (văn bản các quan gửi lên vua) cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt; ra tay khẩn hoang những vùng đất mới. Phải chăng vì vậy khu mộ ông được dựng trên đất mới Phú Nhuận, hiện nằm ở hẻm 120 Huỳnh Văn Bánh (Phú Nhuận). Mộ khá nhỏ nhưng mang đậm nét kiến trúc ông bà ta lúc ấy với tường rào dày và thấp, cột trụ hoa sen búp, văn bia lớn, cổng bán nguyệt.
Khu mộ danh tướng Phan Tấn Huỳnh - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Nếu nhân vật Huỳnh ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh ít ai biết thì Phú Nhuận có những lăng mộ khác mà nhân vật nổi tiếng lừng lẫy đất Gia Định xưa.
Đó là những khu lăng mộ khác của nhiều danh tướng nhà Nguyễn, cùng thời với danh tướng Lê Văn Duyệt và cùng lừng lẫy không kém và gần như cận kề khu Lăng Ông (Bà Chiểu).
2. Lăng Võ Tánh, danh tướng phò Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi Gia Long lên ngôi 1802. Cùng với Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp, ông được xếp vào "Gia Định tam hùng". (danh tướng của Nguyễn Ánh). Lăng hiện ở khu phố 6 (P.9).
Lăng có miếu thờ phía trước nhưng phần mộ chính đơn giản, bằng phẳng, hình chữ nhật. Nhưng nổi bật ở đó là là tấm bình phong ở sau mộ đắp hình một con hạc trắng, chân đỏ, mỏ đỏ, ngoái đầu nhìn lên trời, như cốt cách thanh tao của vị danh tướng theo phò Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và tuẫn tiết bằng cách tự thiêu ở thành Bình Định chỉ 1 năm trước khi Nguyễn Ánh định ngôi Gia Long 1802.
(Trước 1975, Sài Gòn - Gia Định có 2 con đường mang tên Võ Tánh: đường Võ Tánh của Đô thành Sài Gòn cũ hiện nay là một đoạn của đường Nguyễn Trãi; đoạn đi qua quận 1 từ Ngã 6 Phù Đổng đến đường Nguyễn Văn Cừ hiện nay. Đường Võ Tánh của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Hoàng Văn Thụ chạy qua quận Phú Nhuận và quậnTân Bình).
3. Một danh tướng khác, Long Vân hầu Trương Tấn Bửu vốn là “Ngũ hổ danh tướng” của Chúa Nguyễn Ánh (gồm Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương và Trương Tấn Bửu) cũng có lăng ở Phú Nhuận.
Khi Gia Long định ngôi, ông 2 lần làm phó Phó tổng trấn thành Gia Định thành (1812, 1821. Lăng vị phó tướng này hiện ở số 41 Nguyễn Thị Huỳnh ở P.8, Phú Nhuận; với nét kiến trúc theo kiểu “trúc cách”, tô đúc giống hình ngôi nhà bé bằng trúc, đại khái có hai mái; từ trước nhìn vào, nóc mộ như hình chữ A.
Đây là kiểu kiến trúc lăng mộ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 ở Nam bộ và có lẽ là kiểu kiến trúc lăng mộ này chỉ có duy nhất ở Sài Gòn.
(Trước 1985, TP.HCM có 2 con đường mang tên Trương Tấn Bửu: ở quận 6 - nay là đường Lê Quang Sung và ở tỉnh Gia Định cũ, nay là đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận).
4. Võ Di Nguy, vị thủy sư đô đốc của Nguyễn Ánh có lăng mộ ở số 19 Cô Giang, P.2. Phú Nhuận. Đó là vị tướng cầm toàn bộ lực lượng thủy quân thời chúa Nguyễn Ánh và tử trận trong trận thủy chiến ở cửa Thị Nại năm 1801, một trận thủy chiến "võ công đệ nhất" thời dựng nghiệp của nhà Nguyễn.
Sau trận thủy chiến, thi thể Võ Di Nguy được đưa về Gia Định chôn cất và được sắc phong "Tá mạng công thần, đặc tấn Thượng trụ quốc Thiếu bảo Quận công", thụy là Trung túc (trung thành và đầy vinh dự). Năm Gia Long thứ sáu 1807, Võ Di Nguy được nâng lên hàng nhất phẩm. Thời Minh Mạng 1824, ông được thờ ở Thế miếu.
(Trước 1985, TP.HCM có 2 con đường mang tên Võ Di Nguy ở quận 1 - nay là đường Hồ Tùng Mậu, và quận Phú Nhuận - nay là các con đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm và Nguyễn Oanh ở quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp - đường Võ Di Nguy cũ chạy từ cầu Kiệu đến cầu An Lộc).
Quanh phần mộ có nhiều “bi ký”, tức là bia ghi chép thơ văn ca ngợi vị danh tướng này.
Và trên "vùng đất 72 ngôi chùa" này, hiện còn ngôi chùa có lẽ cổ nhất nơi đây: chùa Phú Long, xây dựng đến nay gần 200 năm. Phú Long là tên gọi chính thức vì có người còn gọi là chùa Ông Chất, chùa làng Phú Nhuận, chùa Bà Cả Đành.
Chùa hiện nằm ở số 58 Huỳnh Văn Bánh, P.15, Phú Nhuận; do hòa thượng Thích Minh Chất xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ 19, đến nay trải qua bảy đời sư trụ trì với ba lần trùng tu lớn vào các năm 1945, 1954, 1998.
Chùa xây kiểu tứ trụ, mái ngói âm dương, các vì kèo, cột đều bằng gỗ, gồm: chính điện, tổ đường, tăng đường, trai đường. Ngôi chùa cổ thời Phú Nhuận khẩn hoang này hiện giữ một kho tàng cổ vật đồ sộ: 53 cổ vật bằng gỗ quý (38 tượng, 6 hoành phi, 9 đôi liễn đối) và nhiều vị Phật được tạc bằng đá trắng trong các lần trùng tu chùa.
Lăng Võ Tánh ở hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường |
Lăng Trương Tấn Bửu ở đường Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường |
Lăng Võ Di Nguy nằm trên đường Cô Giang, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường |
Cổng vô ngôi chùa cổ Phú Long - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Chùa cổ Phú Long trên đường Huỳnh Văn Bánh - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Đón đọc bài 3: Dấu Phú Nhuận xưa nhưng vẫn như mới đây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận