28/03/2013 10:45 GMT+7

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: chỉ 5% là công nghệ mới

CẦM VĂN KÌNH - HƯƠNG GIANG
CẦM VĂN KÌNH - HƯƠNG GIANG

TT - Ngày 27-3, tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại VN, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết chỉ 5% công nghệ vào VN là công nghệ mới.

IdyUZtmb.jpgPhóng to
Cần có giải pháp để chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM của Nidec - công ty đang có kế hoạch sản xuất robot tại VN - Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: V.Cường (Nguồn: Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT)

Theo báo cáo nhìn lại 25 năm FDI ở VN do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đào Quang Thu trình bày, “hiện VN mới thu hút được hơn 100 trên tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới” và hiện tỉ lệ vốn thực hiện so với vốn các doanh nghiệp FDI đăng ký mới khoảng 47,2%.

Một ngàn nhà đầu tư bỏ trốn

Tính đến hết tháng 12-2012, cả nước có 14.100 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 206,8 tỉ USD, vốn thực hiện 97,63 tỉ USD. Xuất khẩu của FDI năm 2012 chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đóng góp ngân sách tới 14,2 tỉ USD trong giai đoạn 2001-2010, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm cho lao động trực tiếp và 3-4 triệu việc làm cho lao động gián tiếp.

Ngoài ra, trong số hơn 14.000 dự án FDI đã đăng ký, số dự án xin giãn tiến độ, chậm triển khai... khá cao. Thậm chí, theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, có khoảng một ngàn nhà đầu tư bỏ trốn. Một nhức nhối khác là chỉ có 5-6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình và còn khoảng 14% sử dụng công nghệ lạc hậu. “Không ít trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của luật pháp, sự yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào VN máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường” - ông Thu nói.

Câu chuyện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài cũng được nhiều đại biểu lưu ý. “Không thể duy trì vận động theo kiểu mittinh. Internet hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều, phải tận dụng những cách xúc tiến mới” - ông Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nêu. Theo ông Hideo Okubo - chủ tịch Ủy ban xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản ở nước ngoài, ông cũng từng nghe doanh nghiệp Nhật nói có những lúc 5-6 địa phương VN sang một lúc xúc tiến riêng rẽ, không thông qua Đại sứ quán VN ở Nhật Bản hay Bộ Kế hoạch - đầu tư. Chưa kể lãng phí mà nhiều khi các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không thể thu xếp tới dự 5-6 cuộc như vậy.

Một khúc mắc khác trong việc đưa công nghệ cao vào VN, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hideo Okubo cho biết trong năm 2012, VN nhận được 80 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp xin đăng ký đầu tư và xin chính sách ưu đãi nhưng chỉ có bảy doanh nghiệp nhận được ưu đãi. “Có những lĩnh vực ở Nhật Bản coi là công nghệ cao thì VN lại không công nhận” - ông Okubo nói.

Buộc doanh nghiệp “đang sống thành chết”

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã lên tiếng về những khó khăn cho nhà đầu tư một phần từ chính cơ chế và lo các quy định níu quyền về cho các bộ ngành. Theo ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM, với những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải như việc cấp giấy chứng nhận đầu tư thường không đúng hạn, ông Hà nêu nguyên nhân một phần là do khi xin ý kiến thẩm tra thì các bộ trả lời chậm, trả lời chung chung, không rõ tính pháp lý.

Ông Hà nêu bất cập quản lý sau cấp phép là thiếu chế tài, như đưa quy định phải báo cáo định kỳ nhưng doanh nghiệp không báo cáo thì lại không nêu chế tài. Trong khi đó, lại đang có những chế tài quá chặt, chưa cần thiết như quy định thời hạn đăng ký lại, nếu không thực hiện kịp thì doanh nghiệp không được tiếp tục hoạt động khi hết hạn. “Như vậy là buộc doanh nghiệp đang sống thành chết dù họ hoạt động bình thường” - ông Hà nói.

Về dự thảo nghị quyết Chính phủ đưa ra có phương án các dự án FDI có vốn từ 100 triệu USD trở lên, sử dụng trên 5ha đất đô thị (trừ dự án trong khu công nghiệp) và 50ha trở lên với loại đất khác sẽ do Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, theo ông Hà, đây không hẳn là “xoay 180 độ” nhưng cũng là thay đổi rất lớn. Quy mô nào đưa Thủ tướng cần đánh giá rất cụ thể, ông Hà cho rằng rất cần cẩn trọng khi thay đổi chính sách, cần nghiên cứu rất kỹ. Ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đồng quan điểm khi cho rằng Chính phủ cần đưa nghị quyết mới nhưng giải pháp vốn từ 100 triệu USD trở lên phải trình Thủ tướng, “nếu không thận trọng thì rất khó”.

Không khéo làm nhà đầu tư “khóc”

Ông Lê Minh Châu, trưởng Ban quản lý khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu, làm nóng hội trường khi nêu có nhiều kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Ông Châu cho rằng trước đây cơ chế giao cho các ban quản lý nhiều quyền để tạo thuận lợi, giảm đi lại cho doanh nghiệp. Nhưng nay thì... cắt. Trước ban quản lý được chủ trì đánh giá tác động môi trường dự án, cũng mời những người theo đúng thành phần, nay giao lại Bộ Tài nguyên - môi trường, có nhà đầu tư “khóc”.

Về giấy chứng nhận sở hữu công trình, ông Châu đặt vấn đề: “Trước ban quản lý khu công nghiệp chúng tôi cấp ngon lành, có sao đâu? Nay cũng giao lại Bộ Tài nguyên - môi trường. Trước đầu tư vào khu công nghiệp có ưu đãi, nay chính sách thay đổi, doanh nghiệp vào khu công nghiệp giống y như bên ngoài. Trong khi đó, đầu tư bên ngoài không phải trả phí, nên vào khu công nghiệp giờ không ích gì, chúng tôi mang tiếng dụ dỗ doanh nghiệp rồi “cắt cổ” họ”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh ngay lập tức khen ông Châu phát biểu hay nhưng cũng đính chính lại là Bộ Kế hoạch - đầu tư không cắt gì mà các quy định đó “là từ nghị định của Chính phủ, do các bộ khác đòi”. Ông Vinh khẳng định bộ luôn mong trao quyền nhiều hơn nhưng “cứ nghị định sau phủ định nghị định trước”.

Thủ tướng phải ngồi giải quyết thì cạnh tranh không được

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu thực tế mới có 5% công nghệ vào VN là công nghệ cao và cho rằng tỉ lệ đó thấp, yêu cầu cần có giải pháp tổng thể khắc phục trong thời gian tới. Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đang có cạnh tranh thu hút FDI, các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính. Thủ tướng nêu rõ: “Cải thiện cơ chế phải theo hướng cạnh tranh được so với các nước trong khu vực. Mọi chính sách đưa ra phải thuận lợi hơn. Yêu cầu các bộ trưởng phải làm việc trên tinh thần đó”.

Năm vừa qua phải trực tiếp ngồi với các bộ, địa phương để giải quyết thủ tục cho các dự án lớn như làm việc với Bắc Ninh để thu hút Samsung, làm việc hai năm trời với Thanh Hóa để cấp phép cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn..., Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định qua đó đã thấy “còn phải cải cách, chứ cứ mỗi dự án Thủ tướng phải ngồi giải quyết trực tiếp thì cạnh tranh không được”.

Đại sứ VN tại Nhật nêu đầu tư vào Thái Lan, Malaysia mạnh, tại sao đầu tư vào VN ít, Thủ tướng nhấn mạnh phải xem xét chính sách với tinh thần đó. Việc xúc tiến đầu tư, theo Thủ tướng, cũng phải thay đổi theo hướng có trọng điểm, có điều phối thống nhất trong cả nước, tránh chồng chéo. Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm rõ ràng với nhà đầu tư là “VN cam kết cùng nhà đầu tư vượt qua thách thức, cùng nhau chia sẻ lợi ích, cùng thành công”.

CẦM VĂN KÌNH - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên