Đấu thầu vừa tiết kiệm ngân sách và cho tư nhân tham gia làm dịch vụ công ích. Trong ảnh: quét dọn rác tại góc đường Bùi Viện -Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tính đến nay, chỉ một số quận huyện đã đấu thầu chọn đơn vị quét dọn, thu gom rác thải gồm: quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức. Trong đó, quận 12 chỉ đấu thầu ở khâu quét rác trên đường từ năm 2017, còn việc thu gom, vận chuyển vẫn do công ty công ích quận này đảm trách.
Việc thu gom, vận chuyển rác hiện nay là cuộc cạnh tranh công bằng theo cơ chế thị trường, nếu đơn vị nào không nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị để đáp ứng theo các tiêu chuẩn thầu thì khả năng bị loại khỏi cuộc chơi
Ông VŨ QUỐC BẢO (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ích quận Thủ Đức)
Chần chừ vì chưa có đơn giá
Trước đó, UBND TP.HCM có quyết định phân cấp cho 24 quận huyện tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải; ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ trên thay vì thông qua Sở Tài nguyên và môi trường như trước đây.
Với quyết định này, nhiều quận huyện xem như được trao quyền tự chủ trong thu gom rác thải. Nhưng nhiều quận huyện cho biết có sự lúng túng trong quá trình triển khai đấu thầu vì thiếu các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là đơn giá.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi có chủ trương đấu thầu, đến cuối năm 2017, UBND TP.HCM mới ban hành các nguyên tắc đấu thầu. Văn bản này có hiệu lực từ 1-1-2018. Vì vậy các quận huyện cho rằng cần có thời gian cho quá trình làm thủ tục hồ sơ mời và đấu thầu.
Ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết vướng mắc lớn nhất là hiện nay chưa có đơn giá chính thức nên chưa thể triển khai đấu thầu.
Hiện đơn giá quét dọn, thu gom, vận chuyển rác do UBND TP ban hành. Đơn giá áp dụng cho năm 2016, 2017 được tạm tính trên cơ sở giá của năm 2015. Việc này gây khó khăn cho công tác thanh quyết toán hằng năm giữa các đơn vị (vì giá tạm tính thường không được quyết toán 100%).
Rác được tập kết trên đường Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước việc chậm thực hiện đấu thầu trong thu gom rác, mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các quận huyện phải hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 30-4, không được chậm trễ, kéo dài.
Quận huyện nào để tình trạng này kéo dài đến tháng 6 phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Tuy vậy, có quận vẫn kêu khó.
"Lãnh đạo quận Gò Vấp vừa họp với các đơn vị liên quan bàn giải pháp thúc đẩy công tác đấu thầu, chậm nhất đến tháng 6-2018 mới hoàn thành. Như vậy, chắc chắn sẽ phải có báo cáo, giải trình về vấn đề chậm trễ này với UBND TP", ông Đỗ Anh Khang nhìn nhận.
Để xác định đơn giá làm cơ sở đấu thầu, ông Khang cho biết sẽ sử dụng đơn giá tạm tính hiện tại. Trong hồ sơ mời thầu sẽ có điều khoản mở là "đơn giá này sẽ được điều chỉnh khi UBND TP phê duyệt đơn giá chính thức trong thời gian tới".
Về vấn đề đơn giá, Sở Tài nguyên và môi trường TP đã có văn bản kiến nghị UBND TP ủy quyền cho các quận huyện được quyết.
Nâng cấp, liên doanh hoặc giải thể
Hiện nay công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt chủ yếu được các công ty công ích quận huyện và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP thực hiện qua hình thức đặt hàng.
Vì vậy khi chuyển sang hình thức đấu thầu, sẽ có thêm nhiều đơn vị "ngoài ngành" tham gia, giảm được ngân sách nhà nước chi trả cho lĩnh vực này.
Đồng thời điều này buộc các công ty công ích phải nâng cấp chất lượng nếu không muốn bị rớt thầu. Mà rớt thầu thì không có công ăn việc làm, phải cho người lao động nghỉ việc. Chuyện này đã xảy ra ở quận 12.
Đó là khi Công ty TNHH một thành viên Công ích quận 12 rớt gói thầu quét rác cùng với việc chậm được thanh quyết toán chi phí thực hiện công tác thu dọn vệ sinh năm 2017, đơn vị này đã phải cho hàng loạt công nhân nghỉ việc.
Rất may thời điểm đó, đơn vị trúng thầu - Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sơn Hùng đã đồng ý tiếp nhận lại số lao động này.
Đáng nói, kết quả đấu thầu quét rác đường phố ở quận 12 (6 tháng cuối năm 2017) giúp giảm chi phí ngân sách cho khâu quét rác đường phố hơn 3,6 tỉ đồng so với hình thức đặt hàng trước đó.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Quận 12 cho biết đang chuẩn bị hồ sơ tiếp tục đấu thầu các mảng khác (ngoài mảng quét đường phố đã đấu thầu) như thu gom, vận chuyển rác trong tháng 6 này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lữ Chí Hùng - đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sơn Hùng - cho biết ngoài quận 12 vừa qua, công ty cũng có tham gia thầu tại quận Tân Phú. Tuy nhiên ở quận này, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP (đơn vị đang thực hiện thu gom, vận chuyển rác) đã tái trúng thầu.
Ông Hùng cho biết hướng sắp tới sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu các gói thầu liên quan đến quét dọn, thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn TP.
"Các tiêu chí đấu thầu hiện nay cũng khá rõ ràng, khi các quận huyện mời thầu, chúng tôi sẽ xem xét tham gia", ông Hùng nói.
Trong khi đó, liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Công ích quận Thủ Đức và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP - vốn là hai đơn vị đang thực hiện công tác thu gom vận chuyển rác tại đây - đã trúng gói thầu thu gom rác ở quận này.
Ông Vũ Quốc Bảo - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ích quận Thủ Đức - chia sẻ: "Việc thu gom, vận chuyển rác hiện nay là cuộc cạnh tranh công bằng theo cơ chế thị trường, nếu đơn vị nào không nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị để đáp ứng theo các tiêu chuẩn thầu thì khả năng bị loại khỏi cuộc chơi, người lao động nguy cơ mất việc".
TP Hà Nội: đã "chạy" tốt, giảm 30% chi phí
Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) - Ảnh: VŨ MINH QUÂN
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, mỗi ngày địa bàn phát sinh trên 6.200 tấn rác.
Từ giữa năm 2015, UBND TP Hà Nội đã phân cấp nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải cho các quận huyện. Đến 1-3-2017, công bố mức đơn giá để các đơn vị lựa chọn tham gia.
Chỉ sau gần một năm thực hiện, đến cuối năm 2017, từ 3-4 đơn vị thu gom, vận chuyển rác ở mỗi quận huyện đã giảm xuống, thu gọn lại chỉ còn một đơn vị đầu mối đảm nhiệm.
Trong số các đơn vị trúng thầu, trúng nhiều nhất là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân.
Đơn vị này trúng các gói thầu về vệ sinh môi trường tại 5 địa bàn, gồm: quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, huyện Mỹ Đức, huyện Mê Linh, huyện Thạch Thất với tổng giá trị gần 665 tỉ đồng cho giai đoạn 2017-2020.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc đấu thầu công khai đã "giúp tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả, chất lượng thu gom, vận chuyển rác, tránh được tình trạng đổ vấy trách nhiệm cho nhau".
Ông Lê Anh Tuấn, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), cho biết khi chuyển sang đấu thầu, đơn giá về thu gom, vận chuyển rác giảm tới hơn 30% nên buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy trình, tần suất.
Mặc dù cho biết so với trước đây hoạt động của doanh nghiệp có gặp khó khăn hơn, tuy nhiên ông Tuấn nói "hoàn toàn ủng hộ chủ trương đấu thầu công khai". Bởi theo ông, việc này giúp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Ngoài ra, việc phát thải rác thải của thành phố hiện đang quá tải. Thêm các doanh nghiệp tư nhân vào tham gia sẽ giúp giảm tải lĩnh vực này, đồng thời giúp thành phố ngày một sạch hơn, đẹp hơn.
LÂM HOÀI
Phải tính đến đấu thầu rác dân lập
Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM thải ra hơn 8.300 tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 60% lượng rác được thu gom bởi lực lượng rác dân lập.
Tuy nhiên trong quyết định phân cấp cho các quận huyện tổ chức thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt để tiến tới hình thức đấu thầu không đề cập đến lực lượng này.
Theo TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP, việc chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập gây thiệt đủ đường. Đầu tiên là thất thoát nguồn thu.
Theo ông Thuận, có hơn 3 triệu hộ dân trên địa bàn TP được lực lượng rác dân lập thu gom. Mỗi tháng một hộ trả 30.000 đồng, tiền thu được khoảng 1.000 tỉ đồng/năm.
"Nếu Nhà nước quản lý được nguồn thu này, sau khi chi trả cho lực lượng thu gom vẫn còn dôi dư để bù qua chi phí vận chuyển, xử lý rác", ông Thuận nói.
Ngoài ra theo ông Thuận, việc không quản lý được lực lượng này cũng sẽ khó kiểm soát được vấn đề phát sinh như mỹ quan, môi trường, chuẩn hóa thiết bị trong quá trình thu gom, vận chuyển rác...
TS PHẠM VIẾT THUẬN (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP):
Phải đo bằng m2, thay vì tính kg
Việc đấu thầu trong công tác thu gom, quét dọn, vận chuyển rác là tốt, đúng ra phải làm từ lâu vì vừa nâng cao chất lượng vừa giảm chi phí ngân sách.
Tuy nhiên, để hiệu quả hơn cần thay đổi cách xác định khối lượng, cụ thể cách tính nên chuyển qua đồng/m2 thay vì đồng/tấn như hiện nay. Bởi việc tính theo đồng/tấn còn kẽ hở, các đối tượng có thể trộn cây cối, xà bần vào rác để tăng chi phí, khó giám sát.
Trong khi đó, cách tính theo đồng/m2 thì các đơn vị cần có bình đồ khu vực quét rác, dễ giám sát hơn.
PGS.TS CHẾ ĐÌNH LÝ (Viện môi trường tài nguyên - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần phổ biến, công khai minh bạch
Việc đơn vị tư nhân trúng thầu mảng quét rác đường phố đã làm lợi cho ngân sách nhiều tỉ đồng, cho thấy chủ trương đấu thầu trong các mảng khác như thu gom, vận chuyển rác hay các dịch vụ công khác là đúng và cần thiết.
Đây là cuộc cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho tất cả các đơn vị, phá vỡ thế độc quyền các công ty công ích trước đây.
Để nhiều công ty cùng tham gia cuộc cạnh tranh này, cần tiếp tục phổ biến chủ trương trên cũng như công khai minh bạch trong việc đấu thầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận