19/10/2018 16:31 GMT+7

Đau nửa đầu migraine

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Bệnh đau nửa đầu migraine là bệnh chưa rõ căn nguyên, rất thường gặp, dễ chẩn đoán, dễ tái phát nên cần được theo dõi và điều trị lâu dài.

Đau nửa đầu migraine - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: clinic4all.nl

Bệnh migraine là bệnh gây đau một bên đầu từng cơn, thường có buồn ói đi kèm. Đặc điểm của bệnh là đau một nửa đầu, người bệnh có cảm giác trong đầu như có sợi dây giật giật theo nhịp mạch đập. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi cường độ từ nhẹ đau thoáng qua đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày. Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Cơn đau sẽ nặng lên khi người bệnh di chuyển, chạy nhảy, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu. Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.

Bệnh này còn được gọi với một vài tên khác như: "nhức nửa đầu", "đau đầu migraine", "đau nửa đầu",…

Bệnh migraine có nhiều thể khác nhau: Migraine có triệu chứng báo trước, migraine không triệu chứng báo trước, migraine có liệt nửa người, mù một mắt, liệt vận nhãn, migraine có cơn chóng mặt kịch phát, migraine thể bụng thường gặp ở trẻ em, migraine chuyển dạng, migraine trạng thái,...

Bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống

Migraine là bệnh rất thường gặp. Các khảo sát trong cộng đồng trên thế giới cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh chiếm khoảng 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Tỉ lệ mắc bệnh là 12% dân số. Hơn 75% người bị bệnh migraine thì trong gia đình họ cũng sẽ có người bị bệnh migraine. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên và hiếm khi bắt đầu sau 60 tuổi. Độ tuổi thường gặp là từ 20 đến 50 tuổi.

Đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh migraine vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có sự giãn nở các mạch máu não và phóng thích các chất hóa học như serotonin, dopamin, gây rối loạn chức năng não dẫn đến cơn đau đầu dữ dội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp migraine trong số 20 căn bệnh hàng đầu gây thương tật, làm mất sức lao động, tiêu tốn nhiều tiền và sẽ là vấn nạn lớn toàn cầu. Hiện nay, bệnh đau nửa đầu migraine được coi là một trong những nguyên nhân gây đột quị thường gặp ở người trẻ tuổi.

Những yếu tố làm bệnh dễ xảy ra

Bệnh migraine là bệnh tự phát, nhưng ở một số người có một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn migraine. Các yếu tố tố đó có thề là căng thẳng tinh thần, mất ngủ, thay đổi nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu (thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc dùng thuốc ngừa thai), thay đổi thời tiết, ánh sáng chói nhấp nháy, tiếng ồn, chấn thương đầu, khói thuốc lá, nước hoa đậm đặc, mùi hôi nồng nặc khó chịu, sô-cô-la, phô-mai, thức ăn đóng hộp, bột ngọt, đường hóa học, rượu,…

Bệnh dễ chẩn đoán nhưng thường bị bỏ sót

Bệnh đau nửa đầu migraine dễ chẩn đoán, chủ yếu dựa vào đặc điểm cơn đau đầu, triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trên thực tế bệnh migraine thường bị chẩn đoán nhầm là đau đầu căng thẳng, thiếu máu não, rối loạn tiền đình,… do đó việc điều trị ít hiệu quả, dễ làm bệnh migraine chuyển dạng nặng hơn, khó điều trị.

Bệnh migraine nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt. Do bệnh migraine có thể tái phát cơn gần như suốt đời, nên người bệnh cần phải biết rõ bệnh của mình và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, khi cơn đau đầu tái phát, người bệnh đến khám bệnh ở bệnh viện hay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tích cực.

Điều trị cần đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian

Điều trị bệnh migraine gồm: Điều trị cắt cơn đau đầu cấp, điều trị phòng ngừa cơn đau đầu tái phát. Thời gian điều trị phòng ngừa có thể kéo dài hơn 3 tháng. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể có vài biện pháp giúp giảm cơn đau đầu như nằm nghỉ trong phòng tối, yên lặng với đầu kê gối; đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau; tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc; thư giãn, ngủ nếu có thể; cũng có thể dùng kỹ thuật thiền, yoga. Ngoại trừ một số thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, người bệnh có thể tự mua uống để giảm tạm thời cơn đau đầu; các thuốc đặc trị bệnh migraine cần được bác sĩ kê toa. Bệnh nhân cần tái khám đều đặn để bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh theo dõi trong thời gian dùng thuốc một cách cẩn thận nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng cách, làm bệnh chuyển sang dạng nặng và khó trị. Bệnh migraine là bệnh chưa rõ căn nguyên, rất thường gặp, dễ chẩn đoán, dễ tái phát nên cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Người bệnh nên hợp tác tốt với bác sĩ điều trị bằng cách dùng đúng thuốc theo toa, dùng đủ liều bác sĩ chỉ định, tái khám đúng hẹn và kiên trì cho đủ thời gian điều trị.

Làm sao tránh được bệnh

Đảm bảo ngủ đủ: Thời gian ngủ của con người trung bình khoảng 7 giờ mỗi ngày. Với thời gian nghỉ ngơi như vậy vừa đủ để cơ thể hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc và sẵn sàng cho một ngày lao động mới. Thực tế, nhiều người vì áp lực và khối lượng công việc quá lớn nên không còn đủ thời gian ngủ nghỉ, tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều và bất lợi cho sức khoẻ của họ. Nếu không được điều tiết một cách hợp lý, họ không chỉ mắc phải chứng đau nửa đầu, chóng mặt mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác, nhất là trong tình trạng thần kinh luôn căng thẳng. Trải qua một giấc ngủ đầy đủ, giấc ngủ sâu và êm đềm có thể loại trừ được những mệt mỏi của não và các áp lực phát sinh trong quá trình làm việc, học tập và lao động của con người. Vì thế, giấc ngủ cũng rất quan trọng như không khí chúng ta đang hít thở.

Kết hợp giữa lao động chân tay, lao động trí óc, luyện tập và nghỉ ngơi: Không nên để cơ thể mệt mỏi quá sức chịu đựng hoặc mệt mỏi thường xuyên. Cần phải cân đối, điều hòa chế độ lao động chân tay, trí óc, luyện tập thể dục thể thao và nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Khi sức lực dồi dào, tinh thần sảng khoái thì công việc sẽ đạt được hiệu quả rất cao.

Tìm cách giải tỏa stress: Cường độ làm việc và những áp lực tinh thần ngày càng tăng khiến nhiều người dễ bị stress. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi góp phần làm bộc phát hoặc làm nặng thêm một số bệnh của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch,… Đồng thời, nó còn làm hạn chế hiệu quả điều trị bệnh nhất là đối với người bệnh nhức đầu migraine. Mỗi cá nhân sẽ có những cách thức riêng để thoát khỏi tình trạng stress. Dù là biện pháp nào đi chăng nữa thì cũng đều cần thiết để cơ thể được thư giãn và tránh hoặc hạn chế được những hậu quả do căng thẳng tinh thần gây ra.

Thay đổi lối sống, thói quen có hại: Đối với những người mắc bệnh migraine không nên uống rượu, bia và hút thuốc lá, không lạm dụng bột ngọt, sô-cô-la, phô-mai. Không nên ở nơi giá lạnh, nơi ồn ào, ngột ngạt hoặc môi trường có ánh sáng chói lòa. Một số dược phẩm có thể gây ra nhức đầu nhưng có phải là nhức đầu migraine hay không cần phải hỏi ý kiến của các bác sĩ điều trị, người bệnh không nên tự ngưng các thuốc dãn mạch khi đang điều trị các bệnh phối hợp khác như tăng huyết áp hoặc đang điều trị bệnh tim động mạch vành./.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên