Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn sáng 13-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Sau giờ giải lao, các đại biểu bắt đầu phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm. Trong loạt chất vấn đầu tiên, nhiều đại biểu nữ tham gia đặt câu hỏi.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc phản ánh chuyện các chủ đầu tư san lấp rạch. Theo đó thời gian qua, Sở Giao thông vận tải TP cho phép chủ đầu tư được tạm san lấp kênh rạch để thực hiện dự án. Việc này làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước khu vực.
Cụ thể như ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức có rạch Rạch Ụ Lò sau khi bị chủ đầu tư san lấp thì đến nay chưa được tái lập lại nguyên trạng, người dân đã phản ánh 3 năm nay chưa có kết quả.
"Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm gì trong việc chủ đầu tư không khắc phục lại hiện trạng ban đầu cho kênh rạch? Sở có tính đến chuyện công khai thông tin việc cho phép san lấp kênh rạch thế nào để cộng đồng dân cư giám sát hay không?" - bà Ngọc hỏi.
Cũng theo bà Ngọc, hiện nay một số các nhà chờ, trạm dừng, điểm trung chuyển xe buýt là nơi có nguy cơ xảy ra xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Bà đề nghị giám đốc Sở Giao thông vận tải đánh giá lại các mô hình vận tải hỗ trợ an toàn cho phụ nữ, trẻ em mà TP đang triển khai.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm quan tâm đến quy hoạch bến bãi của TP. Bà Trâm nêu: hiện nay diện tích bến bãi trên địa bàn TP chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Riêng diện tích các bãi đậu xe chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. Bà Trâm đề nghị tư lệnh ngành giao thông cung cấp thêm thông tin về quy hoạch phát triển các bãi đậu xe ngầm của TP.
"Cầu Phú Mỹ là điểm đen tai nạn giao thông, đến nay vẫn chưa có giả pháp căn cơ. Đề nghị giám đốc sở Giao thông vận tải giải trình thêm về việc này", bà Trâm nói.
ĐB Thanh Thúy chất vấn về vấn đề giao thông đường thủy - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Thanh Thúy nhận xét mặc dù TP.HCM có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi trong phát triển giao thông đường thủy nhưng cho đến nay, tỉ trọng vận tải hành khách bằng đường thủy lại quá khiêm tốn, chỉ đạt trên dưới 1 triệu lượt.
Bà Thúy đề nghị ông Trần Quang Lâm cung cấp thêm thông tin, giải pháp để phát triển giao thông đường thủy.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung yêu cầu giám đốc sở GTVT giải trình thêm tiến độ thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm như Cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường Huỳnh Tấn Phát…
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời về san lấp rạch thoát nước - Video: TỰ TRUNG
Theo ông Lâm, theo kịch bản đến hết năm 2020 sẽ xây xong 4 cây cầu kết nối khu trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên kịch bản này bị trễ.
Hiện cầu Thủ Thiêm 2 đang được thực hiện theo hình thức BT, đây là cầu dây văng rất đẹp nên khi hoàn thành không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là điểm nhấn về kiến trúc thành phố.
Ông Lâm cho biết nếu thuận lợi, khoảng quý 2-2020 sẽ hợp long được phần cầu chính. Đến cuối năm 2020, đầu 2021 hoàn thành phần cầu nối từ đường Lê Duẩn chạy dọc Tôn Đức Thắng.
Nói về vấn đề gắn phục vụ giao thông công cộng với việc đảm bảo an toàn, thận thiện cho phụ nữ, trẻ em, ông Lâm cho biết từ năm 2018, sở đã giao cho công ty cung ứng dịch vụ giao thông công công thực hiện chương trình đảm bảo an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em.
Trong đó, tập huấn các lớp kỹ năng phòng, chống quấy rối tình dục cho phụ nữ, trẻ em cho tài xế, nhân viên thu phí trên xe buýt. 80% xe buýt được lắp camera giám sát và lập bộ phận giám sát tại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng.
Ngoài ra, tại các trạm dừng, nhà chờ đều bố trí biển cảnh báo, camera giám sát. “Từ năm 2018, sở còn triển khai kêu gọi xã hội hóa để thiết lập những cổng trường an toàn. Bố trí trạm chờ an toàn cho học sinh ngay gần cổng trường”, ông Lâm nói.
Xe đậu dưới lòng tại một tuyến đường trung tâm quận 1 - Ảnh: TỰ TRUNG
Trả lời về vấn đề thu phí đỗ xe dưới lòng đường, ông Trần Quang Lâm cho biết đối việc kẻ ô cho xe đỗ, một số người dân cũng phản đối do họ có buôn bán trước nhà.
Lực lượng TNXP - đơn vị trực tiếp thực hiện việc thu phí đỗ xe này, có đề xuất khá hay là những nhà mặt tiền có buôn bán thì xem xét cho họ thuê lại với tỉ lệ phù hợp phần không gian trước nhà. Đề xuất này đang được xem xét.
"Riêng về Cầu Phú Mỹ, nếu so sánh đánh giá thì đây chưa phải là điểm kẹt xe thường xuyên. Gần đây cầu có bị kẹt khá nghiêm trọng là do có tai nạn giao thông trên cầu. Cầu này có độ dốc khá lớn nên nhiều phương tiện sức chở lớn khi xuống dốc không kiểm soát được tốc độ", ông Lâm lý giải.
Bàn về giải pháp, ông Lâm cho hay vừa qua Sở đã cho gắn camera giám sát tốc độ và xử phạt. Sắp tới sẽ mở rộng đường Võ Chí Công để hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc.
Bến thủy nội địa dọc sông Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
Về phát triển giao thông thủy, ông Lâm thông tin hành khách qua các cảng, bến tăng 10%, lượng hàng hóa qua cảng cũng tăng.
Thời gian qua TP chỉ đạo quyết liệt, rà soát lại quy hoạch cảng, chủ động xây dựng tiêu chí các bến thủy, tạo điều kiện phát triển các bến thủy nội địa để góp phần giảm tải cho đường bộ.
Trả lời đại biểu về tình trạng đào đường không tái lập, Ông Lâm cũng thừa nhận chất lượng tái lập mặt đường chưa tốt, đồng thời khẳng định với các tuyến đường chính, đường mới đã cấm đào, nhất là khu vực tâm TP.
Trong thời gian tới ngành giao thông sẽ tăng ứng dụng khoan ngầm để hạn chế ảnh hưởng nhiều đến mặt đường, giao thông. Trong năm 2019 có 25 công trình áp dụng kỹ thuật khoan ngầm khi thi công. Ngoài ra, tới đây sẽ phối hợp Đại học Bách khoa để lựa chọn vật liệu phù hợp đảm bảo tái lập nhanh sau thi công.
Ông Lâm cũng cho biết việc đặt vật tạm trên vỉa hè để hạn chế xe máy leo lề phải được sự cho phép của cơ quan quản lý, đồng thời phải đặt bảng cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Trả lời câu hỏi tình hình kẹt xe sẽ được giải quyết thế nào từ nay đến năm 2025, ông Lâm cho biết ngành giao thông đã chạy thử mô hình, giả định khi các đường vành đai kết nối, cộng thêm tuyến Metro số 1 hoạt động.
Theo kịch bản tính toán thì tình hình kẹt xe sẽ giảm. Ông Lâm nhấn mạnh bên cạnh việc làm thêm đường thì giải pháp về giao thông công cộng là bắt buộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận