Tác phẩm Cô gái thỏ của Nguyễn Phan Bách gây ngạc nhiên trong giới mỹ thuật khi được đấu giá 25.000 USD - Ảnh họa sĩ cung cấp
Khởi đầu từ nhà đấu giá Lạc Việt vào tháng 5-2016 tại Hà Nội, lần lượt các nhà đấu giá tranh ra đời: Lý Thị (Lythi Auction) cuối năm 2016 tại TP.HCM, nhà đấu giá Chọn (Chọn Auction House) tháng 12-2016 ở Hà Nội và mới đây nhất là nhà đấu giá PI Auction House hồi tháng 5 tại Hà Nội.
Tôi sẽ sẵn sàng đưa tranh lên sàn đấu giá nào đó nếu nhà đấu giá tạo được uy tín. Tiếc là tôi không thấy điều này ở các nhà đấu giá tranh mới hình thành gần đây ở Việt Nam
Họa sĩ Đào Anh Khánh
Tuy nhiên, không bao lâu sau sự ra đời của họ, những ồn ào cũng từ đó xuất hiện, từ người đấu giá "chạy làng" sau khi trả giá cao ngất; hay chuyện người thắng đấu giá mang tranh về treo gần nửa năm không trả tiền và rồi "hiên ngang" trả lại họa sĩ không một lời xin lỗi; cho tới những nghi vấn tranh giả...
Trả giá rồi... chạy, nghi vấn "tranh giả"
Phiên đấu giá thương mại "các tác phẩm nghệ thuật" lần đầu tiên ở Việt Nam, do Công ty CP bán đấu giá Lạc Việt tổ chức vào tháng 5-2016, đã gây xôn xao dư luận khi cặp chóe Tứ linh được đại diện một tập đoàn bất động sản lớn trả giá cao ngất ngưởng: 6,05 tỉ đồng. Nhưng ngay sau đó tập đoàn nọ "tháo chạy", từ chối mua món đồ này và không phải chịu bất kỳ phí tổn nào.
Chuyện tương tự, người thắng cuộc đấu giá bức tranh Cẩm chướng của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan trong phiên đấu giá của nhà Lythi vào tháng 12-2016 đã mang tranh về nhà treo, nhưng 5 tháng sau không trả tiền. Cuối cùng, tác giả phải nhận lại tranh về mà không được một lời xin lỗi từ nhà đấu giá lẫn người đấu giá thành công.
Chưa hết, phiên đấu giá thứ 5 của Chọn vào cuối tháng 7-2017 cũng ồn ào truyền thông bởi một bức tranh của Bùi Xuân Phái trong phiên đấu giá bị nghi vấn "tranh giả".
Giới chuyên môn chỉ ra rằng đã có tới 5 lần đấu giá quốc tế liên quan đến bức tranh này và tồn tại "ít nhất" hai (phiên) bản tranh giống hệt, chỉ khác nhau về vị trí chữ ký trên tranh. Lạ lùng là bức tranh lại được đấu giá thành công với mức giá khá cao - 12.500 USD.
Tuy thế, sau ồn ào đấu giá "tranh giả" của Bùi Xuân Phái, ở các phiên đấu giá sau này của Chọn, tranh của Bùi Xuân Phái liên tục ế "thê thảm". Tranh của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương trong nhóm "tứ trụ" cũng gặp cảnh đìu hiu khi hầu hết đều không có người trả giá.
"Làm giá", đấu giá "ảo"?
Đánh giá về các nhà đấu giá tranh vừa hình thành ở Hà Nội, nghệ sĩ Đào Anh Khánh cho rằng với những bát nháo thật - giả như các nhà đấu giá đang làm hiện nay, thì thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn bao năm đã "chết dở" nay còn thê thảm hơn nữa, bởi sự giả trá được đẩy lên tầm "đẳng cấp".
Lưu Tuyền là một trong số không nhiều những họa sĩ trẻ có tranh bán được ở Hà Nội nhưng cũng nói "không" khi được hỏi có muốn giao tranh của mình cho các nhà đấu giá, bởi những băn khoăn về hoạt động của các nhà đấu giá tranh Việt mà anh đã nghe và quan sát.
Một họa sĩ giấu tên tiết lộ giới họa sĩ Hà Nội vẫn râm ran truyền tai nhau nghi vấn nhà đấu giá đã "làm giá". Anh giải thích đó là đấu giá ảo, đẩy giá tranh của một họa sĩ nào đó lên cao vọt so với giá trị thực tế chỉ để gây tiếng vang cho chính nhà đấu giá.
Họa sĩ giấu tên cũng đặt nghi vấn về các phiên đấu giá tranh của Nguyễn Huyến gần đây, đặc biệt là khi bức sơn mài Thác Bờ của cố họa sĩ đã được đấu giá đạt mức kỷ lục cho một bức tranh giao dịch nội địa - 280.000 USD (hơn 6 tỉ đồng).
Anh khẳng định Nguyễn Huyến hoàn toàn là "phát hiện" của nhà đấu giá Chọn, bởi trước đó họa sĩ này hầu như không được đánh giá cao trong giới. Người chiến thắng cuộc đấu giá ít lâu sau đó đã trở thành cổ đông quan trọng của nhà đấu giá này.
Lợi bất cập hại
Từng được mời tham gia nhiều buổi đấu giá tranh, nhưng giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn chưa từng tham gia một buổi đấu giá tranh nào với lý do không thích cách hoạt động của các nhà đấu giá này.
Ghi nhận các nhà đấu giá tranh hiện nay đã làm được việc là giúp đỡ nghệ sĩ bán tác phẩm, tạo ra trào lưu quan tâm tới nghệ thuật của một bộ phận xã hội, gây hiệu ứng xã hội tốt, nhưng anh Tuấn hoài nghi việc thẩm định tranh của các nhà đấu giá Việt hiện nay chỉ dựa trên những thứ rất cảm tính.
Anh cho rằng tình trạng thật giả lẫn lộn, không chuyên nghiệp, không theo một hệ giá trị nào của các nhà đấu giá hiện nay sẽ làm chúng gây hại hơn là có lợi khi khiến tình trạng mù mờ về giá trị và xuất xứ tranh thêm hỗn loạn được phát tán ở diện rộng.
Hệ thống các nhà đấu giá mỹ thuật là một mắt xích quan trọng trong chuỗi yếu tố làm nên thị trường mỹ thuật.
Đây là nơi trung gian giữa người mua và người bán một tác phẩm mỹ thuật, và quan trọng hơn cả là một kênh xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc cạnh tranh về giá mua, sức mua, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và thị trường nghệ thuật. Nhưng quan sát những gì đã diễn ra, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn cho rằng các nhà đấu giá tranh Việt hiện chưa làm được chức năng này.
Mọi thứ đều mập mờ
Hỏi về các giải pháp để "điều trị" sự hỗn loạn đấu giá tranh hiện nay, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chuyện không dễ giải quyết bởi thực sự Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, không có những quy định pháp lý chặt chẽ.
Hiện chỉ có Luật đấu giá tài sản chung chung, chủ yếu là đấu giá tài sản công. Việt Nam cũng không có hệ thống định giá tranh, không có thẩm định độc lập, mọi thứ đều mập mờ.
Trong khi chờ đợi luật pháp hoàn thiện, anh Tuấn đưa ra giải pháp trước mắt là cần có trung tâm tác quyền độc lập (chứ không phải nhà đấu giá tự thẩm định, tự đảm bảo tính nguyên bản của tranh).
Ở đó có những nhà chuyên môn làm việc độc lập, có uy tín. Tuy nhiên, anh cũng nói để có trung tâm tác quyền này là khá khó khăn, bởi ít ai muốn đứng ra thành lập do nó "rất lâu mới mang lại tiền bạc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận