Các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập cá nhân của hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc (1914 – 1990).
Ông là một nhà sưu tầm kiêm nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng, là bạn tâm giao của nhiều họa sĩ, đặc biệt thân thiết với Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.
"Tráng lệ và vương giả"
Cuộc đấu giá mang tên Magnificence and Regality (Tráng lệ và vương giả), giới thiệu những tác phẩm được sáng tác từ 1935 đến 1970 với nhiều chất liệu khác nhau.
Trong đó, có những kiệt tác tranh lụa tinh xảo, những bình phong sơn mài lộng lẫy của ba danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Nguyễn Tường Lân.
Đây là những tên tuổi nổi bật trong "kỷ nguyên vàng" của nghệ thuật Việt Nam, những người dẫn đầu chủ nghĩa hiện đại và góp phần thiết lập chuẩn mực mới cho nghệ thuật Việt.
Cuộc đấu giá mang đến những tác phẩm ở nhiều thời kỳ khác nhau trong sự nghiệp của danh họa Lê Phổ (1907-2001). Từ những nét vẽ tỉ mỉ, tinh tế với tông màu trầm trên tranh lụa đời đầu đến những tác phẩm sơn dầu trên vải rực rỡ hơn sau này.
Ngoài hai tác phẩm trên, cuộc đấu giá còn có hai tranh khác của Lê Phổ gồm La mère et l'enfant vẽ đầu những năm 1970 (ước tính 80.000 - 120.000 Euro) và Femme au voile vẽ cuối 1940 - đầu 1950 (ước tính từ 300.000 - 500.000 Euro).
Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc đã mua một số tác phẩm của Vũ Cao Đàm (1908 - 2000), trong đó có hai bức tranh treo trong phòng ngủ.
Bức Liliums vẽ hoa loa kèn trắng, loài hoa ưa thích của danh họa Vũ Cao Đàm cũng được đấu giá. Tranh tượng trưng cho sự quý phái ở Hà Nội, thường khiến hoàng thân Bửu Lộc nhớ những chợ hoa ông từng ghé thăm.
Tranh lụa của Vũ Cao Đàm rất hiếm vì ông chủ yếu sáng tác điêu khắc trong giai đoạn đầu sự nghiệp, và cuối đời lại tập trung vào tranh sơn dầu.
Một tác phẩm khác được hoàng thân Bửu Lộc đặc biệt trân trọng là bức miêu tả nàng thơ của họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946).
Ông là một trong bộ tứ danh họa đời đầu của mỹ thuật Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Họa sĩ ở lại Việt Nam và mất sớm nên rất ít tác phẩm của ông còn tồn tại.
Bộ sưu tập sẽ được triển lãm cho công chúng từ ngày 3 đến 6-11 tại phòng trưng bày của Sotheby's Paris trước khi tiến hành đấu giá online.
"Chén thánh của nghệ thuật Việt Nam"
Được ví như "chén thánh của nghệ thuật Việt Nam", bộ sưu tập của hoàng thân Bửu Lộc không chỉ thể hiện nguồn gốc và lịch sử đáng nhớ của hoàng gia, mà còn chứa đựng bối cảnh phong phú sau từng tác phẩm.
Đó là những câu chuyện vượt khỏi ranh giới cái đẹp, về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người bảo trợ, sự kết nối văn hóa Đông và Tây, cùng niềm hoài vọng và đam mê nghệ thuật sâu nặng dành cho Việt Nam.
Xuất thân từ dòng dõi của các học giả, nhà thơ, hoàng gia và chính trị gia lỗi lạc, hoàng thân Bửu Lộc đã bắt đầu sưu tầm nghệ thuật từ những năm 1940.
Ông kết hôn và định cư tại Pháp năm 1958, sống trong những căn hộ đầy các tác phẩm nghệ thuật ở Paris và Cannes.
Tại đây, ông kết bạn với Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Bộ ba chia sẻ sở thích chung về văn hóa và nghệ thuật Việt. Hoàng thân Bửu Lộc còn nhờ Lê Phổ giúp trang trí căn hộ của mình ở Paris.
Lê Phổ đã giúp ông phác thảo nhiều đồ nội thất và gợi ý cách trang trí. Dù sống ở Pháp, hoàng thân Bửu Lộc muốn không gian sống của ông mang đậm "tâm hồn Việt Nam".
Theo ông Pierre Mothes, phó Chủ tịch Sotheby's Pháp, nhu cầu và độ quan tâm đến nghệ thuật Việt đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Sau kỷ lục mới 2,3 triệu đô (55 tỉ đồng) cho bức Gia đình ở ngoài vườn của Lê Phổ đầu tháng 4-2023, nhà Sotheby's đang nắm đang nắm giữ cả ba kỷ lục về đấu giá cao nhất cho tranh Việt.
Sotheby's cũng thể hiện rõ mục tiêu nhắm đến thị trường Việt Nam qua hai cuộc triển lãm Hồn xưa bến lạ (7-2022) và Mộng viễn Đông (8-2023) vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận