19/12/2013 11:38 GMT+7

Đau đầu với sổ liên lạc điện tử

NGUYỆT LONG (Hà Nội)
NGUYỆT LONG (Hà Nội)

TT - Anh chị tôi có cậu con trai đang học lớp 7. Tôi thấy chị than thở rằng từ khi có sổ liên lạc điện tử bỗng nhiên cậu con trai trở nên lầm lì, ít nói và khó bảo hơn.

Không ép phụ huynh sử dụng sổ liên lạc điện tửĐột nhập mạng, tung tin thất thiệt làm 200 học sinh nghỉ họcTriệu tập nghi phạm tung tin đồn thất thiệt

Chị kể rằng khi nhà trường thông báo sẽ kết nối với phụ huynh bằng sổ liên lạc điện tử, chị khá hài lòng vì với chị đây là cách quản lý con chặt chẽ, hiệu quả nhất. Bởi lẽ công việc bận rộn, anh chị lại hay phải đi công tác xa thường xuyên nên đâu dễ nắm tình hình học tập của con được. Vậy nên bây giờ anh chị thấy khá hứng thú với cách liên lạc nhanh gọn, tiện lợi thế này.

Từ điểm số của con cao thấp thế nào cho đến nhất cử nhất động của con trên trường, trên lớp (như đánh nhau hay nói chuyện riêng) đều được cô giáo chủ nhiệm cập nhật đầy đủ. Sau đấy, nếu bận rộn không lên trường gặp trực tiếp cô giáo, anh chị có thể bàn bạc và trao đổi qua lại với cô bằng điện thoại.

Mỗi ngày đến cơ quan, chị đều đoán già đoán non không biết thái độ học tập của con trai hôm nay có nghiêm túc hay không. Lúc nào chị cũng thắc thỏm xem con có phạm sai lầm gì không. Có khi đang làm mà nhận được tin nhắn của cô giáo thông báo việc con trai bỏ tiết đi chơi, chị cứ suy nghĩ xem tối về xử lý con thế nào, phạt con ra sao... Có thể nói rằng lúc nào chị cũng trong tâm lý chờ đợi thông tin về con trên trường trên lớp.

Chính vì bị bố mẹ quản lý chặt chẽ, nắm chắc chắn tình hình về mình nên cậu con trai của anh chị tỏ ra rất căng thẳng. Cháu rất lo lắng khi trót nói chuyện riêng với bạn trong giờ học mà bị cô giáo nhắc nhở. Hôm nào cháu lỡ đi học trễ vì chờ xe buýt cũng bị ghi vào sổ đầu bài và bị “công khai” với bố mẹ.

Thành ra bố mẹ thì luôn trong tư thế sẵn sàng phạt con nếu mắc sai lầm mà bị cô giáo thông báo. Con thì dò xét thái độ của bố mẹ nên không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng như đang đối phó với nhau. Thành thói quen, hôm nào chưa thấy có tin nhắn báo tội của con về, chị lại đinh ninh là cô giáo... bỏ quên. Rồi sau đó để chắc ăn, cuối ngày chị gọi điện thẳng cho cô giáo để hỏi. Có thể nói anh chị đặt niềm tin quá lớn vào sổ liên lạc điện tử thế này.

Sau một thời gian, chị thấy khá mệt mỏi vì lúc nào cũng mong ngóng thông tin về con trong tâm trạng bất an, lo lắng. Nhận được tin nhắn báo lỗi của con rồi bỗng nhiên chị đâm ra bực mình, nói nhiều. Cháu vì thế cũng chai lì vì phải nghe quá nhiều lời răn dạy đôi khi quá vô lý của bố mẹ.

Chị còn kể rằng cuối học kỳ trước, khi nhận bảng điểm của cả lớp, chị tỏ ra rất thất vọng với lực học của con trai. Thấy con không học bằng bạn này bạn khác nên chị trót mắng con là “đồ ăn hại”. Lần khác thấy con chỉ được 4 điểm toán, chị nhiếc móc: “Quần áo, sách vở lúc nào con cũng đòi đồ xịn nhất vậy mà học hành lại dốt nát thế này đây”.

Chính cảm giác so bì giữa con mình với con nhà người ta khiến cách nhìn của chị thêm cực đoan, kêu la nhiều hơn. Cậu con trai thì luôn có cảm giác bị bố mẹ theo dõi mọi lúc mọi nơi nên ngay trên lớp cháu ức chế, khó chịu không sao tập trung vào bài vở được. Vì thế chỉ sau một thời gian ngắn, lực học của cháu giảm sút từ trong top 5 của lớp xuống top 10, rồi top 20 khiến anh chị tôi mất ăn mất ngủ cả mấy tháng nay. Tưởng rằng sổ liên lạc điện tử tiện ích là thế lại vô tình khiến tình cảm giữa bố mẹ và con cái trở nên xa cách.

NGUYỆT LONG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên