25/03/2024 08:09 GMT+7

Đau bụng, rối loạn tiêu hóa cẩn thận lao ruột nhiều biến chứng, dễ tử vong

Lao ruột là bệnh nguy hiểm vì khó chẩn đoán và điều trị, tỉ lệ tử vong lớn và có thể dẫn tới nhiều biến chứng cần can thiệp phẫu thuật, nên cần được phát hiện sớm.

Hình ảnh kết quả giải phẫu bệnh có ổ viêm hạt hướng đến lao - Ảnh: BVCC

Hình ảnh kết quả giải phẫu bệnh có ổ viêm hạt hướng đến lao - Ảnh: BVCC

Không có bệnh lý đặc biệt, chỉ đầy bụng, ợ hơi và phát hiện lao ruột

Anh N.Đ.M. (43 tuổi, Hà Nam) bản thân vốn khỏe mạnh, các thành viên trong gia đình chưa phát hiện bệnh lý đặc biệt nào. 3 tháng nay anh thấy đau bụng thượng vị, buồn nôn, sụt cân... đi khám, uống thuốc không đỡ. 

Khi đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec nội soi dạ dày thấy hình ảnh đám tổn thương kích thước 2cm tại thân vị, niêm mạc lần sần. Tiến hành sinh thiết làm xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả tổn thương viêm hạt hướng đến do Mycobacterium - một loại vi khuẩn gây ra bệnh lao.

Các bác sĩ nội soi đã hội chẩn ngay cùng PGS.TS Hoàng Thị Phượng - nguyên trưởng khoa lao và bệnh phổi - Bệnh viện Phổi trung ương, người bệnh được chỉ định làm thêm các xét nghiệm tầm soát lao qua mẫu phân. 

Bệnh nhân vô cùng bàng hoàng có kết quả xét nghiệm Xpert và MGIT (mẫu phân) dương tính, Quantiferon xét nghiệm máu dương tính và xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

Tương tự, bệnh nhân nam 61 tuổi (Hà Nội), vào Bệnh viện E khám vì triệu chứng đau bụng vùng hố chậu phải.

Kết quả hình ảnh CT cho thấy có thâm nhiễm nhẹ tổ chức mỡ xung quanh và nhiều hạch mạc treo lân cận, hạch lớn nhất 19 x 13mm. Tổn thương nằm chủ yếu ở phần cuối hồi tràng. Giải phẫu bệnh cho thấy đây là hình ảnh tổn thương lao.

Theo ThS Phạm Thị Quế - chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, bệnh lao ruột xảy ra khá âm thầm, dấu hiệu bệnh lao ruột thường không đặc hiệu, do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu. 

Các dấu hiệu bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như: Buồn nôn, đau bụng toàn bộ hay khu trú, thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải; đường ruột bị tắc nghẽn do hẹp gây nên tình trạng đau quặn bụng với chứng sôi bụng xảy ra.

Bệnh lao ruột xảy ra do 2 nguyên nhân là nguyên phát và thứ phát:

- Lao ruột nguyên phát: Là loại lao ít gặp, xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể thông qua đường tiêu hóa và khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác.

- Lao ruột thứ phát: Là lao ruột thường gặp sau khi bệnh nhân bị lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu lao màng bụng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng - khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E - cho biết lao ruột chiếm 1% - 3% tổng số ca lao trên toàn thế giới. Vùng hồi tràng là vùng thường bị ảnh hưởng nhất; tuy nhiên, nó có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa.

Chẩn đoán lao ruột là một thách thức và thường bị trì hoãn do biểu hiện không đặc hiệu. Vi khuẩn lao tạo lên những tổn thương đặc hiệu tại ruột và tình trạng nặng nhẹ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Lúc đầu, triệu chứng lâm sàng của lao ruột khá âm thầm, nên ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu.

Biểu hiện chủ yếu là đau bụng âm ỉ kéo dài, gầy sút, chán ăn, có rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đôi khi kèm táo bón (dễ nhầm với bệnh viêm đại tràng do amíp hay tạp khuẩn), sốt về chiều (thường sốt không cao), ra mồ hôi...

Hình ảnh nội soi dạ dày niêm mạc bất thường - Ảnh: BVCC

Hình ảnh nội soi dạ dày niêm mạc bất thường - Ảnh: BVCC

Nhiều dạng và nhiều thể bệnh

Các chuyên gia cho biết lao ruột tùy theo vị trí tổn thương mà có các biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, thể loét tiểu đại tràng, bệnh nhân thường sốt cao, tiêu chảy ngày 2 - 3 lần, bụng to, trướng hơi, ăn vào đau, bệnh nhân sợ ăn, suy kiệt nhanh.

Thể có khối u ở khối chậu đại tràng, bệnh nhân sốt, vã mồ hôi, đi ngoài lúc lỏng, lúc táo, đau khu trí hố chậu phải hoặc dọc đại tràng, u mềm ấn đau, tiến triển chậm, di chuyển ít.

Thể hẹp ruột đau bụng tăng lên khi ăn, bụng nổi cuộn từng khối di chuyển nhiều hơi, trong cơn đau thăm khám có khối u, ngoài cơn đau khối u mất đi, hẹp ruột nhiều chỗ...

Lao ruột dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm ruột do ký sinh trùng, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng, ung thư hồi manh tràng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời lao ruột, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Theo bác sĩ Hằng, bệnh lao đường tiêu hóa thường có các dạng như sau:

Lao thực quản: Thường do lan truyền theo con đường kế cận, thường xảy ra ở 1/3 giữa thực quản ngang mức carina từ các hạch lympho vỡ, mặc dù bản thân nó có thể tự tiến triển.

Lao dạ dày: Do có sự bảo vệ của vỏ axit béo của mycobacteria, các tổn thương đường tiêu hóa đoạn gần được cho là hiếm gặp. Các yếu tố khác được cho là có thể ngăn ngừa bệnh lao trong dạ dày và tá tràng là môi trường axit cao, thời gian vận chuyển nhanh và sự vắng mặt tương đối của mô bạch huyết. 

Lao dạ dày thường ảnh hưởng đến hang vị và đoạn xa của thân vị và cũng giống tổn thương loét, tuy nhiên sự tạo thành xoang, hốc hoặc lỗ rò cho phép gợi ý tổn thương lao.

Lao ruột non và đại tràng với bốn dạng chính:

• Loét - dạng phổ biến nhất. Thường biểu hiện bằng các vết loét ngang nông. Thường gặp ở ruột non.

• Phì đại - xảy ra như một phản ứng tăng sản xung quanh vết loét, tạo ra một khối viêm. Thường xảy ra ở manh tràng.

• Loét-phì đại - sự kết hợp đồng thời của tổn thương loét và phì đại

• Tổn thương xơ hóa, chít hẹp - có thể dẫn đến xơ hóa, co kéo gây chít hẹp lòng ruột, dẫn đến tắc ruột.

Lao trực tràng và hậu môn: Lao liên quan đến vùng trực tràng và hậu môn có thể xuất hiện dưới dạng nhiều lỗ rò (bắt chước bệnh Crohn) hoặc các tổn thương lâu lành sau các can thiệp hoặc thủ thuật gần đây.

Lao ruột đáp ứng tốt với các thuốc kháng lao tiêu chuẩn. Lao đường tiêu hóa không được điều trị có tỉ lệ tử vong từ 6% đến 20%.

Để phòng lao ruột, cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý. Khi có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.


Bệnh lao có thể phòng, điều trị nhưng mỗi năm vẫn có 13.000 người tử vongBệnh lao có thể phòng, điều trị nhưng mỗi năm vẫn có 13.000 người tử vong

Bất chấp những tiến bộ đã đạt được, Việt Nam vẫn phải chịu gánh nặng bệnh lao rất cao. Trên khắp đất nước, mỗi năm ước tính 13.000 người tử vong vì căn bệnh này, mặc dù đây là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên