Một trong những công trình được xem là vi phạm về trật tự trong quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008 tại xã Minh Phú, huyện Saóc Sơn - Ảnh: P.THẢO
Sau khi Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra toàn diện liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng... liên quan rừng phòng hộ Sóc Sơn, nhiều người dân bất ngờ trước con số công trình vi phạm lớn hơn nhiều so với kết quả kiểm tra, rà soát trước đó của UBND huyện Sóc Sơn.
Chính quyền buông lỏng, không xử lý
Thanh tra chỉ ra UBND huyện Sóc Sơn không tổ chức xử lý tới 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Đặc biệt, do buông lỏng quản lý dẫn đến các công trình xây dựng mới trên đất rừng vẫn tiếp tục tăng.
Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra, rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, con số công trình vi phạm trên thực tế lớn hơn rất nhiều.
Chỉ tính riêng ở 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng, có đến 797 công trình vi phạm.
Nhiều câu hỏi được nhiều người dân ở huyện Sóc Sơn đặt ra sau khi đọc thông báo kết luận thanh tra.
Ông Nguyễn Đình Cường - trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí - nói: "Chúng tôi thất vọng! Những trường hợp vi phạm mà người dân chúng tôi cần "chỉ mặt đặt tên" không thấy nêu trong thông báo kết luận".
Kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn: Hàng loạt công trình lớn vi phạm - Video: TVO
Ở lâu nên khó xử lý?
Ông Trương Văn Nhuận, chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho hay trước khi có kết luận thanh tra, ông đã kiến nghị xem xét lại các công trình vi phạm ở thôn Minh Trí. Đặc biệt là các công trình xây dựng của người dân vì đến nay, thôn Minh Trí mới được xem xét đưa vào bản đồ địa chính.
Tuy nhiên, ông Nhuận cũng cho biết đến thời điểm hiện tại, ông chưa nhận được thông báo kết luận và chỉ đạo của cấp trên nên chưa biết các kiến nghị của ông có được tiếp thu hay không.
"Cấp trên chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện, tuy nhiên các trường hợp ở thôn Minh Trí rất khó vì người dân đã sinh sống ổn định hơn ba chục năm rồi" - ông Nhuận chia sẻ.
Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Hà Nội chỉ ra UBND huyện Sóc Sơn và UBND các xã có rừng ở huyện này đã ký cho các hộ dân mượn đất theo hình thức sổ lâm bạ. Tuy nhiên, cả UBND huyện và UBND các xã được thanh tra không thống kê được số lượng sổ lâm bạ đã cấp.
Các xã được thanh tra ở Sóc Sơn cũng không lưu giữ hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ, không cập nhật và theo dõi biến động trong sử dụng đất. Cũng vì nguyên nhân này, chính quyền xã không xác định được tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng của các hộ gia đình.
Hậu quả là hàng trăm hồ sơ mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong quy hoạch rừng phòng hộ được chứng thực. Nhiều thửa đất nằm trong rừng phòng hộ vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình xử lý các vi phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lại kiến nghị cưỡng chế
Đặc biệt, đoàn thanh tra liên ngành kiến nghị cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong năm 2017 - 2018, thiết lập hồ sơ, xử lý đúng quy định, đảm bảo đất đai được sử dụng đúng mục đích.
Với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ 2006-2018 tại một số khu vực ở Sóc Sơn, thanh tra cũng đề nghị có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất sử dụng đúng mục đích.
Chiều 22-3, trả lời Tuổi Trẻ, ông Đỗ Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - cho biết ông vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhưng khẳng định: "Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc và triệt để chỉ đạo của cấp trên".
Thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn - Video: TTO
Chỉ rõ trách nhiệm cá nhân
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội, trách nhiệm cá nhân từng vùng vi phạm đã được chỉ ra.
Như vi phạm ở hai xã "nóng" bậc nhất là Minh Trí và Minh Phú, Sở NN&PTNT đã thiếu kiểm tra, hướng dẫn trong công tác quản lý nhà nước với Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội để đơn vị buông lỏng quản lý, không lưu giữ hồ sơ tài liệu về quy hoạch rừng và hồ sơ quản lý rừng, để các tổ chức, cá nhân mua bán chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình vi phạm trên đất thuộc quy hoạch rừng.
Đến năm 2017-2018 Sở NN&PTNT mới có văn bản chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội trong việc quản lý, sử dụng đất rừng, đồng thời phối hợp lập biên bản các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trách nhiệm được chỉ rõ thuộc về chủ tịch UBND một số xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng đất đai, trật tự xây dựng; giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội; giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội từ năm 2008 đến nay.
Sai từ quy hoạch
Thông báo kết luận thanh tra chỉ ra năm 2012 UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch này đã chồng lên quy hoạch đất rừng của 8 xã đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008.
Trong đó, xã Minh Trí có diện tích chồng lấn khổng lồ: trên 139ha. Các xã khác cũng bị chồng lấn từ hàng chục đến cả trăm hecta lên đất rừng phòng hộ.
Tuy có nhiều kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của UBND TP nhưng việc xử lý của địa phương này vẫn "giậm chân tại chỗ".
Như bà Ngô Thị Loan, ở xã Minh Phú, được cấp hơn 3.800m2 đất ở từ năm 1997.
Năm 2008, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan thành 400m2. Tuy nhiên, trên thực tế bà Loan đã chuyển nhượng cho 4 hộ khác.
Đến năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn vẫn làm thủ tục cho 1 hộ trong 4 hộ trên chuyển nhượng cho những người khác.
Nhà ca sĩ Mỹ Linh trong quy hoạch rừng phòng hộ
Theo thông báo kết luận thanh tra, hộ ông Trương Anh Quân, vợ là Đỗ Mỹ Linh (ca sĩ Mỹ Linh) mua lại đất của hộ ông Đỗ Xuân Lâm năm 2011. Thửa đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 600m2 đất ở từ năm 1997, trước khi có quy hoạch rừng năm 1998.
Năm 2009, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Sóc Sơn lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng lưu ý, giấy chứng nhận này thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Chi hơn 28.500 tỉ đồng nâng tỉ lệ che phủ rừng Tây Nguyên
Thủ tướng vừa phê duyệt đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030. Mục tiêu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên từ nay đến năm 2030 đạt khoảng 2,7 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49%.
Đề án được đầu tư nguồn vốn lên tới 28.500 tỉ đồng để thực hiện bảo vệ 2.246.000ha rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Đồng thời, sẽ xử lý dứt điểm đối với 282.890ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, trồng mới 7.100ha rừng đặc dụng, phòng hộ, 136.600ha rừng sản xuất, trồng 48 triệu cây phân tán.
BẢO NGỌC
Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra
Hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn có hàng chục biệt phủ đang được xây dựng - Ảnh: NAM TRẦN
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội, có dấu hiệu tình trạng trên bảo dưới không nghe.
Theo kết luận thanh tra, sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008, nhưng sau đó UBND huyện Sóc Sơn không kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý hơn 300 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng.
Cơ quan chức năng của huyện này cũng không thống kê, kiểm tra, rà soát để tiếp tục phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Thực tế, có đến 115 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Thanh tra Chính phủ kiến nghị hiệu chỉnh nhưng UBND huyện Sóc Sơn mới hiệu chỉnh cho 20 trường hợp.
Đoàn thanh tra liên ngành của Hà Nội kiến nghị cho phép thanh tra chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đối với những trường hợp vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008.
Đoàn thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006 - 2018 đã không thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến, chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nhiều cá nhân, lãnh đạo các cơ quan khác có liên quan.
VŨ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận