![]() |
Ông Phan Văn Hà đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con trai - Ảnh: Cảnh Phúc |
![]() |
Di ảnh trung úy Phan Văn Hạnh - Ảnh: Cảnh Phúc |
Trước đó, lúc 18g chiều 22-1, xe chở linh cữu anh Hạnh về đến quê nhà. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, rất đông người thân, hàng xóm tập trung quanh chiếc xe đón người chiến sĩ trẻ trở về quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn. Giữa nhà, một chiếc bàn thờ trang trọng được lập để bà con đến chia sẻ nỗi đau cùng gia đình.
Từ ngày hay tin con trai cả hi sinh tại quần đảo Trường Sa, bà Trần Thị Đúc (52 tuổi, mẹ chiến sĩ Hạnh) ngất lên ngất xuống. Suốt mấy ngày liền bà Đúc không thiết ăn uống gì, bà chỉ mong con trai bà sớm được đưa về với người thân, gia đình. Những lúc tỉnh bà lại đi ra đi vào như người mất hồn, thỉnh thoảng nhìn di ảnh cậu con trai rồi khóc nấc gọi tên con. “Hạnh ơi là Hạnh, mẹ đón con về ăn tết như thế này đây hả con. Con hãy dậy nói chuyện với mẹ đi Hạnh ơi…”, bà Đúc nức nở.
Trung úy Phan Văn Hạnh là anh cả trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống cũng không mấy khá giả. Học hết cấp III, vì hoàn cảnh gia đình, anh Hạnh không thi đại học mà ở nhà lao động cùng bố mẹ để nuôi các em ăn học. Đến tháng 3-2002, khi vừa tròn 21 tuổi, anh Hạnh đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự và được nhập ngũ vào Tiểu đoàn 865 thuộc Lữ đoàn 126 Hải quân.
Tháng 6-2002, chiến sĩ Hạnh được chuyển sang làm nhiệm vụ tại kho 862 thuộc Cục Kỹ thuật hải quân. Đến tháng 12-2003, anh Hạnh được chuyển về công tác tại Trung đội vệ binh Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân. Hai năm sau, chiến sĩ Hạnh được phong hàm hạ sĩ và được cử đi học tại lớp máy tàu Tiểu đoàn 5 Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân.
Năm 2007, anh Hạnh nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Dung là một thôn nữ cùng làng. Một năm sau, bé Phan Thùy Dương ra đời trong niềm mong mỏi của cả gia đình, họ hàng. Cũng trong thời gian này, sau khi học xong lớp trung cấp máy tàu, anh Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94, căn cứ biển đảo Hậu cần kỹ thuật 696 - Hải quân và được phong hàm trung úy. Từ tháng 5-2013 đến nay, trung úy Hạnh được điều động về Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân công tác.
Ngày 18-1-2014, trên đường đi tuần tra bảo vệ đảo Tóc Tan C thuộc quần đảo Trường Sa, xuồng của trung úy Hạnh bị lật và anh Hạnh đã hi sinh sau đó. Thi thể anh được đưa về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai và chuyển về Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng để làm lễ nhập quan. Theo nguyện vọng của gia đình, thi thể trung úy Hạnh được đưa về quê nhà an táng.
Đón nhận linh cữu cùng những kỷ vật của con trai từ phòng chính sách Quân chủng Hải quân, ông Phan Văn Hà (54 tuổi, bố trung úy Hạnh) rưng rưng: “Thằng Hạnh của bố đây rồi. Con trở về mà không nói với bố mẹ một lời nào hả con. Sao không để tôi đi thay con mà lại bắt kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh như thế này…”.
Ông Hà kể cách đây 2 tuần, anh Hạnh điện thoại về hứa là tháng 3 sẽ cắt phép về quê, sửa sang lại nhà cửa cho bố mẹ. Dự định chưa kịp thực hiện thì vợ chồng ông Hà lại đón con trở về trong nỗi đau chưa biết đến bao giờ nguôi.
Trên chiếc giường nhỏ, chị Nguyễn Thị Dung (vợ chiến sĩ Hạnh) thều thào gọi tên chồng: “Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi như vậy…”.
Bên cạnh chị Dung, cháu Phan Thùy Dương đầu chít vành khăn tang trắng thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo đòi bố. Dường như bé Dương còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Nhìn ánh mắt trong veo, thơ ngây của bé Dương, không ai cầm nổi nước mắt.
Sáng 23-1, nghĩa trang Vĩnh Thành chật cứng người tới dự lễ an táng trung úy Phan Văn Hạnh. Lẫn trong dòng người đi viếng, những người bạn, những chiến sĩ mặc áo hải quân đứng nghiêm giơ tay chào đồng đội lần cuối. Khi linh cữu được đưa xuống huyệt mộ, đôi mắt người nào cũng đỏ hoe nhưng ai cũng cố ngẩng cao đầu để dòng lệ không rơi xuống.
Một người con ưu tú của đất lúa Yên Thành đã mãi mãi nằm xuống lòng đất mẹ, thế nhưng trên khuôn mặt dòng người đang tiễn đưa trung úy Hạnh về nơi an nghỉ cuối cùng vẫn ánh lên niềm tự hào, niềm kiêu hãnh về người con đất Việt đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận