12/05/2016 10:14 GMT+7

Đặt hàng với tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Sau bức thư “8 thỉnh cầu gửi bộ trưởng” của cô giáo Thu Hiền, nhiều bạn đọc đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục nhận, chuyển tải những đóng góp, trăn trở của giáo viên, học sinh, phụ huynh, các chuyên gia đến tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Làm sao để học sinh không mệt mỏi với chương trình học quá nặng nề? Trong ảnh: một em học sinh đang ngáp bên cạnh những gương mặt chán nản khác... - Ảnh: Như Hùng
Làm sao để học sinh không mệt mỏi với chương trình học quá nặng nề? Trong ảnh: một em học sinh đang ngáp bên cạnh những gương mặt chán nản khác... - Ảnh: Như Hùng

Tiếp thu những ý kiến của bạn đọc, từ hôm nay, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng” Phùng Xuân Nhạ, nhằm góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Những ý kiến, bài viết gửi về diễn đàn vui lòng gửi theo địa chỉ: tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: giaoduc@tuoitre.com.vn.

Các ý kiến, bài viết sẽ được chúng tôi đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày và trên tuoitre.vn. Xin vui lòng ghi rõ địa chỉ, tài khoản ngân hàng để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút khi bài được sử dụng.

Mở đầu, chúng tôi xin được giới thiệu dưới đây một số ý kiến của bạn đọc:

Bộ trưởng hãy lưu tâm

* Những lời thỉnh cầu của cô giáo Thu Hiền rất cụ thể, thiết thực và rất đáng trân trọng. Mong bộ trưởng Bộ GD-ĐT và tất cả các vị hữu trách của ngành xem xét, đổi mới và đáp ứng những nguyện vọng sâu xa của các thầy cô có tâm huyết với nghề, với học sinh, sinh viên. Điều này sẽ giúp cho nền giáo dục nước nhà có một sự đổi mới thực sự, xứng tầm với đà phát triển của xã hội hiện đại.

NGUYỄN THU THỦY (srthuy@...)

* Cảm ơn cô giáo Thu Hiền và cảm ơn Tuổi Trẻ đã đăng bức thư này. Mong rằng những góp ý này sẽ được tân bộ trưởng nhìn nhận và thực hiện. Bản thân tôi đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm và đang học văn bằng 2. Lúc học chung với các em năm 1, 2 hiện giờ, các em hỏi tôi mấy môn đại cương có ứng dụng gì sau này khi đi làm việc không? Tôi chỉ biết nói là học cho biết, còn ứng dụng hay không là chuyện khác...

ĐÀO (todao1812@...)

* Ngày trước, khi làm giáo viên tôi cũng bức xúc, góp ý này nọ. Khi có bộ trưởng mới lên, trong lòng cũng lóe lên những hi vọng mới. Nhưng rồi... kết quả vẫn là nỗi thất vọng, có khi còn nặng nề hơn trước! Rồi thôi tôi không nói gì nữa, lặng lẽ bỏ cái nghề mà danh xưng là cao quý đó...

HUỲNH HIẾU (hieugc@...)

* Cảm ơn cô Hiền, em cũng có quan niệm giống cô, nhưng mình nói thì có ai nghe. Giờ chỉ mong tân bộ trưởng thấy được cái gốc của vấn đề giáo dục nước nhà, để thay đổi cho đúng, trúng và phù hợp thời đại. Mong thay!

NGUYỄN THỊ HẠNH (thuathien80@...)

* Lá thư rất hay và tỏ rõ tâm huyết, các vấn đề đưa ra rất sắc sảo! Lãnh đạo nên lắng nghe và mạnh dạn thay đổi; trước mắt là chống bệnh thành tích và cấm huy động, đóng góp các khoản lung tung, phát sinh nhiều tiêu cực, và làm nhòe hình ảnh cao quý của nhà giáo!

TRƯƠNG (trvto@...)

* Tôi đã đọc và rất xúc động trước lá thư gửi tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT của cô Thu Hiền. Nhưng tôi vẫn tự hỏi: liệu đích thân bộ trưởng có đọc lá thư này hay không?

TIẾN LỢI (phamtienloi041263@...)

* Tôi đã đọc từng câu, từng chữ trong lá thư này của cô Thu Hiền. Đây cũng chính là tâm nguyện của tôi khi còn đứng lớp. Nay tôi đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn mong muốn những thỉnh cầu này của cô Hiền đến được với bộ trưởng và được bộ trưởng lưu tâm, xem xét, chấp thuận.

NGUYỄN THỊ KHÁNH (khanhlc64@...)

Đề xuất thứ 9 với tân bộ trưởng

* Tôi đồng ý với tất cả những điều cô Hiền đề xuất, và muốn bổ sung thêm một số điểm. Như việc trung thực trong nhà trường, trong thi cử. Vì muốn các em có điểm trung bình các môn học cao, các trường đã tạo điều kiện tối đa cho học sinh có điểm dễ dàng, như gợi ý đề trước, coi thi rất dễ, cho điểm trên lớp rất thoáng... Học sinh bây giờ còn không biết trung thực là gì, thậm chí em nào trung thực quá sẽ bị xem là... ngu! Các em nhìn bài của bạn chép, mang tài liệu vào phòng thi chép để được điểm cao. Có học sinh năm lớp 11 loại yếu, phải thi lại để lên lớp, nhưng lên lớp 12 điểm trung bình các môn được 8,0! Tôi không biết cứ thế này thì tương lai giáo dục sẽ ra sao?

THIỆN LINH (visaolac83@...)

* Một bài viết rất tâm huyết và đầy trách nhiệm với ngành! Và tôi cũng xin gửi thêm đến bộ trưởng “lời thỉnh cầu thứ 9”. Đó là căn bệnh thành tích vẫn còn đang âm ỉ trong ngành, nhất là ở cấp 1, làm méo mó chất lượng thật sự của nền giáo dục. Bộ GD-ĐT phải có những tiêu chí thích hợp để đánh giá nhà trường, đánh giá giáo viên mà không phải dựa theo thành tích “ảo”.

SÔNG TRẸM (tubienhoa52@...)

* Xin bộ trưởng đừng để giáo viên phải làm những công việc không phải là giảng dạy như: thu học phí, thu quỹ phụ huynh, thu bảo hiểm, thu kế hoạch nhỏ... Mỗi khi thu những khoản tiền này, nhiều phụ huynh cho rằng giáo viên ép học sinh đóng, rồi chửi bới, lăng mạ. Họ có biết đâu giáo viên làm không công, trái chuyên môn, có khi bị mất tiền phải đền... Việc thu tiền nên để cho kế toán, thủ quỹ làm.

TRANG (trangcaoqlcn93@...)

* Xin thêm một điều nữa gửi tân bộ trưởng. Chuyên viên công tác tại các phòng GD-ĐT là từ các giáo viên giỏi hoặc ban giám hiệu các trường mới được điều động. Nhưng về công tác tại phòng GD-ĐT thì bị cắt phụ cấp đứng lớp, không hưởng phụ cấp thâm niên, là viên chức nên không có phụ cấp công vụ. Tổng thu nhập giảm 30 - 40% so với lúc công tác tại các trường. Một, hai năm thì không sao, nhưng công tác lâu dài thì thật thiệt thòi cho những cán bộ này, vì bản thân họ cũng là giáo viên. Kính đề nghị bộ trưởng hãy xem xét và có chế độ phù hợp hơn cho đối tượng này.

(ctphocaptb@...)

* Tuy tôi không làm trong ngành giáo dục và cũng đã nghỉ hưu lâu rồi, nhưng tôi đặc biệt đồng tình với bài viết của cô Thu Hiền, nhất là về việc phải dạy cho học sinh lòng tự trọng, bỏ bớt chương trình học cho học sinh, có nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng... Ngoài ra tôi còn muốn đánh giá giáo viên bằng cách lấy phiếu kín của học sinh để tham khảo; hiệu trưởng cũng phải có chương trình hành động cụ thể, và sau bốn năm phải được giáo viên trong trường bầu lại.

Đối với học sinh, cần được giảm tải chương trình học vì quá nặng, nhưng không được xem nhẹ môn lịch sử, và cần dạy thêm về ý thức công dân, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường... Nếu các em không được học ở trường thì không ai có thể dạy cho các em những điều đó.

LÊ THANH (thichchala@...)

 

* Trần Tuấn Anh (giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM):

Hãy để giáo viên sống được bằng lương

Ý kiến của cô Hiền làm khơi dậy sự hứng thú, nhưng cũng đầy tâm tư đối với một giáo viên môn giáo dục công dân như tôi: “Trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu”. Tôi hiểu ý của cô Hiền tức là cần phải nâng cao vị trí, vai trò của môn giáo dục công dân. Nhưng nâng cao không phải là tăng thời lượng môn học, cũng không phải đưa môn học này vào danh sách những môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bởi nếu làm như thế có khi tình hình còn tệ hại hơn bây giờ.

Trước khi đề đạt ý kiến của mình đối với bộ trưởng, tôi xin kể câu chuyện sau: Tôi dạy giáo dục công dân cho học sinh lớp cuối cấp. Cuối năm tôi hỏi: “Các em có thích môn của thầy không?”, cả lớp giơ tay. Tôi lại hỏi: “Có em nào đi theo nghề của thầy không? Thầy sẽ truyền nghề cho”, tuyệt nhiên không có cánh tay nào giơ lên cả. Như thế đủ biết sự đánh giá của các em đối với nghề nghiệp này như thế nào. Đó là nỗi đau của những giáo viên dạy môn học này.

Tóm lại, tôi mong mỏi tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT hãy giải quyết cái gốc của vấn đề: đó là tăng lương cho giáo viên, để họ có thể sống được bằng lương. Giải quyết được vấn đề này thì trường sư phạm sẽ thu hút được nhiều người tài vào phục vụ cho sự nghiệp trồng người. Chứ chương trình, sách giáo khoa có hay cách mấy mà người thầy không giỏi, không tâm huyết thì sẽ rất khó mà thay đổi chất lượng giáo dục được. 

H.HG. ghi

 

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên