26/07/2019 10:46 GMT+7

Đào tạo nghề chuẩn quốc tế

HOÀNG ANH
HOÀNG ANH

TTO - Có 22 nghề đang được đào tạo theo chuẩn quốc tế tại 45 trường cao đẳng trong cả nước với tổng số sinh viên là 1.056 theo Kế hoạch thí điểm nghề trọng điểm quốc tế của Bộ Lao động - thương binh và xã hội bắt đầu từ năm 2019.

Đào tạo nghề chuẩn quốc tế - Ảnh 1.

Chuyên gia Jean Jacques Diverchy (Pháp) tham gia đào tạo nghề cho sinh viên Trường CĐ Dung Quất (Quảng Ngãi). Đây là trường thí điểm đào tạo chất lượng cao nghề bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí - Ảnh: TRẦN MAI

Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng trong quá trình học sinh viên phải học tiếng Anh hoặc tiếng Đức để đến khi kết thúc khóa phải đạt tối thiểu trình độ B1 châu Âu.

Bằng tốt nghiệp của Đức

Theo đó, học xong chương trình này người học được cấp bằng nghề của Đức (do HWK Leipzig cấp, tương đương trình độ bậc 4 theo Khung trình độ quốc gia Đức). Chương trình bắt đầu từ năm học 2019-2020 và kéo dài đến năm 2025, với số lớp thí điểm là 66.

Phương thức tuyển sinh theo thi và xét tuyển dành cho người tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, có hạnh kiểm khá trở lên, ưu tiên lựa chọn những học sinh có kết quả học tập năm lớp 12 loại khá trở lên. Chương trình cũng ưu tiên sinh viên diện chính sách.

Chương trình đào tạo của 22 nghề trọng điểm này gồm các môn học chung theo quy định của Việt Nam và chuyên môn là bộ chương trình chuyển giao từ Đức. Phần học chung gồm năm môn như pháp luật, ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, an ninh. Môn Giáo dục chính trị theo quy định của Đức được xếp vào các môn chuyên ngành.

Môn ngoại ngữ được bổ sung và tăng thời lượng để đảm bảo người học đạt trình độ B1 hoặc tương đương. Thời lượng đào tạo ngoại ngữ những ngành nghề 3 năm là 600 giờ và ngành nghề 3,5 năm là 540 giờ.

Phần đào tạo chuyên môn theo chương trình chuyển giao từ Đức, có số giờ đào tạo là 5.304 giờ đến 6.188 giờ tùy theo nghề.

Giáo viên theo quy định Đức

Theo đề án, các trường lựa chọn giảng viên tham gia đáp ứng các quy định chung hiện nay và phải đạt chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Đức. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải đáp ứng trình độ tin học phục vụ cho việc giảng dạy.

Tập đoàn AVESTOS (Đức) cử chuyên gia, giảng viên đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm sang Việt Nam để khảo sát, kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn quá trình đào tạo cũng như cấp bằng cho sinh viên Việt Nam. Việc thi tốt nghiệp của sinh viên cũng được thực hiện theo quy định Đức.

Mỗi lớp học không quá 16 sinh viên. Trường thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên ra trường.

Theo mô hình của Đức, việc gắn kết với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo. Vì vậy, trường phải có mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và cam kết bố trí việc làm cho 100% sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên môn.

Đào tạo nghề chuẩn quốc tế - Ảnh 2.

22 nghề được đào tạo khắp cả nước

Những ngành nghề được đào tạo gồm: bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; chế biến và bảo quản hải sản; chế tạo thiết bị cơ khí; công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; cắt gọi kim loại; công nghệ ô tô; điện công nghiệp; điều khiển tàu biển; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; hàn; khai thác máy tàu thủy; kỹ thuật chế biến món ăn; lắp đặt thiết bị cơ khí; quản trị khách sạn; quản trị lễ tân; sửa chữa máy tàu thủy; vận hành máy thi công nền; thiết kế thời trang; vận hành thiết bị chế biến dầu khí; điện tàu thủy; kỹ thuật xây dựng và vận hành máy thi công mặt đường. Những ngành nghề này được đào tạo tại các trường CĐ trong khắp cả nước.

Tháng 9,10-2019 dự kiến bắt đầu triển khai đào tạo thí điểm cho 1.056 sinh viên trình độ cao đẳng theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức. Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đủ sức để cạnh tranh với nguồn lao động trong ASEAN và trên thế giới. Từ năm 2020 trở đi sẽ đào tạo nhân rộng cho 12 bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc và năm 2022 sẽ đào tạo nhân rộng cho 22 bộ chương trình đã chuyển giao từ Đức.

Đáp ứng yêu cầu quốc tế

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đang triển khai thực hiện đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Tổng cục đã hoàn thành chuyển giao 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế từ Úc và Đức. Hiện đang thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng, một bằng CĐ của Việt Nam và một bằng của Úc hoặc Đức.

Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, chuyển giao chương trình không phải là chỉ chuyển giao, nhập giáo trình mà là cả bộ chương trình đào tạo với trọn gói toàn bộ công nghệ đào tạo (từ chương trình, giáo trình, tài liệu; kế hoạch đào tạo; danh mục thiết bị; nội dung, cách thức kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng quốc tế....).

Trong đó đảm bảo nội dung cốt lõi theo bản gốc của nước chuyển giao nhưng có rà soát, bổ sung điều chỉnh một phần kiến thức, kỹ năng cho phù hợp đặc điểm thị trường lao động của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao kiểm định và công nhận đạt chất lượng quốc tế.

Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: Hãy ủng hộ nếu con muốn học nghề Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: Hãy ủng hộ nếu con muốn học nghề

TTO - 10 ngày thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với các thí sinh. Chọn trường, chọn ngành lúc này nếu sai một li là đi một dặm, sẽ là lãng phí thời gian và tiền bạc nếu quyết định sai.

HOÀNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên