10/08/2017 09:43 GMT+7

Đảo lộn cuộc sống vì sốt xuất huyết

Q.LIÊN - T.DƯƠNG - TÂM ĐỨC
Q.LIÊN - T.DƯƠNG - TÂM ĐỨC

TTO - Cả nước đã có 78.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), 20 người chết. Cuộc sống người dân đang bị đảo lộn...

Nhiều người lớn bị bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị ngoài hành lang khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới do quá tải - Ảnh: HỮU KHOA

Khoảng nửa tháng nay, chị Hiền ở Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội - nơi là điểm nóng về SXH - cho hai con nhỏ “di tản” xuống nhà bà ngoại ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách đó 2km để phòng SXH. Hiện chỉ có chồng chị Hiền ở lại trông nom nhà cửa. Chị Hiền cho biết mặc dù bất tiện trong sinh hoạt khi đi đi lại lại giữa nhà bà ngoại, nhà chính và cơ quan nhưng vẫn phải sắp xếp vì sợ các con bị SXH.

Hàng loạt gia đình cùng bị sốt

Chị H.T.N., 35 tuổi, ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội bị SXH ngày thứ 6 đang nằm cùng phòng với hai con cũng bị SXH phải điều trị. Chị N. kể trong suốt 10 ngày qua, chị ở trong tình trạng bí bách, cùng cực vì vừa ốm, vừa phải chăm con SXH. Gia đình chị N. có 8 người thì 6 người được xác định SXH, trong khi những người bị SXH hiện tại còn chưa ra viện thì lại có người sốt nghi ngờ mắc SXH.

Vào thứ tư tuần trước, con gái lớn của chị N. bị sốt cao, đau đầu, đi khám được xác định SXH nhưng được cho về, hướng dẫn điều trị ngoại trú, hẹn đến đầu tuần quay lại kiểm tra, nhưng chủ nhật tình trạng bé đột ngột nặng, sốt li bì, hôn mê phải nhập viện cấp cứu. Con gái bị sốt hôm thứ tư thì hôm thứ năm con trai út chị N. tiếp tục bị sốt và được xác định bị SXH.

Đang rối bời vì chăm hai con ốm thì vào ngày thứ sáu chị N. lại bị SXH... Ngoài mẹ con chị N., trong gia đình còn có mẹ chồng và hai cháu ở chung cũng bị SXH. Người còn lại trong gia đình là chồng chị N. đến nay cũng bị sốt cao, nghi ngờ SXH.

Chị N. cho hay nhà chị kiệt quệ, mệt mỏi vì cả nhà cùng ốm một lúc, nghỉ làm, không có tiền điều trị...

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - phó trưởng khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho biết những nơi đang cao điểm về SXH là: Phú Lương, Kiến Hưng, Vạn Phúc, Dương Nội... có nhiều gia đình cùng bị SXH.

Phun muỗi buổi sáng, chiều muỗi bay vèo vèo

Chị N. cũng cho biết cách đây khoảng hai tháng có cán bộ y tế đến phun diệt muỗi nhưng chỉ đứng ngoài phun vào trong nên không hiệu quả. Phun buổi trưa thì buổi chiều vẫn thấy muỗi bay vèo vèo, đậu trong nhà. “SXH lây lan suốt khu vực tôi ở từ hai ba tháng nay, nhà nào tại tổ dân phố nơi tôi sinh sống cũng có người SXH, nhiều trường hợp cả gia đình bị SXH" - chị N. nói.

Khảo sát tại khu vực phường Phú Lương, Q.Hà Đông - nơi trọng tâm SXH hiện nay, đặc biệt ở các tổ 2-3-4 hầu như gia đình nào cũng có người mắc SXH. Dọc đường vào khu tổ 2-3-4... là cánh đồng, mương nước sinh hoạt và nhiều bãi hoang với cỏ, vật liệu xây dựng, xung quanh có các công trình xây dựng dang dở là môi trường lý tưởng cho muỗi phát triển.

Hiện chưa tới mùa cao điểm (tháng 9-11) của dịch SXH, nếu như y tế địa phương không có các biện pháp phòng dịch triệt để, quyết liệt thì nguy cơ dịch sẽ bùng phát, khủng hoảng hơn con số hiện nay.

Người dân ở Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội cho biết có hiện tượng cán bộ y tế đến phun diệt muỗi nhưng chỉ phun tầng 1, nếu muốn phun kỹ các tầng phải chi "dịch vụ" thêm vài chục nghìn đồng.

Bà T.T.T. ở Xóm Cầu, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội cho biết y tế địa phương nhiều lần phát tờ rơi, có tuyên truyền phòng chống SXH trên loa truyền thanh và khoảng nửa tháng trước có đại diện xóm mang cá đến từng nhà để kiểm tra ổ lăng quăng, nhưng chỉ đứng ngoài hỏi han mà không trực tiếp vào trong nhà kiểm tra, từ đó đến nay không thấy kiểm tra lại.

Nhiều gia đình tự mua thuốc diệt muỗi về phun khắp nhà.

Coi chừng nhầm SXH với bệnh khác

Tại phòng bệnh số 6, khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, chị M.T.H., 33 tuổi, ngụ P.8, Q.Gò Vấp đang chăm con trai 10 tháng tuổi mắc bệnh SXH, kể chiều thứ bảy tuần rồi bé sốt cao, sáng chủ nhật chị đưa con đi khám, lúc đầu bác sĩ nói mắc bệnh viêm họng. Chiều về chị tiếp tục dùng thuốc hạ sốt cho con nhưng con vẫn không hết sốt.

Lo lắng, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám thì được chẩn đoán mắc bệnh SXH, bác sĩ cho con chị nhập viện. Trước đó, nghe nói cách nhà chị đang ở khoảng 100m, một gia đình khác cũng có hai người con lớn mắc SXH.

Tại phòng số 7 Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị P.T.N., 39 tuổi, P. Linh Trung, Q.Thủ Đức đang chăm con gái 11 tuổi mắc SXH. Chị N. kể cháu cứ sốt cao từng cơn, đo nhiệt độ toàn 39-40 độ C. Mới đầu đưa con đi khám, bác sĩ cũng chỉ nói sốt siêu vi; ngày hôm sau đi khám, cháu được chẩn đoán mắc bệnh viêm họng; ngày hôm sau nữa cháu mới được xét nghiệm, chẩn đoán mắc bệnh SXH. Từ hôm con bệnh, chị phải nghỉ việc suốt để trông con.

Không nằm mùng dù ở trong “ổ” SXH

Phường Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM là ổ dịch SXH lớn của quận, nơi có nhiều công ty, tập trung rất đông công nhân làm việc. Nhiều phòng trọ được xây dựng, đa số đều chật chội, ẩm thấp, nằm trong những con hẻm nhỏ ít ánh sáng. Một số mảnh đất trống chưa xây nhà nên bụi rậm mọc rậm rạp, người dân tận dụng làm nơi đổ rác thải, xà bần chất đầy, không tiêu hủy.

Bên cạnh đó nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò gần nhà. Chất thải từ gia súc, gia cầm không được dọn dẹp sạch sẽ, là điều kiện thuận lợi để muỗi trú ẩn, sinh sôi nảy nở, truyền bệnh cho con người. Nhiều người dân chỉ dùng những biện pháp đơn giản là dùng quạt chứ ít nằm mùng.

Chị Nguyễn Thị Lan Chi, một người dân ở KP5, cho biết thời gian gần đây muỗi xuất hiện nhiều, gia đình chị sợ bị muỗi đốt nên không cắm hoa, đổ nước đọng, thỉnh thoảng chị xịt thuốc muỗi dưới gầm bàn, gầm giường. Tuy nhiên chị Chi cho biết ban đêm ngủ, nhà chị chỉ bật quạt mà không giăng mùng.

Ông Nguyễn Tấn Định, ngụ P. Hiệp Thành, cho biết nhà ông cũng như một số người dân khác chỉ ngăn muỗi bằng cách không để nước đọng, rác thải ẩm ướt, còn khi ngủ cũng chỉ bật quạt và không giăng mùng.

Người bệnh phải được nằm mùng để tránh lây bệnh

Ngày 9-8, ThS.BS Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết người dân cần diệt lăng quăng để hạn chế muỗi, đặc biệt phải ngủ mùng cả ban ngày thay vì chỉ dùng mùng ban đêm, hoặc thoa kem chống muỗi, dùng nhang muỗi… để phòng chống bệnh SXH.

Muỗi lây truyền bệnh SXH rất thích hơi người, do đó không nên chất đống những quần áo đã mặc trong nhà mà nên giặt giũ thường xuyên.

Ngoài ra, những người đang mắc bệnh SXH trong cộng đồng cũng cần được nằm trong mùng để tránh bị muỗi chích, lây bệnh cho người khác.

Biến đổi khí hậu làm bệnh SXH tăng?

Rác thải được tập trung thành đống trên những mảnh đất trống (Q.12, TP.HCM) tạo điều kiện cho muỗi trú ngụ, phát triển - Ảnh: Tâm Đức

Trong một dự án do Sở Y tế phối hợp với Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ và các cơ quan liên quan thực hiện “Nâng cao khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ thông qua nghiên cứu và can thiệp có sự tham gia về bệnh SXH trong bối cảnh biến đổi khí hậu” (2012-2016) đã chỉ ra mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và việc gia tăng bệnh SXH trong những năm gần đây, làm phức tạp thêm công tác phòng chống dịch SXH trong cộng đồng.

Theo nghiên cứu của dự án, trong những năm gần đây bệnh SXH gia tăng không rõ tính chu kỳ, do tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, bệnh không chỉ xảy ra trong mùa mưa, mà cả trong mùa khô.

Các yếu tố góp phần gia tăng dịch SXH là quá trình đô thị hóa (quy hoạch treo, bỏ trống đất đai làm tình trạng ngập nước tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường...), hay yếu tố xã hội như mật độ dân cư cao tại các khu vực phát triển quá nhanh, là nguyên nhân tác động cho muỗi phát triển làm gia tăng số ca mắc SXH. Nhóm dân cư dễ bị tổn thương là dân nghèo sống trong điều kiện thiếu tiện nghi ở các khu vực nhà trọ, thiếu điều kiện tiếp xúc các thông tin... (T. Lũy)

*********

Kỳ sau: Bộ Y tế nói gì, làm gì? 

Q.LIÊN - T.DƯƠNG - TÂM ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên