Phun thuốc trừ muỗi cũng là một trong những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh: N.KHÁNH |
“Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban do virút: Đối với sốt phát ban do virút thì nốt ban xuất hiện trong giai đoạn người bệnh còn đang sốt; còn đối với sốt xuất huyết, các chấm xuất huyết xuất hiện ở giai đoạn nguy hiểm, tức là giai đoạn sốt đã bắt đầu lui" |
Sốt xuất huyết diễn biến nhanh và nếu không can thiệp kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, các chuyên gia hướng dẫn “cẩm nang” sau đây để mọi người đều biết cách phòng bệnh.
Tránh sốt xuất huyết từ A-Z
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), bất kỳ trường hợp sốt cao nào trong vùng dịch sốt xuất huyết cũng có thể nghi ngờ là mắc sốt xuất huyết. Ngay sau khi bị sốt, người bệnh cần đến các bệnh viện/phòng khám có điều trị sốt xuất huyết, xét nghiệm có phải mình mắc sốt xuất huyết hay không.
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 4 kể từ khi bị sốt, cụ thể là chảy máu chân răng, nữ giới xuất hiện kỳ kinh vào thời điểm bất thường, có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi... Lúc này người bệnh cần đến ngay bệnh viện để điều trị.
Trường hợp ngày thứ 4 của bệnh bạn đã lui sốt, không có các dấu hiệu chảy máu kể trên, người bệnh vẫn cần đi bệnh viện để xét nghiệm công thức máu, xem có hiện tượng cô đặc máu hay hạ tiểu cầu hay không.
Nếu có cả hai trường hợp này, người bệnh phải nhập viện. Nếu không, người bệnh tiếp tục được theo dõi hằng ngày.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng bao gồm sốt cao liên tục, mệt lả, nôn nhiều hoặc buồn nôn, ở trẻ nhỏ có các dấu hiệu vật vã và li bì. Có gia đình nghĩ rằng trẻ nằm im là đang đỡ mệt và ngoan, nhưng đây có thể là tình huống trẻ mệt lả, li bì. Bên cạnh đó, các dấu hiệu bệnh còn biểu hiện ở việc người bệnh đi tiểu ít, đau tức vùng gan...
Thuốc cần uống và cần tránh
Khi gia đình có người sốt xuất huyết, người thân có thể cho uống nhiều nước, đặc biệt là nước quả. Cho uống Paracetamol để hạ sốt nhưng tuyệt đối tránh Aspirin và Ibuprofen do có nguy cơ gây ức chế tiểu cầu và làm tăng chảy máu ở người bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, biến chứng hay gặp của mùa dịch này là sốc và tụt huyết áp. Hầu hết các trường hợp tử vong kể từ đầu mùa là do biến chứng sốc kéo dài, không được xử trí kịp thời, trong khi nếu xử trí kịp và đúng thì chỉ 24-48 giờ sau người bệnh sẽ thoát khỏi nguy hiểm.
Trong khi biến chứng xuất huyết não dù ít gặp hơn nhưng nếu gặp thì các bác sĩ có khi phải “bó tay”.
Xua muỗi bằng thảo dược tại nhà
Một số cách làm sạch môi trường bằng những cây cỏ có chứa nhiều tinh dầu khiến muỗi tránh xa:
- Trừ muỗi bằng các thảo dược như vỏ bưởi, vỏ chanh, vỏ quýt khô, củ sả khô, cho tất cả vào một cái chén sành, đốt lửa cho cháy âm ỉ, mùi tinh dầu sẽ khiến muỗi bay đi.
- Bột long não, đặt chúng trong phòng đóng cửa sau 15 phút, muỗi sẽ không vào phòng.
- Hương nhu, húng quế, trồng cây này xung quanh nhà sẽ giúp đuổi muỗi, mùi của cây này có thể diệt ấu trùng muỗi.
- Đun sôi tỏi trong nước, làm nguội, rồi để trong bình. Phun khắp trong phòng và môi trường xung quanh nhà bạn.
- Tinh dầu bạc hà là thuốc chống muỗi tốt. Bôi trên da hoặc xịt trong phòng đuổi muỗi.
- Tinh dầu củ sả và vani hoặc tinh dầu bạc hà và húng quế có tác dụng chống lại muỗi.
- Bạch đàn và dầu chanh, hỗn hợp của bạch đàn và dầu chanh là chất chống muỗi mạnh. Trộn tỉ lệ 1/1 và thoa đều trên da để tránh muỗi đốt.
- Tự chế một loại dầu chống muỗi tại nhà như sau: pha 1/4 chén nước sôi với 1/4 ly vodka và để nguội. Đổ nó vào một chai thủy tinh có nắp xịt và thêm vào 5 giọt tinh dầu bạch đàn chanh, tinh dầu khuynh diệp. Lắc đều trước khi xịt khắp phòng.
- Tự chế thuốc bôi da chống muỗi: đun nóng chảy 1/4 chén sáp ong và thêm 1/4 chén dầu dừa. Để nguội, nhỏ thêm 5 giọt dầu oải hương, 5 giọt dầu húng quế và 10 giọt tinh dầu sả citronella, trộn đều nhẹ nhàng thành khối nhão, dùng để bôi da khi cần thiết.
- Xịt tinh dầu sả vào các góc phòng. Lau nhà bằng nước pha tinh dầu như tinh dầu sả, oải hương, tràm...
Không tự ý tiêm, truyền tại nhà ThS Tạ Quang Mậu, trưởng khoa các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết gần đây đã có vài trường hợp đến khám, được xác định bị sốt xuất huyết nhưng trước đó đã điều trị tại nhà bằng tiêm kháng sinh liều cao và truyền đường. Theo ThS Mậu, kháng sinh liều cao không có ý nghĩa trong điều trị sốt xuất huyết, trong khi truyền đường có thể gây hiện tượng toan máu, toan chuyển hóa gây nguy hiểm cho người bệnh. |
Lá cây từ thiên nhiên hỗ trợ người sốt xuất huyết 1. Lá đu đủ: nước ép lá đu đủ là một trong những biện pháp khắc phục tự nhiên cho bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi đã chắc chắn về các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, hãy thử lấy một chiếc lá đu đủ tươi, cắt nó thành lát, thêm 100ml nước lạnh, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, lọc, để trong tủ và chia uống 4 lần trong ngày. Các hợp chất hữu cơ và chất dinh dưỡng trong đu đủ có thể giúp làm tăng lượng tiểu cầu, vitamin C kích thích hệ thống miễn dịch, các hợp chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Chú ý không được dùng phương thuốc này trong các trường hợp phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị dị ứng với men papain hoặc chất nhựa trong đu đủ, người sắp sửa phẫu thuật. 2. Rau tần, bồ bồ, cỏ cú, cam thảo, bầu dài, gừng khô, tiêu đen: mỗi loại 12-15g (hoặc 1/2 muỗng dạng bột), cho chung vào nồi và đun sôi với khoảng 300ml nước, chắt ra và uống ngày 2 chén, uống lúc nóng. Nếu người bệnh đang mang thai thì không nên cho tiêu đen vào bài thuốc. 3. Trà lá húng quế: uống nước từ lá húng quế để làm giảm triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và cũng để ngăn ngừa sự bùng phát của bệnh dịch này. Mỗi ngày nhai 15 lá chia 3 lần trong ngày, hoặc đun sôi trong nước, để nguội và chia đều nhiều lần uống trong ngày. Húng quế giúp làm hạ sốt, đổ mồ hôi, thúc đẩy tuần hoàn máu, các tinh dầu kháng khuẩn... Mùi lá húng quế từ cơ thể cũng giúp ngăn ngừa muỗi cắn. Không nên dùng lá này khi bị rối loạn đông máu và huyết áp thấp. 4. Nước ép rau mùi: lá rau mùi là một trong những biện pháp chữa trị tại nhà tốt nhất cho bệnh sốt xuất huyết. Chúng giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể trong giai đoạn nhiễm trùng, kháng khuẩn, tăng miễn dịch. Hạn chế dùng cho người bị dị ứng với cần, ngò, thì là… hoặc người đang dùng thuốc hạ đường huyết. 5. Nước lựu: số lượng tiểu cầu có thể tăng lên nhờ ăn quả lựu hoặc uống nước ép lựu. 6. Uống nhiều nước: uống càng nhiều nước càng tốt (có thể nước chanh hoặc cam loãng) để giúp lưu thông máu và không để mất nước, đồng thời làm dịu các triệu chứng như chuột rút cơ và nhức đầu. Ngoài ra, nước giúp loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể. Các liệu pháp tự nhiên tại nhà chỉ nên được sử dụng làm phương pháp điều trị thay thế trong điều kiện khắc nghiệt, thông thường nên đến bệnh viện càng nhanh càng tốt khi sốt xuất huyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận