14/03/2022 09:22 GMT+7

Đánh thuế bất động sản: Tỉnh táo trước các bài học đã có

NGỌC HIỂN thực hiện
NGỌC HIỂN thực hiện

TTO - Việc đánh thuế bất động sản không phải là vấn đề mới, song đừng hy vọng đây là công cụ chặn đầu cơ, ngăn thị trường bất động sản phát triển nóng bởi đây không phải là giải pháp mấu chốt.

Đánh thuế bất động sản: Tỉnh táo trước các bài học đã có - Ảnh 1.

Đánh thuế tài sản có thể tác động mạnh đến thị trường bất động sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS HỒ QUỐC TUẤN - giảng viên cao cấp chuyên ngành tài chính - kế toán, Đại học Bristol (Anh) - chia sẻ với Tuổi Trẻ sau khi Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản.

Ông nói:

- Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia phát triển, việc đóng thuế tài sản không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và giá nhà tăng phi mã. 

Muốn hạ nhiệt đầu cơ nhà thì yếu tố cốt yếu là phải tăng nguồn cung, giãn dân ở những đô thị đông đúc, mà muốn làm được điều này thì phải cố gắng đầu tư hạ tầng nhanh hơn, nhiều hơn để người dân có thể sống được ở nơi khác mà cũng có thể đi làm ở trung tâm.

Thuế cao, nhà đất vẫn đội giá

* Nhiều người kỳ vọng Việt Nam đánh thuế tài sản, nhà ở sẽ giảm được đầu cơ, từ đó giảm giá bất động sản. Khả năng thực tế ra sao?

- Trung Quốc đã áp dụng, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Anh, Mỹ... cũng có thuế này. Chúng ta cần có kỳ vọng hợp lý đối với chính sách này. Chẳng hạn, nếu nói đánh thuế bất động sản, đánh thuế căn nhà thứ 2, thứ 3 để chặn đầu cơ thì đó là mục tiêu khó đạt được. 

Ví dụ ở Anh đánh rất nhiều thứ thuế, trong đó có thuế bất động sản họ đánh cao mỗi năm. Khi mua căn nhà thứ 2 họ cũng đánh thuế cao hơn căn nhà thứ nhất tới 3 - 5 lần (hiện người mua nhà đầu tiên không cần đóng thuế giao dịch - thuế trước bạ nếu mua nhà dưới 300.000 bảng Anh. Nhưng mua từ căn thứ 2 có thể phải đóng thuế suất lũy tiến từ 5-12%).

Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn mua nhà để đầu tư bởi họ hoàn toàn có thể giữ dài hạn, tiền thuế tăng thêm sẽ cộng vào giá bán cuối cùng. Miễn kỳ vọng giá nhà cứ tăng, họ vẫn mua bởi đằng nào cũng lời.

Gần đây nhất, Vancouver (Canada) áp thuế chống đầu cơ bất động sản trong 3 năm với thuế suất rất cao. Đến năm 2021 họ xét lại thì giá nhà bình quân đã tăng hơn 22%, tức mức tăng nhanh nhất của một thập kỷ.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học University College London (Anh) cho thấy việc áp dụng thuế bất động sản tại thành phố Trùng Khánh và Thượng Hải không có tác dụng chặn được đầu cơ, mà thực tế còn xuất hiện đầu cơ nhiều hơn.

* Theo ông, tại sao đánh thuế cao nhưng người dân vẫn không "chùn tay" đầu cơ?

- Lý do là cầu vượt cung. Đây là vấn đề của các đô thị lớn bởi nó luôn thu hút người dân đến làm việc. Người nào có tiền, họ trả được thuế và họ nhìn thấy được nhu cầu mua nhà còn rất lớn, họ cứ mua. Họ xem đây là khoản đầu tư dài hạn và tất cả các loại thuế sẽ cộng dồn vào giá bán cuối cùng nên họ không thiệt.

Phải xác định mục đích đánh thuế

* Vậy theo ông, cần nhìn nhận đánh thuế bất động sản như thế nào là phù hợp và cần những lưu ý gì?

- Tôi nghĩ là thuế bất động sản phụ thuộc vào mục đích đánh. Thuế có thể đơn giản chỉ là cần tăng nguồn thu để tạo công bằng. Song phải lưu ý thuế bất động sản có hiệu ứng phụ, nếu không lường trước được sẽ gây ra hệ lụy là đột nhiên thu nhập của một bộ phận người dân bị co lại. Họ sẽ giảm chi tiêu, như vậy tổn thất chung của nền kinh tế lớn hơn lợi ích mang lại từ thuế. 

Do đó, tôi cho rằng thuế phải được xây dựng một cách khoa học, cần có những đánh giá tác động đến chi tiêu xã hội.

Ở Trung Quốc đã có bài học rất rõ, thuế này đã tác động lên thị trường nhà và dẫn đến là chi tiêu của người dân Trung Quốc co hẹp lại. Điều này là một trong những lý do dẫn đến tăng trưởng nền kinh tế hiện nay ở nước này thấp nhất trong nhiều thập kỷ. 

Câu chuyện Trung Quốc là một cảnh báo, do đó nếu áp thuế và các biện pháp hạn chế giá nhà đưa ra vào thời điểm không phù hợp sẽ tổn hại tăng trưởng kinh tế chung. Khi kinh tế bị đè xuống, tìm cách đẩy lên lại rất khó, việc bơm tiền mấy tháng nay của Trung Quốc cũng không kéo nền kinh tế đi lên.

* Ngoài thời điểm, chúng ta cần bàn đến những tác động, thậm chí là hệ lụy đối với Việt Nam ra sao?

- Theo tôi, thời điểm này khó đánh thuế bất động sản. Việc đánh thuế sẽ tác động mạnh đến khả năng chi tiêu lên nền kinh tế. Điều quan trọng là cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm đưa ra những đánh giá rủi ro, tác động nền kinh tế nói chung. 

Nếu tăng trưởng 5% đổ lại trong khi lạm phát 5-6% thì đánh thêm một loại thuế có thể dẫn đến rủi ro kéo nền kinh tế đi xuống, đẩy hệ lụy cho toàn bộ thị trường, phát triển doanh nghiệp. Và kinh tế suy giảm thì lại tạo rủi ro cho các ngân hàng vì một số khoản cho vay khó đòi.

Ông Nguyễn Đức Lập (Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng):

Tránh làm đóng băng thị trường bất động sản

Bối cảnh hiện tại đề xuất đánh thuế tài sản lên tất cả nhà đất là chưa phù hợp. Nếu đề xuất tính thuế với phần giá trị vượt trên 700 triệu đồng/nhà đất phải có cơ sở khoa học để xác định mức này.

Việc đề xuất theo hướng cào bằng mức khởi điểm tính thuế cho tất cả các khu vực đô thị trên toàn quốc lại là sự bất cập lớn và sẽ tác động mạnh vào túi tiền của người nghèo đô thị.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến đại bộ phận người dân, lạm phát tăng, giá bất động sản tăng và nguồn cung khan hiếm đặc biệt ở phân khúc bình dân. Chính sách này sẽ gây nên tình trạng tăng giá các sản phẩm phân khúc bình dân, đặc biệt là khu vực vùng ven các đô thị lớn.

Bản chất việc tăng giá bất động sản thời gian qua nguyên nhân chính vẫn là do nghẽn thủ tục pháp lý, dự án chậm trễ làm tắc nghẽn nguồn cung, tăng chi phí vốn...

Công cụ thuế và phí hiện nay chưa phát huy được nhiều giá trị trong việc xử lý trốn thuế chuyển nhượng, giao dịch bất động sản. Việc xây dựng chính sách cần đảm bảo cho sự phát triển ổn định và điều tiết thị trường, tránh tác động giật cục.

TẤN LỰC

Nguyễn Tiến Thành (một nhà đầu tư bất động sản Hà Nội):

Số tiền phải nộp không nhỏ với nhiều người

Tôi thấy chúng ta chưa nên vội có ý kiến ủng hộ có thuế tài sản, khi Bộ Tài chính chưa chính thức đưa ra dự thảo cụ thể. Bộ chỉ nói có loại thuế đó, mời góp ý. Tôi thấy rất thách thức cho những cơ quan được mời có ý kiến.

Nếu tự hiểu đánh thuế tài sản theo dự thảo công bố năm 2018 thì mọi người cần phân tích kỹ. Không đánh thuế căn nhà thứ 2 mà giá trị xây dựng từ 700 triệu đồng phải nộp thuế 0,4%.

Cách đánh này tương tự thuế thu nhập cá nhân, nguyên lý là không chỉ người có thu nhập cao mới đóng, mà cứ có thu nhập tới mức nào đó phải nộp thuế. Mà thuế thu nhập cá nhân rất nhiều người đang kêu vì giá tăng cao mà giảm trừ gia cảnh chỉ nhúc nhích chút, không bám kịp thực tế.

Còn chưa biết Bộ Tài chính chốt tính giá trị nhà thế nào, giá xây dựng hay giá thị trường. Chỉ biết với giá nhà đất và xây dựng tăng mạnh do chi phí đầu vào tăng gần đây, số người phải nộp thuế sẽ rất lớn.

Mức thuế 0,4%, tức cứ phần giá trị chịu thuế 1 tỉ đồng là nộp thuế 4 triệu đồng. Số người phải nộp từ 8 - 20 triệu đồng/năm sẽ không nhỏ.

Nhiều người ủng hộ thuế tài sản vì nghĩ nó giảm đầu cơ, từ đó kéo giá nhà giảm. Nhưng tôi thấy vài chục triệu/năm chả đáng quan tâm với những người có tiền đem đi đầu cơ nhà đất.

Trong khi hàng triệu người làm công ăn lương, thu nhập trung bình, thấp... sẽ choáng váng vì có thêm thuế này, nhất là với những người đang chật vật vì lương không tăng mà chi phí nào cũng tăng. Rồi các chi phí về thuế cũng đều chuyển cho người thuê nhà, người thuê mặt bằng phải chịu. Giá cả lại tiếp tục có áp lực tăng. Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc lại việc đưa thuế tài sản ra trong lúc này.

TIẾN MẠNH

Đánh thuế tài sản với nhà đất: Đừng lo bất động sản tăng giá Đánh thuế tài sản với nhà đất: Đừng lo bất động sản tăng giá

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng bất động sản sẽ tăng giá khi chính sách thu thuế tài sản nhà đất được áp dụng. Nhưng, ở góc nhìn khác, không nên quá lo lắng vì điều này và chính sách thuế này hướng đến lợi ích của người nghèo.

NGỌC HIỂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên