20/10/2021 18:09 GMT+7

Dành nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chống dịch, việc tăng lương năm 2022 khó khả thi

N.AN
N.AN

TTO - Nguồn cải cách tiền lương còn dư sẽ được dùng cho phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá việc điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1-7-2022 là khó khả thi.

Dành nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chống dịch, việc tăng lương năm 2022 khó khả thi - Ảnh 1.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vắc xin, chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 20-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.

Đánh giá tổng số ngân sách năm 2021, dù thu cân đối có khả năng vượt dự toán, cơ quan thẩm tra cho rằng vẫn có nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán, cơ cấu thu chưa vững chắc, do có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế... 

Cũng theo ông Cường, một số dự toán thu cần xem xét lại. Đơn cử dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý. "Về thu từ dầu thô, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp", ông Cường nhấn mạnh.

Đáng lo ngại là ngân sách trung ương năm 2021 dự kiến hụt thu khá lớn, khoảng 28.000 - 29.000 tỉ đồng, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Việc thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương chỉ đạt 2,5% dự toán, nên cần báo cáo thêm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Ở khía cạnh chi, ngân sách nhà nước năm 2021 đã cấp 30.850 tỉ đồng cho phòng, chống dịch từ thời điểm dịch bùng phát. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chi cho phòng, chống dịch vẫn còn những tồn tại hạn chế. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vắc xin, chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. 

Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2021, với dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng chi thường xuyên, cũng như nguồn cải cách tiền lương còn dư, Chính phủ đề xuất chi cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch.

Liên quan tới việc tăng lương cơ sở từ 1-7-2022, ông Nguyễn Phú Cường nhìn nhận, với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tăng lương là khó khả thi. Vì thế, ủy ban này đồng ý với phương án Chính phủ trình, lùi thời điểm tăng lương cơ sở.

Nhưng để chính sách này có thể triển khai những năm tiếp theo, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán phương án cân đối và sớm báo cáo Quốc hội tổng thể về nguồn lực cải cách tiền lương, lộ trình tăng lương cơ sở. Việc này góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Trước đó, theo nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1-7-2020 lên 1,6 triệu đồng một tháng, nhưng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã xin hoãn, không tăng theo lộ trình.

Tuy nhiên, nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) được thông qua ngày 28-7, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1-7-2022. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng.

Thu ngân sách cả năm ước vượt dự toán 22.200 tỉ, tập trung phục hồi kinh tế Thu ngân sách cả năm ước vượt dự toán 22.200 tỉ, tập trung phục hồi kinh tế

TTO - "Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, trân trọng những nghĩa cử cao đẹp trong phòng chống dịch, chia sẻ tổn thất, mất mát về sức khỏe, tinh thần mà người dân phải gánh chịu do dịch COVID-19 gây ra".

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên