
Sinh viên tham gia các sự kiện để rèn luyện kỹ năng - Ảnh: TN
Nguyễn Việt Trinh (quê Nam Định) - sinh viên năm ba ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vẫn tất bật mỗi ngày tại văn phòng một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Là thực tập sinh ở mảng chăm sóc khách hàng và phát triển kinh doanh, Trinh cho biết đây là cơ hội quý giá để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, quan sát thị trường và học hỏi quy trình làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực mình yêu thích.
Học từ thực tế
"Công việc này đúng với định hướng mình đã ấp ủ từ lâu. Tuy chỉ là thực tập sinh nhưng mình được giao nhiều việc thực tế, có dịp va chạm và mở mang nhiều thứ mà ở trường không có", Trinh chia sẻ. Bạn cũng nói thêm: "Công ty thiên về truyền thông quảng cáo nên áp lực và khối lượng công việc khá nhiều. Có hôm làm về mệt rã rời, nhìn bạn bè đi chơi mình thấy hơi xao xuyến, nhưng vì mình thích công việc này nên không sao cả".
Tương tự, bạn Trương Thị Liềm (quê Bình Thuận), đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sài Gòn, chọn công việc phục vụ bán thời gian cho một cửa hàng bán đồ ăn. Bạn chia sẻ: "Mình muốn đi làm để kiếm thêm tiền đăng ký 1, 2 khóa học và cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình". Công việc này giúp Liềm có thêm một phần sinh hoạt phí phụ giúp ba mẹ.
Còn Diệu Thùy (quê Bình Thuận) - sinh viên năm ba ngành biên kịch điện ảnh - truyền hình, Khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vẫn miệt mài với công việc cộng tác viên mảng phim cho một tờ báo điện tử.
Bên cạnh đó, cô cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty sản xuất phim với vị trí trợ lý sản xuất trong ba tháng hè. Với Thùy, mùa hè năm nay không chỉ là một kỳ nghỉ, mà còn là "cột mốc bản lề" trong hành trình bước ra khỏi cánh cổng trường đại học.
Còn bạn Nguyễn Thế Anh (quê Thanh Hóa) - sinh viên ngành Việt Nam học - cũng tự tìm kiếm việc làm bằng cách liên hệ trực tiếp với cơ quan làm việc. Hiện Thế Anh đang là thực tập sinh của Trung tâm văn học và ngôn ngữ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Cẩn trọng khi tìm việc
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình tìm kiếm việc làm, sinh viên cần thận trọng để tránh gặp phải những sự cố không mong muốn.
Đại diện phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên - Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: "Khi tìm việc làm, sinh viên cần đọc kỹ hợp đồng để nắm rõ các thông tin quan trọng như vị trí, công việc, lương, thời gian làm việc, chế độ bảo hiểm và quyền lợi liên quan.
Cần phân biệt rõ giữa hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc và các thỏa thuận như thực tập, bán thời gian hay toàn thời gian vì mỗi loại có quyền lợi khác nhau. Tuyệt đối không nên ký hợp đồng còn để trống hoặc thiếu thông tin, và chỉ ký khi đã hiểu rõ mọi điều khoản".
Bên cạnh đó, trước khi nhận việc, nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp qua các nguồn tin cậy để tránh rơi vào các trường hợp lừa đảo. Nếu trong quá trình làm việc gặp vấn đề như chậm lương, không đóng bảo hiểm hay bóc lột sức lao động, sinh viên có thể liên hệ các cơ quan chức năng hoặc đơn vị tư vấn pháp luật để được hỗ trợ.
Cuối cùng, cần lưu giữ đầy đủ các giấy tờ, thỏa thuận và cảnh giác với các công việc yêu cầu đóng tiền trước, vì đây thường là dấu hiệu của lừa đảo.
ThS Tiêu Minh Sơn - giảng viên bộ môn kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường ĐH Văn Lang - cho biết mùa hè là giai đoạn quan trọng để sinh viên tự thiết kế những trải nghiệm có giá trị cho hành trình học tập và phát triển nghề nghiệp.
"Thực tế cho thấy sinh viên dành mùa hè để đi làm thêm, thực tập hoặc cộng tác với các đơn vị chuyên môn thường có sự tự tin, chủ động và hiểu bản thân hơn hẳn khi bước vào năm học mới.
Dù chỉ là vị trí thực tập sinh hay nhân viên bán thời gian, các bạn đều có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thật, hiểu rõ hơn về ngành nghề mình theo đuổi và rèn luyện nhiều kỹ năng sống còn như giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, chịu áp lực...", ông nhận định.
Thầy Sơn nhấn mạnh: "Điều quan trọng là các bạn phải chọn việc phù hợp với định hướng cá nhân, có thông tin rõ ràng và đảm bảo yếu tố an toàn. Nhiều bạn vì quá nôn nóng kiếm việc đã dễ dàng tin vào các lời rao tuyển hấp dẫn, dẫn đến bị lợi dụng, bóc lột hoặc mất tiền oan.
Trước khi nhận việc, sinh viên cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, đọc rõ các điều khoản thỏa thuận, tuyệt đối không đóng bất kỳ khoản tiền nào nếu chưa rõ lý do. Nếu cảm thấy không an toàn, các bạn nên tìm đến thầy cô, trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc các nguồn tin cậy để xin tư vấn".
Lưu ý sức khỏe
Với những sinh viên lựa chọn ở lại thành phố làm việc thay vì về quê nghỉ hè, thầy Sơn cho rằng đây là cơ hội để thử sức và học hỏi, nhưng cũng cần lưu ý đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Một số bạn làm việc với cường độ cao sau một học kỳ áp lực sẽ rất dễ kiệt sức.
"Tôi luôn khuyên sinh viên phải biết lắng nghe cơ thể, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Nếu không thể đi làm, các bạn vẫn có thể tận dụng mùa hè để học ngoại ngữ, tham gia hoạt động xã hội, đọc sách chuyên ngành hoặc tham gia các khóa kỹ năng ngắn hạn. Mỗi lựa chọn đều có thể trở thành chất liệu quý giá để trưởng thành, miễn là bạn có mục tiêu rõ ràng và chủ động thực hiện nó", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận