![]() |
Bà Ninh (trái) và bà Cho bên bụi tre năm xưa có hầm bí mật nhiều lần cứu chị Trâm thoát chết - Ảnh: Đại Dương |
Kỳ 1: Bác sĩ - nghệ sĩ Kỳ 2: Thùy và Đỗ Mộc
Thêm chữ Thùy vào tên mình
Bà Tạ Thị Ninh - người đồng đội, người học trò và là em kết nghĩa của chị Trâm - hiện là trạm trưởng y tế Phổ Cường, chủ nhân ngôi nhà lá ngày xưa nơi chị Trâm thường lui tới, nay là một căn nhà ngói thấp nhỏ, hồi tưởng về những lần chị Trâm thoát chết ngay trong ngôi nhà.
Bà kể: “Một buổi chiều cuối năm 1968, lúc chị Trâm và mọi người trong gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì lính Mỹ đến nhưng không biết. Khi chúng tới gần, nghe tiếng viên thông ngôn xì xồ nói với lính Mỹ mọi người mới hay. Mẹ tôi vớ ngay bộ quần áo của mình đưa cho chị Trâm bảo mặc vào. Bộ áo quần của chị Trâm thay ra thì bỏ vào chậu đổ ngập nước vào như chuẩn bị giặt. Rồi mẹ tôi bảo chị Trâm lấy rạ đốt nồi mắm kho cho cháy bốc mùi. Vì sợ lính phát hiện chị Trâm qua giọng nói, mẹ tôi bảo chị giả câm và xõa tóc ra. Một tay mẹ nắm đầu tóc chị Trâm lay lay, tay còn lại cầm cán chổi vừa khóc lóc vừa kể lể, la lối cố tình để bọn địch nghe được: “Trời ơi là trời, chi mà cái thân tôi khổ dữ vầy. Đẻ ra đứa con đã câm lại còn điếc. Sai cái gì nó làm hư cái nấy”.
Nghe la lối, bà con hàng xóm chạy sang và hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ phụ họa: “Cơn cớ gì mà cứ con nhỏ bà uýnh hoài, nó đã điếc lại câm, bà nuôi được thì nuôi, không được thì để tui nuôi. Tội nghiệp con nhỏ”. Màn kịch diễn xuất thần, lính Mỹ tưởng thật nên không thèm quan tâm đến chuyện “con điên” và bỏ đi”.
Chị Trâm đã từng cứu cả dân làng Nga Mân thoát khỏi thảm sát. Bà Ninh kể: “Một lần vào cuối năm 1967, chị Trâm và mọi người đang tập trung tại nhà này thì hai chiếc tàu rọ của Mỹ bay tới. Chúng hạ sát vào nhà quạt cho tranh bay hết nhưng không phát hiện nắp hầm bí mật dưới nền nhà vì được ngụy trang kỹ”. Trong hầm, du kích chĩa súng ra định bắn, chị Trâm cản không cho và nói: “Mấy em mà ham thành tích bắn chúng chết, đồng bọn chúng trả thù thì dân ở đây chết hết”.
Sau khi chạy càn, lúc này dân đã tập trung về nhà, bò trâu cũng đã lùa về. Quạt một hồi lâu, không thấy động tĩnh gì, chúng ném hai quả mù cay vào nhà rồi bỏ đi. Sau sự kiện này, mọi người càng thêm quí chị Trâm, nên mỗi khi chị về ai có gì thì đem cái nấy cho chị Trâm ăn. Mấy người lớn nói: “Mình còn sống tại đây cũng là nhờ con bé Trâm, bữa đó không có con bé Trâm nó bàn (ngăn cản) du kích thì mình chết hết”.
“Tâm... cậu bé Phổ Cường với giọng hát rất hay, với đôi mắt to và tính nết rất dễ thương thì... một chân bị mìn tiện cụt. Em nằm li bì, biểu hiện choáng nặng. Tập trung vào cấp cứu mà lòng mình trĩu nặng xót thương”. Trong nhật ký ghi ngày 13-6-1969, chị Trâm viết như vậy. Cậu bé Tâm (Trần Đình Tâm) ngày ấy 19 tuổi, hiện là phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.
Gần 40 năm trôi qua, nhưng ký ức về những tháng ngày ấy vẫn mãi tươi mới trong ông. “Tôi bị thương ba lần, và cả ba đều được bác sĩ Đặng Thùy Trâm chữa trị” - ông mở đầu câu chuyện bằng một giọng trầm trầm đầy xúc động, “Nếu không có chị Trâm chắc chắn tôi đã chết!”. Rồi ông nhẩm tính: “Hơn 35 năm rồi, vết thương nơi chị Trâm cắt bằng cưa sắt mà không hề nhiễm trùng hay sưng tấy. Trong khi nhiều người bị như tôi sau bị lồi xương non phải cắt đi, tôi lại không hề hấn”.
Ông Tâm vẫn nhớ: “Chị Trâm có giọng nói nhẹ nhàng nhưng rất thuyết phục. Có lần nằm viện cùng tôi, một anh thương binh ở trung đoàn 406 hay rên la và tỏ ý trách móc bệnh xá sao không cung cấp đầy đủ thuốc men. Bác sĩ Trâm vừa ôn tồn vừa nghiêm giọng: “Anh tưởng chỉ anh đau, còn chúng tôi không đau sao? Trong điều kiện khó khăn, chúng ta phải cùng chịu đựng chứ!”. Sau đó, không thấy anh thương binh này rên la hay trách cứ nữa”.
Ông Võ Duy Trinh - người nhiều lần được chị Trâm cứu chữa khi bị thương, hiện là trưởng Ban tuyên giáo huyện Đức Phổ - kể: “Vì ngưỡng mộ, yêu quí chị Trâm nên nhiều nữ cán bộ, y tá ở Đức Phổ ngày đó đều tự thêm chữ “Thùy” vào trước tên của mình”. Đó là Nguyễn Thị Thùy Đáng (y tá Phổ Cường), Ngô Thị Thùy Trâm (chị nuôi đại đội 120), Nguyễn Thị Thùy Lẽ... và cả vợ ông: Nguyễn Thị Thùy Ngôn - nguyên chính trị viên đại đội nữ Hồng Gấm.
![]() |
Kỷ vật còn lại: bà Cho và chiếc kéo, chiếc kẹp của chị Trâm - Ảnh: Đại Dương |
Bà Nguyễn Thị Cho, em gái anh Nguyễn Đức Thuận, nhớ rằng khi chị Trâm về Đức Phổ cũng là lúc anh Thuận được cử lên núi học lớp y tá. Quá trình tiếp xúc và hiểu được hoàn cảnh của nhau, hai người nhận nhau là chị em nuôi. Họ trở thành chị em đùm bọc, che chở cho nhau: Thùy - chị Hai, Thuận - anh Ba, Cho - thứ tư, Nhiều (em kế chị Cho) - thứ năm và Tạ Thị Ninh - thứ sáu. Bà Cho kể: “Từ khi nhận chị Trâm là chị nuôi, mấy anh em tôi coi chị Trâm vừa như người chị ruột thịt vừa như người mẹ nên lo cho chị từ miếng ăn miếng uống. Lúc chị ở trong trạm xá, thỉnh thoảng tôi làm lương khô gửi lên”.
Giọng bà Ninh đứt quãng: “Lần gặp cuối cùng của ba chị em Trâm, Cho và Ninh là ở tại ngôi nhà này, trước khi chị Trâm hi sinh khoảng hai tháng. Lúc đó tình hình rất ác liệt nhưng chị Trâm quyết định phải lên bệnh xá để điều trị cho thương binh. Bệnh xá lúc ấy đã dời về Hóc Bầu thuộc xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Khi chuẩn bị chia tay, ba chị em ngồi nói với nhau bịn rịn. Chị Trâm trăn trở bảo: “Địch càn, ở dưới này chị không yên tâm cho thương binh trên đó, nhưng lên trên đó chị lại không yên tâm cho các em ở dưới này”.
Rồi như một sự linh cảm, chị Trâm đưa cho anh Thuận chiếc balô và căn dặn: “Em giữ chiếc balô của chị ở bên em, trong balô có quyển sổ, nếu sau này chị có mệnh hệ gì, em hãy gửi quyển sổ đó về gia đình cho chị”. Bà Cho bảo: “Trong balô có mấy quyển sổ, giấy tờ. Anh Thuận đem balô và tài liệu đến để tại nhà chị Ninh trong cái thùng đạn”.
Bà Ninh nhớ lại: “Cách nay bốn năm, bỗng một hôm trước sân nhà tôi có một lỗ hổng vì đất sụp xuống. Dưới đó là chiếc thùng đạn và nơi đất sụp xuống là chỗ nắp thùng đạn bị mục. Tôi đào lên thấy trong thùng có hai quyển sổ. Một viết riêng cho anh Thuận, một sổ ghi chép đủ thứ và mấy xấp tài liệu đều bị rã, chữ đọc được chữ không. Tôi đem ra phơi nhưng sau đó nghĩ giữ không để làm gì, lại gợi lên nỗi đau nên đem hóa vàng. Trời ạ, khi làm việc đó tôi đâu có biết nó quí giá đến mức nào, sau này mới thấy tiếc”.
Bà Cho tạm dừng câu chuyện, vào trong buồng một lúc rồi trở ra với một gói đồ nhỏ. Đặt gói đồ lên bàn, bà nhẹ nhàng mở, hết lớp vải đến lớp giấy báo và trong cùng là hai dụng cụ y tế nhỏ: một chiếc kéo và một chiếc kẹp. Tuy đã cũ mòn nhưng cả hai vẫn còn sáng choang. Trên thân chiếc kéo và kẹp có khắc dòng chữ “made in China”.
“Những dụng cụ này là của chị Trâm để lại - bà Cho nói, rồi giải thích - Trong thời gian anh Thuận học y tá, chị Trâm tặng anh Thuận một bộ dụng cụ y tế, gồm hai xilanh lớn, hai bộ kim châm cứu, một kéo và một kẹp. Chiếc hộp nhôm trắng đựng những dụng cụ này đồng thời dùng để nấu nước sôi sát trùng. Năm 1971, sau khi anh Thuận hi sinh, tôi giữ bộ dụng cụ này và đi đâu cũng đem theo như bảo vật. Hồi mới giải phóng, do dụng cụ y tế thiếu thốn, một số y tá trong xã hỏi, tôi cho mượn dùng, sau đó thất lạc dần. Đến giờ chỉ còn lại mỗi hai thứ, cả hai vẫn còn dùng tốt nhưng tôi gói cất làm kỷ niệm để nhớ về chị Trâm, anh Thuận”.
Nâng kỷ vật lên ngang mặt, vừa ngắm nghía bà Cho vừa bảo: “Có thể sau này tôi sẽ tặng lại hai kỷ vật này cho bảo tàng lưu giữ hoặc cho Bệnh xá Đặng Thùy Trâm khi hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Bà Cho bước về phía bàn thờ nơi có một dãy di ảnh và huân huy - chương chiến công. Bà lần lượt gỡ và lấy khăn lau di ảnh của anh Thuận và em trai Nhiều, cả hai hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Bà lại kể: “Bức ảnh duy nhất chụp riêng tôi và chị Trâm là do anh Văn Giá chụp vào cuối năm 1969. Chị Trâm giao tôi giữ. Tôi rất quí bức ảnh, vì sợ hư hỏng nên không dám đem theo trong người và cất tại nhà cô Ninh. Nhưng sau đó nhà cô Ninh bị cháy, bức ảnh cũng tan theo”.
“Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những câu thơ thắm thiết yêu thương...”.
Kỳ tới: Những người lính “đoàn tàu không số”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận