Một người vợ bị chồng bạo hành từ ngày này sang ngày khác trong câu chuyện “Chẳng lẽ tôi chỉ còn đường chết” (Tuổi Trẻ ngày 2-4).
Những người dân nghèo đi xe buýt bị bọn xấu trấn lột tiền từ ngày này qua ngày khác bằng kim tiêm dính máu trước sự chứng kiến của rất nhiều người trên xe (Tuổi Trẻ ngày 1-4). Cái ác cứ vô tư diễn ra cho thấy tình trạng hờ hững, lạnh lùng, vô cảm của con người không còn là cá biệt mà ngày càng phổ biến trong cuộc sống.
Phóng to |
Bài báo đăng trên Tuổi Trẻ ngày 1-4 |
Trong cả hai câu chuyện trên, nạn nhân bị rơi vào tình trạng cô độc vì những người xung quanh bàng quan trước nỗi sợ hãi của người đồng hành với mình (trên cùng một xe), lạnh lùng trước nỗi đau của người dân địa bàn mình phụ trách.
Nhưng điều đáng buồn nhất là không chỉ người dân thường mà những người ăn lương nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ an ninh xã hội như công an khu vực, cán bộ hội phụ nữ... cũng vô cảm với nỗi đau của người dân. Có lẽ chị Sơn chịu nỗi đau về thể chất một thì nỗi đau tinh thần gấp bội lần. Chị không chỉ là nạn nhân của người chồng vũ phu mà còn là nạn nhân của một quan niệm sống, thái độ sống dửng dưng trước nỗi đau của người khác.
Đến loài vật khi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, mà con người chúng ta, sống trong xã hội hiện đại như ngày nay, lại vô cảm như thế thì đáng lo và đáng trách.
Ở trên xe buýt, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho hành khách thuộc về tài xế và phụ xế nhưng họ đã làm ngơ trước bạo lực khiến bọn trấn lột tiền càng lộng hành hơn. Trong câu chuyện “Chẳng lẽ tôi chỉ còn đường chết” cũng vậy, các cơ quan chức năng ở phường Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM không ngăn chặn người chồng bạo hành vợ cũng xem như đồng tình với việc đó.
Một khi cái ác không bị lên án, phê phán thì nó sẽ ngày càng lộng hành. Sự vô cảm của cộng đồng xã hội với cái xấu, cái ác đồng nghĩa với việc dung dưỡng nó và tạo điều kiện cho cái xấu phát triển mạnh hơn (ví dụ: từ hình ảnh người chồng bạo hành vợ, biết đâu hàng xóm nhà chị Sơn thấy rằng “đánh vợ không bị xử lý gì” và cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ khi cần thiết).
Thật không quá đáng khi nhận định rằng thời buổi ngày nay người ta chạy theo lợi ích cá nhân mà quên giá trị văn hóa lâu đời của cha ông ta để lại: sống vì tình, vì nghĩa, biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người khốn đốn, thậm chí quên mình vì người khác. Thời buổi ngày nay mà kiếm một hình ảnh như Lục Vân Tiên ngày xưa thật khó. Đây là tình trạng đáng sợ và đáng báo động.
Đó có phải do nền văn hiến 4.000 năm của cha ông ta đã không được gìn giữ? Có phải do giới trẻ không được định hướng giá trị sống nên họ coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần? Những câu hỏi này cần được trả lời thỏa đáng.
Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần bồi dưỡng giá trị sống cho người dân. Xã hội nói chung và mỗi gia đình nói riêng hãy thức tỉnh lương tâm của các thành viên, để họ không vì cuộc sống riêng tư mà phải biết sống vì mọi người, biết sống vì lý tưởng cao đẹp. Việc đầu tiên, các bậc cha mẹ phải quan tâm đến con cái nhiều hơn, giảm bớt thời gian kiếm tiền để dành thời gian giáo dục con.
Trên thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ mang về rất nhiều tiền, lo cho con mình cuộc sống dư thừa vật chất nhưng thiếu thốn tình cảm. Các em rơi vào trạng thái cô độc, hoang mang. Và trạng thái này dẫn đến việc các em phải tự bảo vệ mình theo bản năng, tức là bảo vệ bản thân của mình trước chứ không biết nghĩ đến những người xung quanh. Tiếp theo, xã hội hãy quan tâm đến từng thân phận con người, cơ quan chức năng nhà nước phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không sẽ bị chế tài thật nặng vì không hoàn thành nhiệm vụ trước dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận