Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, vào ngày 12-1, tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho biết “vẫn còn quá sớm” để xác định khi nào WHO sẽ bắt đầu tiến hành việc đánh giá lại và các chuyên gia nào sẽ tham gia hoạt động này. Trong khi đó nhiều quốc gia sau khi cuống cuồng chi hàng tỉ USD tiền thuế của dân để tích trữ văcxin cúm A/H1N1 bây giờ đang tìm cách trả lại bớt số văcxin dư thừa.
Kỳ 1: Trục lợi trên sự sợ hãi
![]() |
Ông Chris Viehbacher, tổng giám đốc Hãng Sanofi - Aventis, mô tả văcxin “là ngành kinh doanh tuyệt vời” - Ảnh: Reuters |
Bán đổ bán tháo
Đầu tháng 1, chính quyền Pháp tuyên bố muốn hủy bỏ đơn đặt hàng mua 50 triệu liều văcxin cúm A/H1N1. “Bước đi này sẽ tiết kiệm cho chính phủ khoảng 504 triệu USD,” Bộ trưởng y tế Pháp Roselyne Bachelot tuyên bố. Trước đó, Bộ Y tế cũng tiết lộ sẽ bán bớt một phần văcxin dư thừa cho các nước khác. Qatar đã mua lại 300.000 liều, trong khi Ai Cập, Mexico và Ukraine là những khách hàng tiềm năng của Paris.
Ban đầu Chính phủ Pháp dự định chi 1,2 tỉ USD để mua 94 triệu liều văcxin. Các quan chức y tế Pháp xác định mỗi người dân Pháp cần ít nhất hai liều văcxin để ngăn “đại dịch” cúm A/H1N1 bùng nổ ở Pháp. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 5 triệu người Pháp trên tổng số 65 triệu dân chịu đi tiêm văcxin, và các chuyên gia y tế châu Âu xác định chỉ một liều văcxin đã là quá đủ.
Ở châu Âu, không riêng Pháp rơi vào tình trạng thừa mứa văcxin cúm A/H1N1. Thời gian qua Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan đều đang tìm cách tống khứ số lượng văcxin khổng lồ đã trót đặt mua từ các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới như GlaxoSmithKline (GSK), Novartis và Sanofi-Aventis. Ngày 11-1, nguồn tin từ Hãng dược CSL tiết lộ Bộ Y tế Mỹ đã tuyên bố sẽ chỉ mua 14 triệu liều văcxin từ Hãng CSL thay vì 22 triệu liều như đặt hàng ban đầu.
Năm ngoái, Thụy Sĩ, có 7,7 triệu dân, đặt mua 13 triệu liều văcxin từ GSK và Novartis với giá 81 triệu USD. Đến tháng 12-2009, chính quyền Thụy Sĩ tuyên bố sẽ tặng không cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc bán rẻ cho các nước khác 4,5 triệu liều dư thừa. Cho đến nay Thụy Sĩ mới chỉ sử dụng một phần nhỏ trong lượng văcxin đặt mua để tiêm phòng cho 15-30% dân số. “Các cuộc đàm phán đang diễn ra với hướng là bán hoặc tặng không - ông Jean-Louis Zurcher, người phát ngôn văn phòng y tế liên bang, tiết lộ - Chính phủ đã đổ quá nhiều tiền để mua văcxin”.
Tương tự, Đức đang đàm phán với GSK để cắt giảm 50% hợp đồng mua 50 triệu liều văcxin Pandemrix khi “đại dịch” mới bùng phát. Hà Lan tuyên bố sẽ bán 19 triệu trên tổng số 34 triệu liều văcxin đã đặt mua. Tây Ban Nha cũng tìm cách “lật kèo”. Chính quyền Madrid đặt mua 22 triệu liều văcxin từ Novartis, 14,7 triệu liều từ GSK và 400.000 liều từ Sanofi-Aventis. Mới đây, một người phát ngôn của chính phủ khẳng định theo hợp đồng ký với ba hãng trên, Madrid có quyền trả lại lượng văcxin dư nếu chứng minh được chúng không cần thiết.
Anh là quốc gia châu Âu lãnh “quả đắng” khó nuốt nhất. Sáu tháng trước, các cố vấn Bộ Y tế Anh cảnh báo 65.000 người sẽ thiệt mạng ở Anh do dịch cúm A/H1N1. Hoảng sợ, Bộ Y tế đặt mua tổng cộng 132 triệu liều văcxin với chi phí lên đến 1,92 tỉ USD. Nhưng tính đến ngày 11-1 vừa qua, tổng cộng ở Anh chỉ có 251 người thiệt mạng do cúm A/H1N1, phần lớn là những người đã mắc sẵn bệnh hiểm nghèo.
Chính phủ Anh có một thỏa thuận trả lại văcxin dư thừa cho Hãng Baxter, nhưng nhà cung cấp văcxin lớn nhất cho nước Anh là GSK, và trong hợp đồng với hãng này, London không có điều khoản “trả lại” nào. Các quan chức tiết lộ chính quyền đang tính đến việc tặng một lượng lớn văcxin cho các nước đang phát triển hoặc tái chế để sản xuất các loại văcxin khác. Giới thạo tin ước tính dù thế nào người đóng thuế Anh cũng thiệt hại ít nhất 1,6 tỉ USD. “Người đóng thuế đã dính một cú đòn đau” - ông Mark Wallace, đại diện Liên minh những người đóng thuế ở Anh, bình luận.
Các hãng dược vớ bẫm
Sau khi các quốc gia châu Âu tuyên bố muốn hủy các đơn đặt hàng mua văcxin cúm A/H1N1, giá cổ phiếu của GSK, Novartis và Sanofi-Aventis đã giảm 1,6-2,2%. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhận định việc đó chẳng thấm tháp gì so với những khoản lợi nhuận khổng lồ mà các tập đoàn này “nuốt” được trong cơn hoảng loạn toàn cầu kể từ giữa năm 2009.
Các tổ chức tài chính ước tính GSK là kẻ thắng lớn nhất trong “đại dịch toàn cầu” cúm A/H1N1 với doanh số văcxin lên tới 3,5 tỉ USD (tính đến hết quý 1-2010). Từ mùa hè năm ngoái, GSK đã nhận được đơn đặt hàng mua tổng cộng 440 triệu liều văcxin cúm A/H1N1 từ hơn 40 quốc gia. Sanofi-Aventis dự kiến bỏ túi 1,07 tỉ USD, còn Novartis cũng kiếm được gần 900 triệu USD.
Giới phân tích cho biết việc các nước châu Âu hủy đơn đặt hàng có thể khiến các con số này giảm đi, nhưng nhu cầu văcxin từ các khu vực khác trên thế giới thừa sức bù đắp. “Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước mà trước đó chúng tôi chưa thể cung cấp văcxin - người phát ngôn của Hãng Sanofi-Aventis tự tin công bố vào ngày 5-1 vừa qua - Có nhiều lý do để tin rằng chính quyền các nước khu vực phía nam sẽ mua văcxin cúm A/H1N1 với số lượng lớn”.
Ông Norman Lamb, người phát ngôn đảng Dân chủ tự do ở Anh, mô tả “đây là thời kỳ thịnh vượng của các hãng dược”. Hãng tài chính Moody’s ước tính văcxin cúm A/H1N1 giúp các hãng dược tăng doanh thu chóng mặt không chỉ trong năm 2009 mà còn cả năm 2010. Một lần giới truyền thông Pháp bắt quả tang chính ông Chris Viehbacher, tổng giám đốc điều hành Sanofi-Aventis, thốt lên trong vui sướng: “Văcxin, văcxin, đó là một ngành kinh doanh tuyệt vời”.
Virus cúm A/H1N1 có độc lực yếu Giữa năm 2009, Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) kết luận phần lớn các trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 ở Mỹ đều không nghiêm trọng, tương tự cúm mùa. Phần lớn bệnh nhân Mỹ đều hồi phục nhanh chóng. Nhưng theo nghiên cứu của ĐH Imperial London, trong khi virus cúm mùa chỉ có thể tấn công các tế bào trong mũi và cổ họng, virus cúm A/H1N1 có thể tấn công các tế bào nằm sâu trong phổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 1-2010, virus cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của 12.799 người trên toàn thế giới trong số hàng chục triệu người nhiễm bệnh. Phần lớn người tử vong đều là người cao tuổi hoặc mắc bệnh nguy hiểm từ trước khi nhiễm virus cúm A/H1N1. Nghiên cứu của Chính phủ Anh ước tính cứ 100.000 người nhiễm bệnh, có 26 người thiệt mạng. Bác sĩ Marc Lipsitch của Trường ĐH Harvard (Mỹ) cho biết virus cúm A/H1N1 có tỉ lệ gây tử vong chỉ 0,007-0,045%. Trong khi đó, cúm mùa thông thường có tỉ lệ gây tử vong gần 0,1%. |
-------------------------------------------
Thông tin về văcxin cúm A/H1N1 đã được ngăn cản nhân danh “những bảo vệ thiết yếu của nhà nước” hoặc “bí mật quốc gia”, liệu có một “mối quan hệ nguy hiểm” giữa chính phủ và các hãng dược?
Kỳ cuối: Mối quan hệ nguy hiểm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận