Ám ảnh kinh tế khó khăn, công ty cắt nhân sự, giảm lương, một số bạn trẻ cố gắng chi tiêu tiết kiệm.
Bạn trẻ vì mục đích phụ giúp gia đình, để dành tiền học thạc sĩ nên tiết kiệm lương nhưng bị bạn bè, đồng nghiệp trêu là có tiền không dám xài, ky bo.
"Tiết kiệm mua được nhiêu vàng rồi?"
Vừa trở về công ty tiếp tục làm việc sau giờ nghỉ trưa, Tuyết Nhi (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM) thấy tin nhắn thông báo tiền bữa ăn trong nhóm chat.
Buổi ăn trưa gặp mặt nhóm bạn đại học vỏn vẹn hơn một tiếng đồng hồ tốn hơn 300.000 đồng khiến cô xót tiền.
Hơn nửa năm mới hẹn được đủ mặt bạn bè, Nhi đề nghị đi quán ốc hoặc ăn vặt lề đường buổi tối. Như vậy vừa ngồi ăn vừa nói chuyện rôm rả như thời sinh viên. Nhưng bạn bè Nhi đa phần không đồng ý.
"Đi làm rồi nên đi ăn tiệm cho ngon một chút. Có phải thiếu thốn gì đâu mà đi ăn vặt lề đường", các bạn cô nói.
Thế nhưng, đây là buổi ăn ngoài thứ hai của cô trong tháng với giá tiền vượt mức chi tiêu ngày thường. Nhi tự nhủ thôi thì ráng nhín nhút, nửa tháng sau ăn dè sẻn lại để tiết kiệm tiền phụ giúp gia đình.
Cô giải thích, vì nhóm bạn thân hồi đại học đã lâu không gặp nên mới bấm bụng tham gia. Còn những mối quan hệ khác, cô chỉ đồng ý đi cà phê để tiết kiệm.
Cô nói: "Tôi nhiều bạn bè. Nếu ai rủ đi ăn mà nhận lời hết thì cuối tháng chắc âm tiền lương".
Nhi kể thêm, mình có thói quen nấu ăn ở nhà trọ rồi mang đi làm. Trong khi đó, đồng nghiệp của cô thường tụ tập đi ăn ngoài mỗi giờ trưa.
Ban đầu, họ thường rủ nhưng cô luôn từ chối với lý do đã có cơm mang theo. Sau này, họ biết ý cô tiết kiệm nên không rủ nữa.
Tuy nhiên thỉnh thoảng đến ngày nhận lương, cả phòng rủ nhau đi ăn sau giờ tan làm hoặc đặt trà sữa. Nếu từ chối tham gia, cô sẽ bị châm chọc là tiết kiệm vậy "tiền để đâu cho hết".
Ngại du lịch tiền triệu, đành chấp nhận ở nhà
Tương tự trường hợp của Tuyết Nhi, Minh Tuấn (27 tuổi, trọ tại TP Thủ Đức, TP.HCM) hay từ chối đi ăn ngoài hoặc đi nhậu với đồng nghiệp. Mỗi lần như vậy, đồng nghiệp hỏi: "Sao, tiết kiệm được bao nhiêu cây vàng rồi mà không thấy đem ra xài vậy?".
Những lần như vậy, anh chàng đang làm nhân viên công nghệ thông tin này chỉ biết cười trừ.
Tuấn có mác làm IT, bạn bè luôn nghĩ anh có thu nhập cao. Nên khi anh từ chối một cuộc vui nào đó, ít ai nghĩ cậu bạn thực sự đang muốn tiết kiệm tiền.
"Ngành IT lương cao là chung chung. Không phải ai làm IT cũng lương cao. Mình thì vừa đi làm vừa phụ nuôi em đi học nên mấy năm chẳng dư được bao nhiêu. Thực sự muốn tiết kiệm tối đa để cuối năm dư một chút tiền", Tuấn nói.
Còn với Tuyết Nhi, hè đến, nhóm bạn đại học lại rủ nhau lên kế hoạch đi du lịch Tây Bắc hoặc Huế. Mọi người bàn tán rôm rả trong nhóm chat. Nhưng Nhi chỉ xem, không dám trả lời. Cô sẽ chọn không tham gia vì cần tiết kiệm.
"Mình cũng muốn đi du lịch nhưng đi xa như vậy thì chắc chắn tốn từ 5 đến hơn chục triệu đồng. Gần bằng tháng lương, nên thôi vậy", cô nói.
Cô cũng chia sẻ rằng tài khoản mạng xã hội của mình trống trơn vì không đi du lịch, "ru rú ở nhà nên không có gì để khoe".
Giải thích lý do sống tiết kiệm, cô nàng chia sẻ đang để dành tiền học lên thạc sĩ. "Nghe nói tốn vài trăm triệu, nên mình cố gắng chuẩn bị thật kỹ lưỡng để đầu tư cho tương lai".
Còn với Tuấn, chuyến du lịch gần đây nhất của anh là đi Vũng Tàu hồi năm ngoái. Anh đi bằng xe máy với bạn bè.
"Kỳ đó, chia tiền phòng, tiền ăn uống hai ngày một đêm chỉ tốn hơn triệu đồng, nằm trong sự chấp nhận được của mình". Còn bây giờ, anh chàng vẫn hài lòng với vài trận bóng đá mini mỗi tuần và xem đó vừa là thể thao, vừa là giải trí.
Trân trọng giá trị đồng tiền
Theo những bạn trẻ như Nhi và Tuấn, chi tiêu tiết kiệm thể hiện sự trưởng thành và trách nhiệm trong cuộc sống. Thay vì vung tay quá trán cho những thú vui nhất thời, nhiều bạn trẻ - nhất là trải qua mấy đợt dịch COVID-19 - đã biết trân trọng giá trị đồng tiền. Họ biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tránh lãng phí.
Nhờ vậy, họ có thể tự chủ tài chính, tự tin vào tương lai và có khả năng chống đỡ trước những rủi ro.
Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tiết kiệm và tiết kiệm thái quá. Sống tiết kiệm không có nghĩa là kìm hãm, bó buộc bản thân vào những quy tắc hà khắc. Niềm vui trong cuộc sống không chỉ đến từ vật chất mà còn từ những trải nghiệm, những giá trị tinh thần.
Thay vì bị chi phối bởi những lời mỉa mai thiếu thiện chí, bạn trẻ cần có cái nhìn khách quan và lựa chọn lối sống phù hợp bản thân. Miễn điều này hướng đến mục tiêu tích cực và không ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận