"Mày ơi, tao tính đợt tới về quê thôi...". Trong phòng trọ chật hẹp chưa đầy 18m2, Liên (tên nhân vật đã thay đổi) nói với cô bạn cùng phòng, giọng đầy chua xót.
Tìm đường rời thành phố
28 tuổi, Liên đã bám trụ ở Hà Nội hơn 5 năm qua. Đồng lương viên chức eo hẹp, cô cùng những người bạn phải xoay trở thêm đủ việc, người nhận làm gia sư, bán hàng online để tăng thu nhập.
Ngày 8 tiếng đi làm ở cơ quan, tối đến nhận dạy kèm cho một bạn nhỏ, trung bình mỗi tháng Liên kiếm được 10-12 triệu đồng.
"Mức thu nhập này đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm vừa ra trường 5 năm trước. Nhưng tôi vẫn phải sống thắt lưng buộc bụng ở thủ đô đắt đỏ" - cô ngậm ngùi.
Giá thuê nhà ngày một tăng, Liên chọn chia với cô bạn cùng phòng, tính ra mỗi tháng 2 triệu đồng (tính cả tiền điện nước). Tiền ăn đủ ba bữa để có sức "cày cuốc", cô nhẩm tính mất 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có tiền xăng xe 600.000 đồng/tháng vì đi lại nhiều nơi, tiền điện thoại 200.000 đồng/tháng.
Mỗi tháng cô chỉ dám cho bản thân "thả phanh" 2-3 bữa cà phê, hoặc đi ăn với bạn bè cuối tuần, tạm tính chừng 500.000 đồng. Tiền sinh hoạt phí, đi thăm hỏi, cưới xin khoảng 1,5 triệu đồng. Còn lại cô cho vào khoản dự phòng. Nhưng tháng nào đau ốm, tiền dự phòng lại "đội nón ra đi".
Có mức thu nhập trung bình, khoảng 16-18 triệu đồng/tháng, nhưng cũng giống như Liên, Hoài Anh (30 tuổi) cũng phải bấm bụng dè sẻn mới có thể dành dụm được chút tiền dự phòng cho bản thân lúc đau ốm.
Căn phòng 20m2 đã tốn 3,5 triệu đồng, tiền ăn hằng tháng 3-4 triệu đồng. Tiền cà phê mỗi tháng để gặp đối tác, tiết kiệm lắm cũng chi tiêu 2 triệu đồng. Tiền thuốc men, thuốc bổ 1 triệu đồng. Tiền học thêm các kỹ năng, ngoại ngữ khoảng 2 triệu đồng.
"May đỡ một khoản mỹ phẩm vì tôi ít xài, còn lại dầu gội, kem chống nắng, son cứ 2-3 tháng mất chừng 1 triệu đồng" - Hoài Anh nhẩm tính.
Trước cô còn mạnh tay chi bạo mua quần áo, giày dép "hàng hiệu" dù đắt một chút nhưng "có tuổi thọ" lâu bền. Nay Hoài Anh bông đùa rằng bản thân đợt này có vẻ "xuống cấp" khi phải chọn mua "hàng si" với giá 50.000-100.000 đồng/chiếc hoặc tái sử dụng quần áo cũ.
"Khoản ăn uống với bạn bè gần như cắt giảm hẳn. Mỗi tháng chỉ tụ tập bạn bè một lần thôi" - cô nói.
Những ngày qua, Hoài Anh đăng ký vào một lớp học pha chế. Cô dự tính đến cuối năm sẽ tính toán về quê bắt đầu với kinh doanh đồ uống.
Giấc mơ mua nhà nay quá xa vời
Hà Nội tiếp tục trụ ngôi đầu bảng về xếp hạng độ đắt đỏ so với cả nước, theo công bố của Tổng cục Thống kê.
Giá chung cư liên tục lập đỉnh và được dự báo sẽ còn tăng. Không chỉ gia đình trẻ, mà các bạn rời quê lên thủ đô lập nghiệp cũng thấp thỏm không yên, đang nếm trải sự đắt đỏ chỉ với đồng lương ít ỏi.
Một gia đình trẻ ở Hà Nội vừa thống kê về chi tiêu dè sẻn trong một tháng trước cơn bão giá đắt đỏ. "Tiết kiệm gì thì tiết kiệm, nhưng tiền học của con không thể cắt được" - chị Hương (ở Hà Nội) chia sẻ.
Nhà bốn người, riêng tiền học của con trai lớn hơn 4 triệu đồng (tiền ăn bán trú 1,38 triệu đồng, tiền học thêm 1,1 triệu đồng, đăng ký thêm lớp học toán, tiếng Anh chừng 1,6 triệu đồng). Tiền học và ăn bán trú, học thêm của con gái khoảng 2,4 triệu đồng.
Chị Hương tính cả nhà ăn bữa sáng và bữa tối hết 3 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,2 triệu đồng. Tiền ăn trưa của chồng khoảng 1,5 triệu đồng. Còn chị được ăn bữa trưa ở công ty không mất tiền. Cộng cả xăng xe, tiền điện thoại đã mất hơn 12 triệu đồng. Tiền thuê nhà mỗi tháng 6,2 triệu đồng.
Đồng lương công nhân của hai vợ chồng chị khoảng 30 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình dành dụm được 10 triệu đồng, mỗi năm khoảng 120 triệu đồng để tích cóp mua chung cư.
"Với ít tiền dành dụm được thời gian qua, vợ chồng không thể tìm nổi căn chung cư phù hợp với điều kiện gia đình. Giấc mơ an cư nay quá xa vời" - chị bộc bạch.
Làm thế nào để tiết kiệm chi tiêu ở thành phố? Mời bạn gửi bài viết chia sẻ đến email về tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận