Một con kênh ở TP.HCM tràn ngập rác thải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kế hoạch lần này thể hiện sự quyết liệt của chính quyền TP về việc quy trách nhiệm cho chính quyền các cấp trong cuộc vận động này. Điểm mới này có lẽ là việc không dễ làm…
Đâu chỉ là việc của chính quyền!
Giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, vệ sinh là câu chuyện đã được nói đến, đã được bàn và từng có nhiều giải pháp. Nhưng tình trạng xả rác vô tội vạ vẫn diễn ra. Lề đường từ hẻm đến đường lớn đều muôn trùng rác. Công nhân môi trường đô thị vẫn thường xuyên vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc và lần nào rác cũng rất nhiều vì bao nhiêu thứ vẫn cứ tiếp tục bị xả xuống kênh.
Kế hoạch vận động không xả rác lần này thể hiện sự quyết liệt từ phía chính quyền. Tất nhiên, chính quyền các cấp phải có vai trò chính vì đây là nơi "có tiếng nói trọng lượng" với những gì xảy ra trong cộng đồng.
Sự quyết liệt này là rất cần thiết nhưng đây là nhiệm vụ quá khó với chính quyền địa phương. Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai, nhân sự nào sẽ đi kiểm tra suốt ngày với rác để giải quyết? Và họ có được trao đủ quyền để áp chế những hành vi cố tình xả rác bừa bãi không?
Giải quyết chuyện này cần có nhiều giải pháp cùng lúc, trong đó mọi chuyển biến phải đến từ thay đổi ý thức cộng đồng. Không ai có thể bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch bằng chính cộng đồng.
Nói cách khác, dù có bao nhiêu biện pháp chế tài, bao nhiêu cuộc tuyên truyền đi nữa mà cộng đồng không nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của chính mình thì mọi giải pháp cũng chỉ thực hiện rầm rộ rồi đâu lại vào đó.
Hãy nhìn lại mình!
Nhiều khu dân cư quá nhiều rác, mọi người chấp nhận sống chung với rác, ai sẽ là người góp ý nhắc nhở nhau? Ở sạch, giữ sạch môi trường chung chính là tự trọng của từng người. Chung tay dọn dẹp sạch sẽ nơi mình ở có gì đáng xấu hổ? Cớ sao chúng ta chưa làm được việc tốt này, vì cuộc sống của chính mình?
Và thật đáng buồn khi thực tế cuộc sống hằng ngày, trong suy nghĩ nhiều người, công việc của những người dọn rác, đổ rác… còn là điều gì đó thấp kém lắm.
Một ví dụ khác từ những người trẻ. Tối cuối tuần, bạn thử ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. Thay vì ra phố hóng gió, đi bộ, không ít người sà vào ăn uống đủ kiểu, mua đồ ăn thức uống mang đi xong thì có rác, có rác thì… xả bậy.
Chắc sẽ có nhiều người bao biện: có rác phải xả, không thấy thùng rác thì làm sao?...
Chuyện này, người lớn còn dở hơn trẻ em. Không ít trẻ đã có thói quen tìm cho bằng được thùng rác nơi công cộng sau khi ăn bánh, uống sữa, nhiều trẻ không tìm thấy thùng rác thì mang rác về nhà! Đó là một thói quen đã thành ý thức với trẻ, người lớn thì…
Nếu mỗi người lớn bớt xả bừa những thứ rác từ việc ăn uống, đô thị sẽ bớt nhiều rác. Không ai có thể sắp xếp đủ thùng rác khi quá đông người vẫn còn suy nghĩ: rác trong tay cứ xả, rồi sẽ có ai đó dọn. Thành phố mười mấy triệu dân, bao nhiêu người dọn rác cho xuể? Và tại sao chúng ta vẫn bày và bắt người khác phải dọn?
Bao nhiêu người vẫn hồn nhiên xả rác vào miệng cống. Thử hình dung cống thoát ở phòng tắm nhà mình có vài sợi tóc đã không thể thoát nổi thì với những núi rác khắp nơi trên phố phường, khi mưa trôi hết về cống thì sao? Ta cũng xả rác ra cống, xả rác xuống nước, khi TP ngập (có nguyên do nước cống không thoát được) ta lại phàn nàn, vậy đã đúng chưa?
Mỗi người cần ý thức xả rác bừa bãi là hành vi rất đáng xấu hổ, chứng tỏ một thói quen không thích hợp với nếp sống đô thị, cuộc sống văn minh. Xả rác đúng chỗ thật sự không khó nếu mỗi người tự biết kiềm chế hành vi xấu của mình và biết nghĩ nhiều hơn đến cộng đồng, đến nỗ lực của chính quyền, đến sự tử tế của người khác trong việc chung tay gìn giữ môi trường chung.
Kế hoạch vận động người dân không xả rác (do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 6-3-2019) đề ra nhiều giải pháp ngăn ngừa nạn xả rác như: lắp đặt camera ở những nơi thường xảy ra xả rác; tiếp nhận và xử lý nhanh tin báo về xả rác của người dân (qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử, điện thoại...).
Thành phố sẽ quy trách nhiệm đối với khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng xả rác, đồng thời xem đó là cơ sở đánh giá thi đua cuối năm các đơn vị trên...
Phường, xã, khu phố có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu các hộ dân kinh doanh mặt tiền, vỉa hè phải trang bị vật lưu chứa rác, không xả rác ra đường, trước miệng cống, xuống kênh, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm...
Q.KHẢI
Rác lớn thì sao?
Sau cơn bão số 9 tháng 11-2018, phố phường TP.HCM đầy dẫy những loại rác "ngoại khổ" như chăn, nệm... Ai đó đã "mượn ngập ném rác" ra đường.
Ở một số nước, những loại rác này có quy trình thu gom riêng. Người dân phải mua tem (tương đương mức phí cho từng loại) dán vào rác cần thải. Đơn vị thu gom rác chỉ thu những loại rác có dán tem đúng mức phí.
Ở mình, người dân cứ bỏ ra đường, người gom rác từ chối dọn đi. Và những thùng xốp, chiếu, nệm… lềnh bềnh dưới kênh rạch, bàn ghế cũ chất đống phơi nắng mưa ở các bãi đất trống. Chẳng lẽ bất lực với tình trạng này sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận