Nhiều bạn trẻ đã hình thành thói quen dùng ống hút tre, ống hút thủy tinh dùng nhiều lần, thay vì ống hút nhựa dùng một lần - Ảnh: VŨ THỦY
"Thật điên khùng khi nghĩ rằng xã hội chúng ta phát triển đến mức tất cả nỗ lực cần thiết để khai thác dầu mỏ dưới lòng đất, vận chuyển đến nhà máy lọc, biến chúng thành nhựa, tạo thành vật dụng phân phối đến các cửa hàng, mua chúng về dùng một lần, rồi vứt - lại được coi là thuận tiện hơn là rửa sạch đi sau khi sử dụng".
Đó là một trong những thông điệp của WildAct - tổ chức về bảo vệ môi trường, về thiên nhiên của các bạn trẻ đang lan tỏa đến mọi người. WildAct đang cùng nhiều bạn trẻ khác nỗ lực thay đổi quan điểm của người Việt về bảo vệ môi trường: nghĩ sâu xa hơn về những thứ bạn đang dùng hằng ngày, mất bao nhiêu tài nguyên, năng lượng để sản xuất ra nó và sau khi bạn dùng và vứt vào thùng rác nó sẽ đi về đâu?
Không phải chỉ cần bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác để tái chế là đủ. Rác được chở ra bãi rác, trôi xuống cống rãnh chỉ khuất khỏi tầm mắt chứ không hề mất đi. Điều cần làm tận gốc là thay đổi thói quen tiêu dùng, hi sinh sự tiện dụng nhất thời.
Các bạn trẻ bắt đầu từ việc thay đổi chính mình và cố gắng lan tỏa lối sống xanh - sống tiết giảm để giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường.
"Tôi đọc đâu đó rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ của chủ nghĩa tiêu dùng với thói quen dùng - vứt. Nhưng mọi người hầu như không để ý cái túi nilông họ dùng vài phút để mang hàng từ siêu thị về nhà rồi bỏ vào thùng rác sau đó nó sẽ đi đâu. Nó sẽ tồn tại hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm" - Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (26 tuổi, làm việc tại TP.HCM) chia sẻ.
Kể từ khi tìm hiểu nhiều về rác thải, ô nhiễm môi trường, Tuyết đã bắt đầu thực hành sống xanh, thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày. "Tôi tập thói quen mang túi vải đi siêu thị, đi mua sắm, mang theo bình nước cá nhân, ống hút tre khi đi uống cà phê, trà sữa...
Trước kia tôi hay mua sắm kiểu ngẫu hứng, có những món quần áo mua vì rẻ, tủ đồ luôn chật cứng nhưng bây giờ tôi sẽ nghĩ về chuyện để làm ra cái áo sẽ phải sản xuất vải từ các chế phẩm dầu mỏ, phải dệt, nhuộm, phải cắt may...
Sau khi ra bãi rác thì nó cũng sẽ mất vài chục năm để tiêu hủy" - Tuyết chia sẻ.
Ngày càng có nhiều sự thay đổi từ những người trẻ như Tuyết. Trương Thanh Thảo (25 tuổi) lại tích cóp từng chút những thói quen nhỏ trong đời sống hằng ngày: luôn từ chối túi nilông khi mua đồ, đựng thức ăn tươi như thịt, cá vào hộp tự mang theo, ăn uống tại chỗ thay vì mua về bằng hộp xốp, không mua đồ ăn bằng các dịch vụ giao hàng tận nơi, mua các chai dầu gội, sữa tẩy trang dung tích lớn thay vì mua nhiều lần...
"Quen với việc hạn chế dùng túi nilông nên cũng có khi tôi góp ý bạn bè là không cần phải lấy túi nilông làm gì khi bạn mua một đôi giày... Nhiều người bỏ ngoài tai. Họ cho rằng ở ngoài kia ai ai cũng xả rác nilông, mỗi ngày hàng chục tấn thì tiết kiệm vài cái túi này cũng chẳng thấm vào đâu.
Nhưng tôi nghĩ rằng mọi thứ đều phải bắt đầu từ sự thay đổi của chính bản thân mình và từ từ nó sẽ lan dần ra nên vẫn kiên trì thực hiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận