18/06/2015 08:05 GMT+7

Dân Ukraine phản đối xóa dấu vết thời Xô viết

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Từ ngày 21-5, luật mới tại Ukraine liên quan tới việc đổi tên đường phố, phá bỏ tượng đài cùng tất cả những gì liên quan tới thời Xô viết chính thức áp dụng.

Diễu binh của lực lượng ly khai ở thành phố Donetsk (Ukraine) ngày 9-5 Ảnh: AFP
Diễu binh của lực lượng ly khai ở thành phố Donetsk (Ukraine) ngày 9-5 - Ảnh: AFP

Trang Uatoday.tv của Ukraine cho đây là một trong những động thái biểu thị nỗ lực của nhà cầm quyền muốn đưa đất nước phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa của phương Tây, thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô cũ trong quá khứ và của Nga hiện tại.

Nhưng ở một đất nước mà tới hơn 4.000 làng mạc, thị trấn có các đường phố chính được đặt tên theo Vladimir Ilyich Lenin, chưa kể hàng ngàn quảng trường, đại lộ, làng mạc, nhà máy, trường học và nhiều địa danh khác được đặt tên theo những sự kiện, danh nhân có liên quan tới Liên Xô cũ, việc thực thi luật mới do Tổng thống Petro Poroshenko ký ngày 15-5 gây nhiều phiền lụy.

Sau gần một tháng, việc dỡ bỏ vết tích thời Xô viết vẫn đang gây hoang mang cho không ít người dân Ukraine. Báo Wall Street Journal dẫn lời một bà mẹ 37 tuổi tên Svetlana Arshavina sống ở vùng ngoại ô phía tây bắc thủ đô của Ukraine: “Tôi muốn kể cho con mình rằng có một “bác Lenin” và mẹ từng tham gia lễ kỷ niệm lớn ở Kiev. Nhưng nay tôi sẽ nói gì với con đây? ”.

Những quan chức đứng sau điều luật mới nói điều đó là cần thiết để Ukraine thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga và tiến gần hơn với phương Tây. Nhưng những người phản đối luật xem đó là một việc tốn thời gian và tiền bạc.

Luật mới cho phép nhà cầm quyền thay đổi tên đường phố, nhưng người dân sở tại lại không muốn như vậy. Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo về những vi phạm liên quan tới vấn đề tự do ngôn luận.

Họ cho rằng việc đặt ra án phạt tới 5 năm tù cho những cá nhân có hành vi “tạo tác, tuyên truyền và sử dụng công khai” các biểu tượng của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản có thể bị xem là vi phạm nhân quyền.

Đài Al Jazeera cho biết một số học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài lo ngại về tính cực đoan của luật mới tại Ukraine. Phó giáo sư Oxana Shevel chuyên nghiên cứu về chính trị thời hậu Xô viết tại Đại học Tuffs của Mỹ cho rằng Ba Lan hay Cộng hòa Czech cũng từng tuyên bố bài bác chế độ xã hội cũ, nhưng chưa tới mức đi quá xa theo cách Ukraine đang làm hiện nay.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên