Ông Trần Cao Lạng bên chiếc xe đã cũ nát - Ảnh: T.Lụa |
Chủ xe là ông Trần Cao Lạng (54 tuổi, ngụ Bắc Giang). Theo ông Lạng, do va chạm nhẹ, không ai bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe nên các bên đã tự thỏa thuận và không khiếu nại gì thêm.
Tuy nhiên, ba ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, hai cảnh sát giao thông công an huyện đã đến nhà yêu cầu thu giữ chiếc ôtô và đưa về trụ sở để phục vụ điều tra.
Ông Lạng cho biết quá trình tạm giữ xe, công an huyện không có quyết định mà chỉ nói miệng rồi đưa xe đi. Hiện nay, chiếc ôtô vẫn nằm trong bãi tạm giữ xe vi phạm của công an huyện và bị nhiều gỉ sét, hư hỏng...
Thỏa thuận rồi sao công an còn đến?
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao hai bên đã tự giải quyết ổn thỏa vụ việc nhưng công an vẫn đến thu giữ phương tiện.
Chị Lê Trinh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nêu ý kiến: “Theo tôi biết, trong một số vụ việc nhỏ, nếu hai bên thỏa thuận với nhau và không ai khiếu nại gì thêm thì cảnh sát giao thông không xen vào vụ việc. Tại địa phương của tôi, nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ thỏa thuận để hạn chế tối đa các thủ tục tòa án vì nó khá phức tạp. Nhưng không biết tại sao trong trường hợp này cảnh sát lại đến?”.
Anh Tuấn Dũng (Vĩnh Long) cho biết: “Tại địa phương, trước khi giải quyết vụ việc gì người ta đều đưa ra tổ hòa giải để làm việc trước. Đằng này, sao hòa giải xong rồi mà tới 3 ngày sau công an lại đến làm việc và cũng không giải thích hay lập biên bản rõ ràng”.
Thương lượng được đặt lên hàng đầu
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM + cho rằng: “Chỉ khi có khiếu nại, tố cáo, công an mới phải xác minh và sau đó tiến hành giữ xe. Không có khiếu nại gì mà giữ xe sau khi hai bên đã thỏa thuận là vô lý. Việc không sang tên đổi chủ phải xử phạt hành chính, không phải giữ tài sản để cưỡng chế”.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Bộ luật dân sự quy định các bên có quyền thương lượng với nhau và điều này luôn được đặt lên hàng đầu.
Ba nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận. Trong đó, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng. Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.
Theo báo cáo “Nghiên cứu về hòa giải trong tố tụng dân sự tại tòa án VN” năm 2014 thì hòa giải là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các bên thường cố gắng tự thương lượng, dàn xếp với nhau hoặc tìm đến người thứ ba để được hỗ trợ trong việc tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết xung đột, chấm dứt các tranh chấp, bất hòa.
Hòa giải nhằm bảo đảm tối đa quyền tự định đoạt của đương sự trong việc giải quyết vụ việc dân sự; giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả vụ việc dân sự, tiết kiệm được tiền của, công sức, thời gian của Nhà nước và nhân dân trong trường hợp hòa giải thành; khôi phục và củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân; nâng cao ý thức pháp luật của công dân.
Pháp luật tố tụng dân sự xác định hòa giải vừa là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng dân sự, vừa là thủ tục tố tụng mà tòa án, các đương sự có trách nhiệm tiến hành khi giải quyết vụ việc dân sự.
Theo luật sư Trạch, chỉ trường hợp tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người hoặc phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì công an mới phải điều tra cho dù các bên đã thỏa thuận, hòa giải xong.
Mặt khác, nếu các bên “thương lượng miệng” xong nhưng sau đó, một bên thay đổi ý kiến thì công an phải xác minh. Không bên nào khởi kiện hoặc làm đơn khiếu nại thì công an không bao giờ được vào cuộc.
Ông Trạch cho biết thêm: “Cơ quan công an khi tịch thu tang vật phải có quyết định do người đứng đầu cơ quan đó ban hành. Trên quyết định phải ghi rõ lý do tịch thu, địa điểm và thời gian tịch thu. Công an không thể tịch thu tài sản của người dân khi không có biên nhận, giấy tạm giữ hay quyết định tịch thu.
Nếu thật sự lỗi do cơ quan chức năng thì chắc chắn phải bồi thường tổn thất cho người dân”.
Luật sư Nghiêm cũng cho rằng công an không có lý do giữ xe nếu không có tai nạn chết người vì trong trường hợp này là trách nhiệm dân sự. Công an làm sai thì phải bồi thường và người dân có quyền khiếu nại đòi bồi thường.
Các nước thì sao? Một trong những phương thức lâu đời và phổ biến nhất để giải quyết tranh chấp tại Nhật Bản là hòa giải trước khi thụ lý vụ án. Theo truyền thống Nhật Bản, việc giải quyết tranh chấp bằng phán quyết của tòa án là biện pháp cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp khác. Tại Pháp, thủ tục hòa giải được chia thành hai phương thức gồm: hòa giải có và không có sự tham gia của hòa giải viên. Còn theo quy đinh của pháp luật Liên bang Nga thì thương lượng là thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua việc làm giảm xung đột quyền lợi giữa các bên, phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt, các bên có quyền kết thúc việc giải quyết vụ án bằng thỏa thuận hòa giải ngay cả ở giai đoạn chuẩn bị xét xử. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Chị Lê Trinh
>> Luật sư Bùi Quang Nghiêm
>> Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận