05/10/2019 17:13 GMT+7

Dân Trùng Khánh sống như thế nào với 2,58 triệu camera giám sát?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ở Trùng Khánh cứ mỗi 1.000 người dân sẽ có 168 camera giám sát, một tỉ lệ còn nhiều hơn cả Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Người dân ở đây sống như thế nào trước sự giám sát đó?

Dân Trùng Khánh sống như thế nào với 2,58 triệu camera giám sát? - Ảnh 1.

Người dân Trùng Khánh đã quen với việc có nhiều camera giám sát trên đường phố, thậm chí có thể phân biệt các nhiệm vụ của từng loại camera dựa trên hình dạng bên ngoài - Ảnh chụp màn hình SCMP

Quá bí bách vì phải liên tục chở khách và không có thời gian nghỉ ngơi, Wu Fuchun, 33 tuổi, một tái xế taxi, đã tạt vào lề và tìm một nhà vệ sinh. 5 phút sau đó, điện thoại của anh rung lên bởi một tin nhắn nói rằng xe của anh đã đậu sai vị trí.

Điều tiếp theo đó không làm Wu ngạc nhiên. Anh bị phạt 200 nhân dân tệ, giấy phép lái xe bị trừ 3 điểm. Với Wu, bị phát giác rồi bị phạt như thế không có gì là mới ở Trùng Khánh, thành phố được giám sát nhiều nhất Trung Quốc và toàn cầu.

Kết quả xếp hạng này dựa trên nghiên cứu của Comparitech, một trang công nghệ hướng tới người tiêu dùng ở Anh công bố hồi tháng 8. Theo đó trong 10 thành phố nhiều camera an ninh nhất thế giới, Trung Quốc chiếm tới 8 thành phố.

Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong dẫn một thống kê chính thức của chính quyền Trùng Khánh cho biết tính đến đầu năm 2019, thành phố này đã lắp khoảng 2,58 triệu camera an ninh các loại, từ điều tiết giao thông đến bảo đảm an ninh trật tự.

Dân số của Trùng Khánh là 15,35 triệu người, nghĩa là cứ mỗi 1.000 người sẽ có khoảng 168 camera giám sát. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn ở thủ đô Bắc Kinh, Thượng Hải - những nơi đã áp dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận diện khuôn mặt vào hệ thống camera an ninh.

Vậy tại sao lại là Trùng Khánh mà không phải là Thâm Quyến hay các đô thị loại 1 của Trung Quốc như đã nói ở trên?

Các chuyên gia cho rằng thực tế hiện nay là di sản có từ thời cựu bí thư Bạc Hi Lai, người đang thụ án tù vì tham nhũng ở Trung Quốc.

Đặt mục tiêu trấn áp các băng đảng có tổ chức và đảm bảo an ninh trật tự địa phương, trong khoảng 5 năm cầm quyền, Bạc đã cho lắp đặt hàng loạt camera vì các mục đích khác nhau trên khắp Trùng Khánh.

Điều này đưa thành phố trở thành "đầu tàu" khi Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống camera giám sát công cộng Skynet - thứ mà Bắc Kinh gọi là "đôi mắt bảo vệ quốc gia".

Phần lớn người dân Trùng Khánh ngạc nhiên khi biết nơi họ sống có tỉ lệ camera giám sát dày đặc nhất thế giới. Song họ ủng hộ việc này, thậm chí cho rằng cần triển khai thêm camera.

Liu Gangqiang, một tài xế có 6 năm chạy taxi ở Trùng Khánh, khẳng định hệ thống camera đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và trị những hành khách ngang ngược.

"Miễn là họ không chĩa máy quay vào phòng ngủ hay phòng tắm của tôi là được. Tại sao chúng ta cần sự riêng tư ở những nơi công cộng?", Liu lập luận.

Mặc dù vậy Liu cũng thừa nhận ông có chút bỡ ngỡ với quy định mới, trong đó bắt buộc tất cả xe taxi phải lắp camera giám sát bên trong xe.

"Cảm giác giống như có một con mắt lúc nào cũng nhìn chằm chằm mình. Nhưng tôi sẽ phải tập làm quen với chuyện đó cho tới khi nào tôi còn muốn làm nghề này", ông Liu bộc bạch.

Thâm Quyến thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt khách đi metro Thâm Quyến thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt khách đi metro

TTO – Theo SCMP, tại Thâm Quyến, tàu điện ngầm đang thử nghiệm công nghệ nhận diện gương mặt để dùng trong thanh toán tiền vé.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên