Lũ chưa về, cá mồi không có, anh Dương Văn Tèo phải đi mua cá biển mắc gấp 3 lần so với mọi năm để nuôi ao cá lóc của mình ở xã Vĩnh Thạnh, Tân Hưng, Long An - Ảnh: Sơn Lâm |
Các địa phương cần có kế hoạch chống hạn, tiết kiệm nước ngọt, người dân cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý |
Thông thường đến cuối tháng 9, 10 hằng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gây ra những đợt lũ. Nhưng nay đã đến đầu tháng 10 mà không có lũ về, mực nước tại một số trạm quan trắc đầu nguồn thấp chưa từng thấy.
Ông Đặng Văn Dũng, phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho rằng những thông số trên đang báo hiệu mùa khô hạn 2015 - 2016 sẽ nghiêm trọng hơn các năm, tình trạng thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt có khả năng tái diễn ở nhiều nơi.
Ông Đặng Văn Dũng - Ảnh: Q.Khải |
* Thưa ông, vì sao năm nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không có lũ, phải chăng một phần do thủy điện “mọc lên như nấm” ở thượng nguồn?
- Khách quan là do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, lượng mưa từ thượng nguồn sông Mekong (Lào, Campuchia) ít nên nước về hạn chế. Thêm vào đó, lượng mưa tại chỗ cũng thiếu hụt so với trung bình hằng năm.
Trong số 30 trạm quan trắc ở Nam bộ chỉ có 6 trạm có lượng mưa tương đương với lượng mưa trung bình hằng năm, đa số các trạm còn lại đều thiếu hụt. Cụ thể, lượng mưa trung bình đến hết tháng 9 tại Phước Long (Bình Phước) thiếu hụt 874mm so với lượng mưa trung bình hằng năm, hay tại Trị An (Đồng Nai) thiếu hụt 742mm, Mộc Hóa (Long An) thiếu hụt 559mm, Rạch Giá (Kiên Giang) thiếu hụt 336mm và TP.HCM thiết hụt 171mm...
Cũng theo số liệu quan trắc, mực nước cao nhất trong tháng 9 và đầu tháng 10 tại trạm Tân Châu (An Giang) ở mức 2,51m (ngày 30-9 và hiện nay còn thấp hơn).
Trước đây, năm 1997 - 1998 là thời điểm El Nino hoạt động mạnh, tình trạng hạn hán xảy ra nghiêm trọng nhưng mực nước tại Tân Châu cũng đạt mức 2,82m. Còn hiện tại mực nước tại trạm này thấp hơn tới 31cm so với mực nước lịch sử năm 1997 và cũng là mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc từ trước đến nay.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như kể trên, cũng có nguyên nhân chủ quan là tình trạng các đập thủy điện đầu nguồn tích nước cũng là tác nhân khiến nước về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ít hơn.
* Nhưng từ nay đến cuối năm còn xa, có khả năng xuất hiện mưa dẫn đến nước lũ về thì sao, thưa ông?
- Hiếm khi xảy ra chuyện này, bởi theo nhận định mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm hơn khoảng 10 - 15 ngày so với mọi năm, tức là cuối tháng 10, đầu tháng 11 Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa, bước vào mùa khô.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ hiếm có những trận mưa như những ngày giữa tháng 9 ở TP.HCM (mưa hơn 140mm - PV). Vì vậy có thể nói năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có lũ. Mực nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và kênh rạch hạ lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn chủ yếu lên theo triều cường.
Cụ thể những ngày cuối tháng 10 triều cường sẽ làm nước trên các sông có thể lên nhưng ở trạm Tân Châu (sông Tiền) cũng ở mức 2,5m và ở các trạm Cần Thơ, Mỹ Thuận, Phú An (sông Sài Gòn) có thể ở mức báo động 3.
Tuy nhiên, ngược với nước lũ mang nước ngọt, phù sa từ đầu nguồn về và còn có tác dụng đẩy, rửa mặn, triều cường càng cao càng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Với những diễn biến như trên, năm nay mặn có thể lấn sâu 50 - 80km vào các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai.
* Với những dự báo trên, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như người dân ở đây cần lưu ý gì?
- Rõ ràng với những diễn biến thời tiết cho thấy Nam bộ sẽ đối mặt với hạn, mặn nghiêm trọng hơn các năm. Vì vậy, các địa phương cần có kế hoạch chống hạn, tiết kiệm nước ngọt, người dân đang nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý, đặc biệt trong vụ đông xuân 2015 - 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận